Xây dựng thương hiệu quốc gia từ sản phẩm OCOP Hà Nội xây dựng thương hiệu từ các tour du lịch đêm Du lịch Ninh Bình: Xây dựng thương hiệu từ di sản |
Khai mở tiềm năng từ sản phẩm thế mạnh
Nằm ở khu vực miền núi biên giới phía Tây Bắc, tỉnh Lai Châu không chỉ nổi bật với cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa đa dạng mà còn sở hữu những sản phẩm nông, lâm sản đặc trưng có tiềm năng lớn về giá trị thương mại. Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc xây dựng thương hiệu cho hàng hóa thế mạnh đang được ngành Công Thương tỉnh Lai Châu xác định là bước đi chiến lược, góp phần nâng tầm giá trị, mở rộng thị trường và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
![]() |
Đoàn Sở Công Thương và doanh nghiệp tỉnh Lai Châu tham gia chương trình xúc tiến thương mại tại Ấn Độ tháng 2/2025. Ảnh: SCTLC |
Theo Sở Công Thương tỉnh Lai Châu, địa phương có hàng chục sản phẩm nông, lâm sản đặc hữu như chè shan tuyết, mắc ca, chuối, gạo Séng Cù, dược liệu, măng nứa khô, mật ong... Đây là những sản phẩm được đánh giá cao về chất lượng, có khả năng phát triển chuỗi giá trị và đáp ứng thị hiếu thị trường. Đặc biệt, tính đến năm 2025, tỉnh Lai Châu có 216 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt hạng từ 3 sao đến 4 sao… từng bước khẳng định lợi thế riêng biệt của mình trên bản đồ sản phẩm vùng cao.
Những năm trước đây, phần lớn các sản phẩm thế mạnh này của Lai Châu chủ yếu tiêu thụ dưới dạng thô, giá trị thấp, phụ thuộc vào thương lái và thiếu tính ổn định. Điều đó đặt ra yêu cầu cấp thiết phải thay đổi cách làm, nâng cao giá trị hàng hóa bằng cách đẩy mạnh chế biến; cùng với đó là xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu chuyên nghiệp, bài bản và bền vững.
Xác định rõ vai trò trung tâm trong việc hỗ trợ tiêu thụ và phát triển hàng hóa địa phương, thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh Lai Châu đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường. Ngoài ra, các sản phẩm tiêu biểu của Lai Châu còn được đưa lên các sàn thương mại điện tử, kênh phân phối hiện đại, từng bước xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp và gia tăng sự hiện diện trên thị trường.
Trong những tháng đầu năm, đặc biệt là hưởng ứng Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2025 vừa qua (Ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4), ngành Công Thương Lai Châu đã triển khai nhiều sự kiện tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh, sản phẩm, thương hiệu của các hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn.
Song song với đó, Sở Công Thương phối hợp với các ngành, địa phương hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ xây dựng nhãn hiệu, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, chứng nhận chất lượng cho sản phẩm. Đây là những yếu tố then chốt trong quá trình xây dựng thương hiệu và tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Tạo dựng thương hiệu gắn với lợi thế bản địa
Thời gian qua, việc phát triển hàng hóa của tỉnh Lai Châu được quan tâm, đặc biệt là phát triển các sản phẩm OCOP gắn với hàng hóa có lợi thế của địa phương. Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP ở Lai Châu không chỉ mang giá trị kinh tế mà còn thể hiện sự gắn kết với bản sắc địa phương, văn hóa vùng cao và phương thức sản xuất đặc trưng. Chẳng hạn, chè shan tuyết Tà Chải không chỉ là sản phẩm có hương vị đặc biệt, mà còn là kết tinh từ khí hậu, thổ nhưỡng, kinh nghiệm canh tác truyền thống của đồng bào dân tộc Dao, Mông. Việc đưa sản phẩm này trở thành thương hiệu vùng cao không chỉ giúp tăng thu nhập cho người dân, mà còn góp phần bảo tồn phương thức canh tác bản địa.
![]() |
Lai Châu xây dựng thương hiệu hàng hóa gắn với lợi thế bản địa. Ảnh: QD |
Một ví dụ tiêu biểu khác là gạo Séng Cù huyện Phong Thổ. Đây là giống lúa nếp quý, thơm ngon, đang được xây dựng thương hiệu mạnh với vùng nguyên liệu quy mô lớn, có chứng nhận chất lượng và bao bì chuyên nghiệp. Nhờ đó, gạo Séng Cù ngày càng được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, mở rộng khả năng xuất khẩu.
Định hướng của Lai Châu là mỗi sản phẩm chủ lực đều phải có “chứng minh thư” riêng, từ chỉ dẫn địa lý, chứng nhận chất lượng đến hình ảnh thương hiệu rõ nét, gắn với câu chuyện vùng đất, con người. Điều này giúp sản phẩm dễ dàng tạo dấu ấn, cạnh tranh trên thị trường…
Thời gian tới, ngành Công Thương tỉnh Lai Châu đặt mục tiêu phát triển mạnh hàng hóa thế mạnh gắn với vùng nguyên liệu, nâng cao năng lực chế biến, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Trong đó, ưu tiên những sản phẩm có tiềm năng vươn ra thị trường quốc tế như chè, mắc ca, dược liệu, gạo đặc sản.
Đặc biệt, Sở Công Thương sẽ tăng cường phối hợp với các ngành, hiệp hội, doanh nghiệp để đào tạo kỹ năng marketing, xây dựng thương hiệu cho hợp tác xã, hộ sản xuất; hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể... để sản phẩm địa phương đủ sức cạnh tranh trên các kệ hàng lớn.
Ngoài ra, công tác chuyển đổi số, kết nối với sàn thương mại điện tử và nền tảng công nghệ cũng được đẩy mạnh. Đây là hướng đi tất yếu để sản phẩm Lai Châu tiếp cận người tiêu dùng hiện đại, đặc biệt là giới trẻ - nhóm khách hàng tiềm năng với xu hướng tiêu dùng thông minh, có trách nhiệm và ưu tiên sản phẩm vùng miền đặc sắc.
Ông Vương Thế Mẫn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lai Châu cho biết: Song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, nâng cấp máy móc thiết bị, ngành Công Thương sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, tạo cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tham gia các sự kiện, chương trình kết nối giao thương trong nước và quốc tế. Thông qua các hoạt động, sự kiện xúc tiến thương mại, giúp quảng bá thương hiệu sản phẩm hàng hóa địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã có thêm kinh nghiệm và nâng cao năng lực cạnh tranh… |