Xây dựng thương hiệu xanh: Cầu nối cho doanh nghiệp và người tiêu dùng Cần có cơ chế khuyến khích phát triển thương hiệu doanh nghiệp xanh |
Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành để hiểu hơn về vấn đề này.
Sản xuất và vận hành theo xu hướng xanh đang là hướng đi tất yếu của nhiều doanh nghiệp, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này, đặc biệt trong xu thế hội nhập hiện nay, thưa ông?
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành |
Từ những năm 1960 của thế kỷ trước, thế giới đã bắt đầu chú ý tới việc phát triển bền vững. Càng ngày, việc tiêu dùng có trách nhiệm và phát triển bền vững càng trở thành một tiêu chí cứng với nhiều thị trường, đặc biệt là ở các nước phát triển. Ở Việt Nam, người tiêu dùng cũng đã quan tâm tới vấn đề này.
Gần đây, có dịp tham gia một số triển lãm và hội chợ quốc tế, tôi nhận thấy nhu cầu này ngày càng lớn. Các đơn vị nhập khẩu ngoài việc yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, tiêu chuẩn sản xuất còn muốn đi xa hơn bằng việc yêu cầu sử dụng các chất liệu xanh, năng lượng xanh, quy trình sản xuất xanh, giải pháp kỹ thuật để giảm tối đa việc sử dụng kim loại trong nội thất và thay vào đó là các vật liệu thân thiện với môi trường.
Sản xuất xanh cũng chính là yêu cầu tiên quyết khi doanh nghiệp muốn thâm nhập vào thị trường các nước trên thế giới, nhất là các thị trường tham gia vào Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA… bởi những hiệp định thương mại này đều có quy định khắt khe về tiêu chí môi trường. Vì vậy, thực hiện tốt sản xuất xanh là một cơ hội tốt để tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do và đáp ứng yêu cầu của những thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật, châu Âu…
Việc xây dựng thương hiệu là cả quá trình. Là một chuyên gia nhiều năm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu, ông đánh giá như thế nào về thực tiễn xu hướng "xanh hoá" trong xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp hiện nay?
Các doanh nghiệp Việt đã quan tâm nhiều hơn trong vòng 10 năm qua tới hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu. Có thể nhìn thấy điều này qua số lượng các công ty đào tạo về truyền thông và thương hiệu, công và tư. Số lượng người học về chủ đề này. Chi phí quảng cáo và truyền thông. Các hoạt động truyền thông thương hiệu trong và ngoài nước…
Tuy nhiên, các hoạt động truyền thông thương hiệu của nhiều đơn vị có nhiều vấn đề: Một là, triển khai không bài bản. Hai là, chưa đặc sắc (thậm chí có trường hợp copy y nguyên của các thương hiệu khác trên thị trường). Ba là, các nỗ lực chưa dài hạn. Bốn là, thiếu sự phối hợp với nhau trong cùng một ngành hàng, ở trong hay ngoài nước. Năm là, thiếu nhân sự cấp cao chuyên sâu trong những ngành chuyên biệt như nông sản chế biến, thực phẩm chức năng, đặc sản, thủ công mỹ nghệ, kiến trúc, nội thất…
Nhiều doanh nghiệp đã thích ứng với sản xuất xanh để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của thị trường. Ảnh: Mocchaumilk |
Xây dựng thương hiệu xanh trước hết cần bắt đầu từ nhận thức và quyết tâm của người chủ doanh nghiệp. Xanh hoá trong sản xuất, xây dựng thương hiệu không chỉ giúp doanh nghiệp tăng trưởng bền vững mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả kinh tế và giá trị vô hình góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia sâu rộng vào hội nhập kinh tế quốc tế. Xu hướng tiêu dùng của thế giới và trong nước cũng đang chuyển dịch nhanh sang các sản phẩm thân thiện với môi trường đặt ra những bài toán mới cho doanh nghiệp Việt Nam. Đó là doanh nghiệp phải nâng cao trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh, nhất là tuân thủ nghiêm các quy định về môi trường.
Việc định vị và xây dựng một thương hiệu mạnh sẽ mở ra cơ hội gì cho doanh nghiệp trong cạnh tranh thương mại?
Thách thức lớn cho hầu hết các doanh nghiệp là chúng ta đang chuyển từ nền kinh tế dựa trên sự khan hiếm sang nền kinh tế dư thừa. Trong biển thông tin và vô số sự lựa chọn ngày nay, xu hướng của người tiêu dùng là ưu tiên lựa chọn những thương hiệu đã được biết đến, uy tín, quen thuộc. Chính vì vậy, truyền thông để người ta biết đến là một thách thức lớn. Cần truyền thông rộng rãi.
Thách thức thứ hai là làm cho người ta nhớ đến thương hiệu của mình. Cần truyền thông có chiều sâu, sáng tạo và lâu dài, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong truyền thông.
Thách thức thứ ba là làm cho người tiêu dùng ưu tiên sử dụng. Muốn vậy, ngoài đảm bảo chất lượng, thương hiệu cần phải thể hiện được tính nhân văn và trách nhiệm của mình. Trách nhiệm với môi trường, xã hội, chú trọng phát triển bền vững.
Truyền thông thương hiệu là một hoạt động cần dài hơi và xuyên suốt, với kinh nghiệm của một người từng nhiều năm làm nghề, ông có chia sẻ gì giúp doanh nghiệp cũng như các cơ quan chức năng tận dụng, phát huy được hiệu quả truyền thông thương hiệu, thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp, hướng đến phát triển bền vững?
Người ta thường nói đến việc giúp người khác thì nên cho cá hoặc cần câu, tôi nghĩ là phải làm cả hai.
Cá chính là các cơ hội truyền thông. Các nhà đầu tư, bạn hàng quốc tế, doanh nghiệp phân phối, sản xuất đều cần có một điểm tiếp nhận thông tin gọi là Information hub (trung tâm dữ liệu). Ở đây người quan tâm có thể tìm thấy các đối tác cần thiết trong mọi lĩnh vực kinh doanh. Bộ Công Thương nên là đơn vị triển khai việc này.
Cần câu là cách làm việc. Chính các thương hiệu, doanh nghiệp cần phải tích cực trong việc xây dựng thương hiệu một cách bài bản, có hệ thống. Các hoạt động được kết nối với nhau để tạo ra hình ảnh nhất quán.
Các cơ quan chức năng nên tăng cường tổ chức các lớp đào tạo, cập nhật kiến thức về thương hiệu, truyền thông, văn hóa doanh nghiệp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Đặc biệt, các khóa đào tạo cần được tiếp tục theo dõi, hỗ trợ, chứ không chỉ dừng lại ở việc đào tạo. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động để đảm bảo các yếu tố phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất và kinh doanh của mình.