Thứ năm 19/12/2024 10:12

Xây dựng thương hiệu, đưa nông sản Việt tiến xa hơn

Dù thu về gần 57 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng năm 2024, tuy nhiên, bài toán về thương hiệu nông lâm thủy sản vẫn đang còn bỏ ngỏ.
Xây dựng thương hiệu bền vững: Doanh nghiệp Việt vẫn loay hoay Xây dựng thương hiệu nông sản Bắc Kạn

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 11 ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 13,9% so với tháng 11 năm 2023. Từ đó, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 11 tháng năm 2024 đạt 56,74 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Nếu tháng 12 xuất khẩu diễn biến thuận lợi, tổng kim ngạch năm 2024 của ngành nông nghiệp có thể đạt 60 - 61 tỷ USD.

Trái nhãn Việt Nam bán tại siêu thị Thái Lan
Trái nhãn Việt Nam bán tại siêu thị Thái Lan

Trong 11 tháng qua, cán cân thương mại ngành nông lâm thủy sản Việt Nam ước đạt thặng dư 16,46 tỷ USD, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm trước, đây là một con số kỷ lục đối với ngành nông nghiệp.

Cụ thể trong 11 tháng của năm 2024, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 29,78 tỷ USD, tăng 23,2%; giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 475,5 triệu USD, tăng 4,4%; giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 9,2 tỷ USD, tăng 11,8%; giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 15,59 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Giá trị thặng dư thương mại của ngành tăng mạnh chủ yếu nhờ vào thặng dư thương mại của gỗ và sản phẩm gỗ lên tới 12,11 tỷ USD. Việc đẩy mạnh ký kết các nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc giúp ngành hàng rau quả xuất siêu 4,56 tỷ USD sau 11 tháng.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – nhận định, hằng năm, thặng dư thương mại của nông sản thường chiếm 65-72% toàn ngành kinh tế. Điều này chứng tỏ được lợi thế tiềm năng của nông nghiệp đã và đang được khơi thông. Đây cũng là nền tảng để năm 2025 chúng ta có thể về đích với quy mô, tỷ suất xuất khẩu lớn hơn.

Để có được những kết quả trên, bên cạnh sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Chính phủ và cụ thể là Thủ tướng Chính phủ, một lý do nữa để ngành nông nghiệp có thể đạt được các con số kỷ lục năm 2024 là nhờ vào quá trình tái cơ cấu trong nhiều năm qua, đi cùng với đó là ứng dụng những tiến bộ về khoa học, công nghệ và hướng chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn. Bên cạnh đó, thành tựu xuất khẩu nói trên có được cũng nhờ vào nỗ lực mở rộng và đa dạng hóa thị trường của các đơn vị trong ngành nông nghiệp.

Mặc dù có được những con số tăng trưởng ấn tượng cùng với nhiều thuận lợi và thời cơ, ngành nông nghiệp vẫn đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Ví dụ như thách thức từ tình hình kinh tế thế giới, biến đổi khí hậu, dịch bệnh.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, hiện nay 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều sản phẩm được xuất khẩu và bán ở thị trường nước ngoài dưới thương hiệu không phải của doanh nghiệp Việt Nam.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thương hiệu nông sản phải đi lên từ chất lượng, truy xuất nguồn gốc. Thực tế, chúng ta chỉ mới triển khai truy xuất nguồn gốc được 1 - 2 năm gần đây, chất lượng cũng còn nhiều vấn đề khác liên quan đến giống cây trồng, cách trồng, cách thu hái, đóng gói, bảo quản.

TS. Nguyễn Đăng Nghĩa - Chuyên gia nông nghiệp - nhấn mạnh, việc làm cấp thiết là cần có nhãn hàng chung cho nông sản Việt Nam và phải xây dựng được logo. Về phía các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cũng phải đáp ứng các yêu cầu của đối tác, tổ chức sản xuất để đáp ứng được số lượng, chất lượng, giá cả. Quan tâm khâu tổ chức sản xuất để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định cho mỗi loại nông sản đặc thù.

Các cơ quan cần quản lý chất lượng cần kiểm soát và giám sát thật chặt chẽ chất lượng nông sản. Đặc biệt, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành trong câu chuyện xây dựng thương hiệu. Ngoài ra, để xây dựng thương hiệu nông sản Việt mang lại hiệu quả, cần rà soát lại thế mạnh nông sản của từng địa phương. Xây dựng khung hệ thống tiêu chuẩn sản phẩm mang tính chất thương hiệu quốc gia; chú ý hệ sinh thái và phát triển thương hiệu, quan tâm đến cơ chế quản lý.

Tin khác

Phiên bản di động