Thứ năm 21/11/2024 16:45

Thương hiệu quốc gia Việt Tiến: Tiếp tục vì một Việt Nam tiến lên

Là 1 trong 7 thương hiệu quốc gia của ngành dệt may năm 2022, sản phẩm thời trang Viettien đã trở thành biểu tượng của thời trang công sở nam lịch lãm.
Khu gian hàng Thương hiệu quốc gia có quy mô nhất từ trước đến nay tại Vietnam Foodexpo 2024 Đề xuất xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông nghiệp Xây dựng và phát triển Thương hiệu Quốc gia phải tạo ra từ sự khác biệt

Đổi mới sản phẩm theo nhóm khách hàng

Là 1 trong 7 doanh nghiệp của ngành dệt may Việt Nam có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm 2022, Tổng công ty May Việt Tiến (gọi tắt là Việt Tiến) với sản phẩm thời trang Viettien dành cho nam giới đã được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng bởi sự lịch lãm, tạo sự tự tin cho người dùng.

Thương hiệu quốc gia Việt Tiến: Tiếp tục vì một Việt Nam tiến lên
Việt Tiến không ngừng đa dạng hóa sản phẩm (Ảnh: VT)

Được thành lập từ năm 1976, Việt Tiến là doanh nghiệp có bề dày lịch sử lâu đời, luôn phát triển bền vững và có tích lũy nội lực nên rất thuận lợi cho việc nghiên cứu, đầu tư và phát triển. Trong nhiều năm liền, với những cơ chế, chính sách phát triển kinh tế của Nhà nước ngày càng hoàn thiện, cùng với sự hỗ trợ kịp thời của các cấp, cơ quan ban ngành từ trung ương đến địa phương, Việt Tiến đã có nhiều thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh, giữ vững vị thế trên thị trường trong nước cũng như quốc tế.

Trong gần nửa thế kỷ qua, Việt Tiến đã không ngừng nỗ lực biến hoá, đa dạng các dòng sản phẩm thời trang dành cho quý ông. Việt Tiến có 2 dòng thời trang chính đi theo phong cách công sở chuẩn mực (Formal & Very Formal Style) và Smart Casual, mỗi dòng có gần 10 sản phẩm khác nhau. Ngoài ra, thương hiệu còn đi sâu nghiên cứu hành vi nhóm khách hàng mục tiêu trên phạm vi cả nước, từ đó ra đời 3 phom dáng phù hợp với dáng người và sở thích của đối tượng theo từng vùng miền khác nhau.

Trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường cùng với đó là thị hiếu thay đổi với tốc độ nhanh chóng của người tiêu dùng, năm 2028 Việt Tiến đã tìm đến sự tư vấn từ April, hợp tác cùng tìm ra hướng đi mới cho thương hiệu.

Để giải quyết bài toán đặt ra, April với những thông tin từ Việt Tiến cung cấp bắt đầu đào sâu về insight (sự thật ngầm hiểu) của đối tượng mục tiêu, từ đó phân loại các nhóm đối tượng như:

Nhóm đối tượng mục tiêu chính: Trung niên (35-50 tuổi) chiếm 60-70%. Với nhóm đối tượng này, đàn ông cần sự thoải mái, chuẩn mực, toát lên tự tin, chững chạc và phong độ, thể hiện bản thân là người có gu và phong thái của người thành công. Đây là đối tượng có nhu cầu thời trang ổn định với nhiều lựa chọn về mẫu mã, hoạ tiết dành cho các trang phục thiết yếu phù hợp lứa tuổi. Bên cạnh đó, họ cũng muốn thể hiện bản thân qua những thay đổi nhỏ về phong cách khi cần thiết.

Tiếp theo là nhóm đối tượng mục tiêu phụ: Người thân (vợ/người yêu/con cái) của nhóm chính, chiếm 30-40%. Đây là nhóm người thân trong gia đình sẽ quan tâm và lựa chọn các sản phẩm có xu hướng thời trang và thường chú ý đến các chương trình khuyến mãi.

Cuối cùng là nhóm đối tượng mục tiêu mở rộng: Người trẻ (23-29 tuổi), theo phân tích của đơn vị tư vấn, đây là nhóm đối tượng có nhu cầu thay đổi phong cách theo hướng công sở, lịch lãm và chỉn chu hơn nhưng vẫn muốn thể hiện được sự năng động, trẻ trung hợp thời trang.

Thương hiệu quốc gia Việt Tiến: Tiếp tục vì một Việt Nam tiến lên
Việt Tiến xây dựng sản phẩm cho từng nhóm khách hàng khác nhau, từng bước định vị lại hình ảnh thương hiệu trong tâm trí người dùng (Ảnh: VT)

Với insight đặc thù của từng nhóm đối tượng, April đưa ra những creative approach (hướng tiếp cận) khác nhau theo mỗi giai đoạn cụ thể, từng bước định vị lại hình ảnh thương hiệu trong tâm trí người tiêu dùng.

Đẩy mạnh truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội

Ngay sau đó, chiến dịch “Thời khắc của sự lịch lãm” của Việt Tiến ra đời, hướng thương hiệu này sang một bước ngoặt mới – thời trang all-in-one dành cho phái mạnh Việt.

Năm 2019, Việt Tiến cùng April tiếp tục triển khai chiến dịch “Lịch lãm khí chất Việt” khẳng định vị thế đồng hành cùng quý ông Việt trong bối cảnh không ngừng tiến đến thành công; đưa ra những giải pháp làm gia tăng giá trị cảm tính của thương hiệu và tình yêu thương hiệu; thể hiện thông điệp thời trang cùng khí chất lịch lãm của đàn ông Việt với hình ảnh và content hiện đại, bắt kịp xu hướng.

Trên mặt trận social (mạng xã hội), Việt Tiến tung ý tưởng “Việt Nam Tiến Lên” theo dòng sự kiện AFF Cup, tiếp thêm lửa cho ý tưởng lớn đề cao khí chất lịch lãm của đàn ông Việt. Bản thân thông điệp “Việt Nam Tiến Lên” cũng là cách chơi chữ với chính tên gọi thương hiệu.

Theo đó, trên Facebook, Việt Tiến bắt đầu thay đổi theo hướng trẻ hoá bằng cách sử dụng hình ảnh người mẫu trẻ trung với concept năng động hơn. Nội dung quảng cáo cũng bắt kịp xu hướng một cách hiệu quả, thể hiện các chủ đề thời trang mà phái mạnh hiện đại quan tâm, như phong cách thời trang nam mới, cách chọn đồ, mix & match trang phục…

Với “Việt Nam Tiến Lên”, hàng loại post (bài đăng) sáng tạo khéo léo lồng ghép niềm tự hào dân tộc trong các trận bóng đá với sản phẩm từ thương hiệu Việt. Có thể kể đến hàng loạt social post đạt hiệu quả cao trong việc tăng tình yêu thương hiệu cho Việt Tiến như: 1001 lý do yêu bóng đá Việt Nam, 6 kiểu fan cổ vũ bóng đá, 3 sơ đồ chiến thuật Việt Nam Tiến Lên.

Bên cạnh các bài viết, Việt Tiến còn tung ra các clip ngắn hay TVC. Nội dung video là những khoảnh khắc thường ngày của người đàn ông Việt, bao gồm: Làm việc, thư giãn, sum vầy bên gia đình. Dù trong hoàn cảnh nào, họ vẫn luôn lịch lãm, bản lĩnh với sự đồng hành của Việt Tiến. Qua đó, thể hiện được sự đa dạng về sản phẩm, cũng như sự trẻ trung, hiện đại, thời trang mà Việt Tiến đang muốn hướng đến trong chặng đường sắp tới.

Trên website chính thức, Việt Tiến tung ra những lookbook ấn tượng với đa dạng các concept khác nhau. Trong đó, có thể kể đến: "Khai phóng góc nhìn", "Phóng khoáng nét hào hoa", "Sống cùng đam mê"... thu hút sự chú ý và yêu thích của người tiêu dùng. Hình ảnh một Việt Tiến “thay da đổi thịt”, lịch lãm nhưng vẫn trẻ trung, phóng khoáng.

Ngoài các hoạt động trên mặt trận online, Việt Tiến cũng nâng cao trải nghiệm của người tiêu dùng bằng các hoạt động thực tế ngay tại các cửa hàng. Viettien House ra đời tạo ra sự đồng nhất về chất lượng giữa các cửa hàng, mở ra một không gian mua sắm sang trọng, hiện đại và chất lượng nơi quý ông Việt thoải mái chọn cho mình phong cách yêu thích.

Có thể nói, chiến lược marketing của Việt Tiến nổi bật nhất là 3 khía cạnh: Trẻ hóa thương hiệu; quảng cáo sáng tạo và phát triển đa dạng mẫu mã sản phẩm.

Tiếp tục vì một Việt Nam tiến lên

Việt Tiến có quyền mơ giấc mơ xa hoa khi là thương hiệu thời trang may mặc công nghiệp xuất khẩu lớn nhất Việt Nam. Người anh cả của nền dệt may Việt Nam - Việt Tiến đã chiếm lĩnh thị phần đáng nể ở những nền thời trang tiên tiến: Nhật Bản chiếm 31% sản lượng của Việt Tiến, con số ở Hoa Kỳ là 21%, EU 16,5%, Hàn Quốc 3,9%, các nước khác 27,6%…

Bài toán thị phần Việt Tiến đã giải được, bước tiếp theo của quá trình quốc tế hóa là bài toán Thương hiệu. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng cùng với một chiến lược dài hạn trên tiền đề là những bước tiến vững chắc, Việt Tiến được tin tưởng sẽ điền tên Việt Nam trên bản đồ thời trang thế giới. “Việt Tiến – Việt Nam tiến lên”, một triết lý thương hiệu đầy tự hào.

Thương hiệu quốc gia Việt Tiến: Tiếp tục vì một Việt Nam tiến lên
Những sản phẩm của Việt Tiến không chỉ đổi mới về mẫu mã, kiểu dáng mà chất liệu cũng được sử dụng theo hướng tiếp cận thiên nhiên (Ảnh: VT)

Hiện nay, tại thị trường nội địa, Việt Tiến hiện có trên 1.390 cửa hàng, đại lý phân bổ đều khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Còn tại thị trường xuất khẩu, Việt Tiến hiện đang giao dịch với hơn 100 khách hàng tại các quốc gia như: Mỹ, Canada, châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha….), châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Malaysia, Indonesia….), châu Úc… Hơn nữa, Việt Tiến đang thực hiện chiến lược đưa một số thương hiệu của Tổng công ty đến thị trường một số khu vực trên thế giới, bước đầu tiên đưa đến thị trường các nước Châu Á.

Năm 2024, May Việt Tiến lên kế hoạch công ty mẹ với tổng doanh thu 8.360 tỉ đồng và lãi trước thuế 200 tỉ đồng, lần lượt giảm 3% và 5% so với thực hiện năm 2023.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), sở hữu 30,4% vốn tại May Việt Tiến, chia sẻ về định hướng sắp tới của doanh nghiệp này: “Quá trình dịch chuyển sẽ là từ sản xuất trực tiếp thành nhà quản trị chuỗi cung ứng”. Theo đó, May Việt Tiến có kế hoạch đầu tư 50 tỉ đồng năm 2024, trong đó xây dựng văn phòng, cửa hàng, kho, đầu tư công nghệ tự động, máy móc thiết bị chuyên dùng, công tác chuyển đổi và quản lý kỹ thuật số... Đối với thị trường xuất khẩu, công ty sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá lại toàn diện thị trường, khách hàng, mặt hàng năm 2023 để đưa ra giải pháp cho kế hoạch năm 2024; tiếp tục tập trung vào 2 khách hàng lớn là Nike và Uniqlo; tìm kiếm thêm khách hàng xuất khẩu.

Hiện May Việt Tiến đã ký hợp tác đầu tư nhà máy sản xuất vải với Uniqlo, bước đầu tham gia chuỗi cung ứng của hãng thời trang nổi tiếng của Nhật này. Đây là hoạt động tương tự nhiều doanh nghiệp khác trong Vinatex khi đàm phán với các nhà cung cấp khác để chuyển nguồn cung nguyên phụ liệu về Việt Nam như H&M, Zara...

Mục tiêu của Việt Tiến trong thời gian tới là đa dạng hóa khách hàng mục tiêu, đa dạng hóa chủng loại sản phẩm và thời trang hóa thương hiệu Viettien. Doanh nghiệp tiếp tục mở rộng, kinh doanh một số thương hiệu thời trang quốc tế, trước mắt đã có thương hiệu thời trang thể thao Skechers và Nike. Đồng thời, mở rộng và nâng cấp hệ thống phân phối (Viettien House) trong nước và nước ngoài; tập trung đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến (tự động hóa) cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm; nâng cao thu nhập của người lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Tin khác

Phiên bản di động