Doanh nghiệp nào có số lượng kỷ lục sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia? Xây dựng thương hiệu xanh bắt đầu từ quyết tâm của chủ doanh nghiệp |
Xu hướng xanh hoá trong xây dựng thương hiệu ngày càng phổ biến. Rất nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư sản xuất nhằm cho ra đời những sản phẩm yếu tố “xanh”, “sạch”, thân thiện với môi trường và đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người tiêu dùng.
Theo Bộ Công Thương, xu hướng tiêu dùng sản phẩm xanh không chỉ ở châu Âu, mà đang ngày càng nở rộ tại nhiều quốc gia. Xu hướng sống xanh, tiêu dùng xanh đặt ra bài toán mới cho các thương hiệu Việt để phù hợp với xu thế phát triển chung và nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh ở cả thị trường trong và ngoài nước.
Tọa đàm "Xu hướng ''xanh hoá'' trong xây dựng thương hiệu: Cơ hội và thách thức" sẽ diễn ra 14h30 chiều 18/11 |
Thực tế, từ nghiên cứu của Công ty Nielsen cho thấy, tại Việt Nam, thời gian qua, các thương hiệu có cam kết xanh và sạch có mức tăng trưởng khá cao, khoảng 4%/năm và có tới khoảng 80% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn để mua các sản phẩm có nguyên liệu đảm bảo thân thiện với môi trường, có thương hiệu xanh và sạch. Điều này có nghĩa, xu hướng tiêu dùng của người dân với các sản phẩm sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường cũng có xu hướng tăng lên.
Có thể thấy, chuyển đổi xanh không chỉ là con đường tất yếu để Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 mà còn là con đường bắt buộc doanh nghiệp phải đi qua nếu muốn đạt được mục tiêu phát triển bền vững và tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Để nâng cao năng lực, ''chen chân'' vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp thương hiệu quốc gia nói riêng đã và đang nỗ lực xanh hoá trong sản xuất và kinh doanh. Việc chuyển đổi sang sản xuất xanh không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí dài hạn nhờ tối ưu hóa nguồn năng lượng, nguyên liệu, giảm lãng phí, từ đó cải thiện biên lợi nhuận mà còn giúp các doanh nghiệp hưởng lợi từ việc nâng cao hình ảnh thương hiệu, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay, ngoài các doanh nghiệp vươn tầm quốc gia, các doanh nghiệp Việt, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện còn gặp nhiều khó khăn trong triển khai các giải pháp phát triển bền vững. Theo đó, để chung sức, đồng lòng “vươn mình tiến vào Kỷ nguyên xanh” bên cạnh sự hỗ trợ của chính phủ, các cơ quan, ban, ngành, theo các chuyên gia, yêu cầu đã và đang đặt ra cho các doanh nghiệp hiện nay là phải tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường quốc gia cũng như quốc tế, bởi, qua đó sẽ giúp doanh nghiệp mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu và hợp tác kinh doanh mới, cũng như có thể giúp doanh nghiệp chen chân trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Báo Công Thương tổ chức Chương trình Chính sách và Đối thoại với chủ đề: “Xu hướng “xanh hoá” trong xây dựng thương hiệu: Cơ hội và thách thức”
Chương trình tọa đàm có sự tham gia của các vị khách mời:
- Ông Tạ Mạnh Cường -Trưởng phòng Phòng Phát triển Năng lực Xúc tiến thương mại - Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương
- Chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành
- Ông Trần Quốc Huy - Giám đốc Marketing Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu
Chương trình tọa đàm Chính sách và đối thoại của Báo Công Thương được phát trực tiếp trên các nền tảng congthuong.vn, TikTok, Youtube, Facebook.