Bắc Kạn: Xây dựng thương hiệu riêng để sản phẩm OCOP vươn xa Bát ngát xanh vùng hồ Ba Bể |
Chớm Đông, nắng như rót mật, cũng là lúc những triền đồi ở các xã Quang Thuận, Đôn Phong, Dương Phong (huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) lại rực vàng quýt chín. Khi sương bắt đầu tan là cảnh tấp nập người bán kẻ mua, tiếng nói cười rộn rã khắp các bản làng.
Hộ gia đình ông Bùi Xuân Liêm tại thôn Bản Chàn, xã Dương Phong là một trong những hộ có nhiều diện tích quýt nhất vùng. Với 30ha đất trồng cam quýt, ông Liêm cho biết, mỗi năm gia đình ông thu từ 20 - 30 tấn. Với giá bán bình quân 8.000 đồng/kg, ông thu về hàng trăm triệu đồng/năm. Cây cam, quýt đã trở thành cây giúp gia đình ông làm giàu.
Được biết, Bạch Thông là huyện có diện tích trồng quýt lớn nhất tỉnh Bắc Kạn tập trung ở ba xã Quang Thuận, Đôn Phong, Dương Phong. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bạch Thông, năm 2023 toàn huyện có 1.271ha quýt, năng suất đạt 116 tạ/ha, sản lượng đạt 14.003 tấn. Năm 2024, toàn huyện có 252ha cam và 1.130 ha quýt. Cam, quýt đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu hiệu quả cho bà con nơi đây.
“Quýt năm nay được giá hơn so với mọi năm, giá trung bình từ 8.000 - 8.500 đồng/kg, tùy theo từng loại. Loại quả quýt bi (nhỏ) giá từ 4.000 - 5.000 đồng/kg, loại đại (to) từ 10.000 - 12.000 đồng/kg. Đây là một tín hiệu tích cực với bà con nông dân, so với những năm trước thì năm nay quýt có giá tốt nhất” - đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bạch Thông cho hay.
Mùa quýt Bắc Kạn bắt đầu từ tháng 9 âm lịch, kéo dài tới Tết Nguyên đán. Ảnh: Trần Tuyến |
Quýt Bắc Kạn được phân biệt với các giống quýt khác nhờ các đặc thù về cảm quan cũng như chất lượng quả. Quả quýt của Bắc Kạn có hình dáng tròn dẹt, đường kính 7 - 9 cm, cao 4 - 5cm, vỏ nhẵn, khi chín có màu vàng tươi, dễ bóc tách, múi to đều mọng nước, tép quả màu vàng rơm, không nát, có vị chua dịu, không the đắng, mùi thơm đặc trưng.
Mùa quýt Bắc Kạn bắt đầu từ tháng 9 âm lịch, kéo dài tới Tết Nguyên đán. Mặc dù, giống quýt Bắc Kạn đã từng được đem trồng thử ở nhiều nơi, nhưng không đâu có chất lượng bằng trồng ở Bắc Kạn.
Với những đặc điểm nổi trội, Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý Bắc Kạn cho sản phẩm Quýt Bắc Kạn từ năm 2012. Sản phẩm quả quýt tươi được trồng và thu hái trong vùng bản đồ Chỉ dẫn địa lý mà tỉnh Bắc Kạn đã đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ gồm 12 xã: Quang Thuận, Dương Phong, Đôn Phong (huyện Bạch Thông); Rã Bản, Đông Viên, Phương Viên (huyện Chợ Đồn); Thượng Giáo, Địa Linh, Chu Hương, Mỹ Phương, Cao Trĩ, Yến Dương (huyện Ba Bể).
Từ khi được cấp chỉ dẫn địa lý, sản phẩm quýt Bắc Kạn đã khẳng định chỗ đứng trên thị trường, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ ra các tỉnh, thành phố. Đến vụ thu hoạch quýt, trên các trục đường từ xã Quang Thuận, Dương Phong (Bạch Thông) đến các xã Đông Viên, Phương Viên (Chợ Đồn)..., các tiểu thương tấp nập tới thu mua mang đi tiêu thụ tại các tỉnh như Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội và Lạng Sơn...
Chị Thuận - một tư thương chuyên thu mua quýt trên địa bàn xã Dương Phong chia sẻ: “Tôi thu mua quýt về giao cho các chợ đầu mối tại tỉnh Thái Nguyên. Đây là chuyến thứ 5 trong năm nay. Mỗi chuyến tôi thu từ 4 - 5 tấn quýt. Quýt Bắc Kạn được mọi người ưa chuộng bởi mùi thơm đặc trưng, không nhiều ngọt. Khoảng giữa tháng 11 mới là thời điểm chính vụ, quýt sẽ chín rộ và ngọt hơn nên dự tính trong những ngày tiếp theo, tôi thu mua nhiều hơn”.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Luyến - một thương lái khác cho biết: “Tôi thu mua quýt ở Bắc Kạn từ hơn 20 năm nay, mỗi chuyến mua vào khoảng 30 - 40 tấn. Đây là chuyến hàng thứ 8 trong tháng 10 này. Toàn bộ quýt được bán giao lại cho các tiểu thương ở các chợ tại tỉnh Lạng Sơn”.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn, để bảo tồn và phát triển thương hiệu quýt, những năm qua, Bắc Kạn đã quan tâm hỗ trợ giống, vật tư, kỹ thuật và chỉ đạo các địa phương chuyển mở rộng diện tích canh tác theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Trong đó, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh đã triển khai Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ nhân giống cây ăn quả có múi đặc sản sạch bệnh tại Bắc Kạn”; Dự án “Nghiên cứu thành phần diễn biến sâu bệnh hại và thiên địch, xây dựng mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây cam quýt tại huyện Bạch Thông, Bắc Kạn”…
Cũng giống như quả quýt, “gạo Bao thai Chợ Đồn” đã được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và công nghệ cấp Giấy chứng nhận bảo hộ Nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm. Nhãn hiệu tập thể do Hội nông dân huyện Chợ Đồn là chủ sở hữu; toàn huyện có 238 hộ sản xuất tại thị trấn Bằng Lũng và các xã Phương Viên, Ngọc Phái, Quảng Bạch, Đồng Lạc, Đông Viên, Rã Bản, Yên Nhuận và Bình Trung được phép sử dụng nhãn hiệu tập thể. Đây là cơ sở quan trọng, góp phần khẳng định thương hiệu gạo Bao thai Chợ Đồn trên thị trường tiêu thụ, đồng thời khuyến khích người dân mở rộng và nâng cao năng suất, chất lượng gieo trồng giống lúa Bao thai.
Giống lúa Bao thai cho năng suất cao, hạt gạo trắng, thơm ngon đặc trưng và giàu dinh dưỡng. Ảnh: Thu Trang |
Hằng năm, diện tích gieo cấy lúa vụ mùa của huyện Chợ Đồn đạt hơn 2.400ha, trong đó lúa Bao thai khoảng 1.700ha. Giống lúa Bao thai cho năng suất cao, hạt gạo trắng, thơm ngon đặc trưng và giàu dinh dưỡng.
Thực hiện liên kết trong sản xuất, đa số sản lượng lúa, gạo Bao thai đều được các hợp tác xã trên địa bàn thu mua. Huyện Chợ Đồn xác định đây là một trong những cây trồng mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp hàng hóa của địa phương.
Trên cơ sở đó, huyện phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp Việt Nam triển khai Dự án Quản lý và phát triển Nhãn hiệu tập thể gạo Bao thai Chợ Đồn. Đồng thời, huyện đã ban hành Đề án nâng cao chất lượng gạo Bao thai, các chính sách hỗ trợ sản xuất, phục tráng giống đầu dòng để cung cấp giống cho nông dân với chất lượng tốt nhất.
Cùng với đó, công tác xúc tiến thương mại, được UBND tỉnh Bắc Kạn quan tâm hỗ trợ. Theo lãnh đạo Sở Công Thương Bắc Kạn, những năm qua tỉnh đã phát triển các sản phẩm được bảo hộ; đồng thời tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện thông qua các dự án, mô hình hỗ trợ nông dân sản xuất, xúc tiến thương mại, giới thiệu nông sản, xây dựng quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, hỗ trợ in tem nhãn, bao bì sản phẩm…
“Các hoạt động quảng bá đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm gạo, miến dong, cam quýt, hồng không hạt của tỉnh, thúc đẩy sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân. Quan trọng hơn, việc được cấp văn bằng bảo hộ chính là cơ sở để địa phương thực hiện vùng quy hoạch và xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao năng suất, góp phần ổn định nền kinh tế địa phương” - lãnh đạo Sở Công Thương cho hay.
Theo định hướng của tỉnh Bắc Kạn, phấn đấu tập trung phát triển một số loại cây trồng có thế mạnh, bao gồm: 1.000 ha lúa có chất lượng, giá trị kinh tế cao; đầu tư thâm canh tăng năng suất 1.500 ha cây dong riềng, phát triển diện tích trồng cam, quýt lên 3.500 ha; diện tích trồng hồng không hạt đạt 1.000 ha... Trong đó, một số loại cây ăn quả như hồng không hạt, cam, quýt, mơ… sẽ áp dụng sản xuất theo hướng VietGAP để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Cùng với đó, tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, từng bước xây dựng thương hiệu và quản lý chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản hàng hóa địa phương.