Thứ năm 24/04/2025 05:45

Xây dựng thương hiệu nhờ kinh doanh có trách nhiệm

Để một thương hiệu sản phẩm tạo được sự tin tưởng của người tiêu dùng, bên cạnh chất lượng thì văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp đóng một vai trò quan trọng.
Xây dựng thương hiệu từ tâm, doanh nghiệp thu ‘trái ngọt’ Xây dựng thương hiệu mạnh để rau quả Việt Nam 'cất cánh' Xây dựng thương hiệu quốc gia từ nội lực đổi mới

Trách nhiệm làm nên thương hiệu

Chia sẻ tại Diễn đàn Văn hóa doanh nhân Việt Nam 2025 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây, Đại tá, TS. Phạm Hồng Thanh – Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Nam Định - Hà Nội cho rằng: Trách nhiệm của doanh nghiệp, người làm kinh doanh hiện nay không chỉ thể hiện với sản phẩm, với người lao động, với đất nước mà còn với cả người tiêu dùng. Và đó chính là nền tảng để hình thành nên một thương hiệu mạnh, một doanh nghiệp mạnh.

Xây dựng thương hiệu nhờ kinh doanh có trách nhiệm
Kinh doanh có trách nhiệm giúp Vinamilk định vị thương hiệu trong lòng người tiêu dùng. Ảnh minh hoạ

Cùng quan điểm kinh doanh có trách nhiệm sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững, bà Nguyễn Thị Xinh – Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch An Vui đưa ra ví dụ điển hình về một doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm và xây dựng được thương hiệu tốt ở Việt Nam.

Đó là Tập đoàn Vinamilk, bà Nguyễn Thị Xinh cho rằng, hàng năm tập đoàn này đã dành khoảng 100-150 tỷ đồng hỗ trợ cho các hoạt động xã hội. Cùng với trách nhiệm xã hội, những sản phẩm mang thương hiệu Vinamilk không chỉ được người tiêu dùng trong nước đón nhận mà còn xuất khẩu ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Tương tự Vinamilk, hiện Công ty CP Đường Quảng Ngãi (QNS) đang ‘sở hữu’ nhiều chủng loại sản phẩm với các thương hiệu: Đường QNS, sữa đậu nành Vinasoy, FAMI, nước khoáng Thạch Bích…

Các sản phẩm của QNS nằm trong Top 10 công ty thực phẩm uy tín nhóm ngành đường, bánh kẹo và thực phẩm dinh dưỡng khác do Vietnam Report đánh giá. Đồng thời, các sản phẩm của QNS cũng nhiều năm liền đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam.

Năm 2022, 5 sản phẩm của Công ty CP Đường Quảng Ngãi đạt Thương hiệu Quốc gia, gồm: Đường QNS, Nước khoáng Thạch Bích, Bánh kẹo Biscafun, Bia Dung Quất và Sữa đậu nành Vinasoy. Năm 2024, 4 sản phẩm của doanh nghiệp này cũng có tên trong danh sách sản phẩm Thương hiệu Quốc gia.

Cũng trong năm 2024, sản phẩm sữa đậu nành Fami Green Soy của QNS đã giành giải nhất hạng mục “Đổi mới công nghệ” tại giải thưởng Sáng tạo thực phẩm từ thực vật quốc tế tổ chức tại New York (Hoa Kỳ).

Hiện tại, các sản phẩm từ sữa đậu nành Vinasoy của QNS không chỉ thành công tại thị trường Việt Nam mà đã xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Myanmar, New Zealand…

Theo ông Võ Thành Đàng – Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Đường Quảng Ngãi cho biết: Những năm qua, uy tín thương hiệu công ty và thương hiệu sản phẩm không ngừng được nâng lên. Hiện QNS nằm trong danh sách Top 500 doanh nghiệp lớn nhất và có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam trong bảng xếp hạng của Vietnam Report công bố.

Theo đại diện Công ty CP Đường Quảng Ngãi, để đạt được những thành tựu trên là cả một quá trình phấn đấu của đội ngũ lãnh đạo và những người lao động trong doanh nghiệp, trong đó bên cạnh đầu tư công nghệ mới, chủ động ứng phó với những biến động không ngừng của môi trường kinh doanh, từng bước nâng cao hiệu quả kinh doanh… thì doanh nghiệp đặc biệt đề cao phương châm ‘kinh doanh có trách nhiệm’.

Phương châm này không chỉ thể hiện trong mối quan hệ với khách hàng, đối tác, cộng đồng, xã hội mà còn được thể hiện trong các mối quan hệ với cổ đông, với người lao động.

Xây dựng thương hiệu nhờ kinh doanh có trách nhiệm
Kinh doanh có trách nhiệm là con đường tất yếu để doanh nghiệp phát triển. Ảnh minh hoạ

Chất lượng sản phẩm không phải là tất cả

Theo ông Lê Quang Cảnh - Đại học Kinh tế Quốc dân, kinh doanh có trách nhiệm càng trở nên cần thiết trong giai đoạn hiện nay, khi yêu cầu của người tiêu dùng về các sản phẩm, hàng hóa ngày càng cao.

Ngoài chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng còn quan tâm đến trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với môi trường, trách nhiệm với người lao động, khách hàng mà doanh nghiệp thực hiện. Theo đó, muốn phát triển thương hiệu bền vững, doanh nghiệp không chỉ chú trọng đến chất lượng sản phẩm.

Cùng quan điểm trên, Đại tá, TS. Phạm Hồng Thanh cho rằng: Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà mỗi hành động kinh doanh, dù nhỏ nhất, đều để lại dấu vết. Không còn thời đại của những thương hiệu vô hình, những lựa chọn lặng lẽ mà không ai biết đến.

TS. Phạm Hồng Thanh khẳng định và cho rằng: Ngày nay, kinh doanh không thể không có trách nhiệm.

“Không trách nhiệm - không còn thương hiệu. Không trách nhiệm – nhân sự rời bỏ. Không trách nhiệm – có thể vướng vòng pháp lý,” TS. Phạm Hồng Thanh nêu rõ, đồng thời cho rằng: Trách nhiệm không phải là lựa chọn, mà là điều kiện tiên quyết. Là gốc rễ tạo ra sự trường tồn, và cũng là giới hạn đạo đức không thể vượt qua của người làm kinh doanh.

Cũng theo TS. Phạm Hồng Thanh: Kinh doanh mà không có trách nhiệm không chỉ khiến doanh nghiệp không xây dựng được thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm, mà là con đường ngắn nhất để doanh nghiệp tự đánh mất mình. Mất khách hàng – vì không giữ chữ tín. Mất nhân viên – vì không giữ con người. Mất tương lai – vì không giữ đạo đức.

"Đặc biệt, khi kinh doanh không có trách nhiệm, chạy theo lợi nhuận, dùng mọi thủ đoạn trốn tránh pháp luật sẽ có ngày phải chịu sự trừng trị của pháp luật. Trách nhiệm xã hội không chỉ là khẩu hiệu – mà là kim chỉ nam, là la bàn đạo đức và là nền tảng cho mọi quyết định. Làm bằng cái tâm tốt nhất – không phải là điều xa xỉ mà là điều bắt buộc nếu chúng ta muốn tồn tại lâu dài, tử tế và tự hào" - TS Phạm Hồng Thanh nêu quan điểm.

Kinh doanh có trách nhiệm không chỉ thể hiện với đối tác, khách hàng, người lao động, môi trường, xã hội mà còn là trách nhiệm với quốc gia, dân tộc. Kinh doanh có trách nhiệm sẽ giúp doanh nghiệp định vị thương hiệu trong lòng người tiêu dùng và gia tăng cơ hội phát triển bền vững.

Tin khác

Phiên bản di động