Thứ tư 16/04/2025 17:35

Thái Nguyên: Khát vọng nâng tầm thương hiệu chè

Văn hóa trà đang trở thành động lực then chốt để Thái Nguyên xây dựng thương hiệu chè, hiện thực hóa mục tiêu đạt doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2030.
Chè Thái Nguyên xây dựng thành thương hiệu mạnh Tìm giải pháp nâng tầm thương hiệu chè Thái Nguyên Thái Nguyên: Định hướng phát triển thương hiệu trà

Công cuộc khơi nguồn văn hóa chè

Ngày mùng 6 Tết Ất Tỵ (3/2/2025), khi cả nước vừa bắt đầu ngày làm việc đầu tiên của năm mới, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-TU về phát triển ngành chè giai đoạn 2025–2030. Đây không chỉ là một văn kiện mang tính định hướng, mà còn là tuyên ngôn cho một tầm nhìn lớn: Nâng cao giá trị kinh tế lẫn văn hóa cho cây chè – sản phẩm chủ lực của địa phương.

Chè Tân Cương Thái Nguyên - HTX Hảo Đạt
Chế biến chè tại Hợp tác xã chè Hảo Đạt Tân Cương Thái Nguyên. Ảnh: Thu Hường

Trong lịch sử ngành chè Thái Nguyên, chưa bao giờ có sự đồng lòng từ cấp lãnh đạo đến người dân như hiện nay.

Từ 500 triệu USD hiện tại, Thái Nguyên đặt mục tiêu đưa ngành chè vươn lên doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2030 – một hành trình không đơn thuần là kinh tế, mà còn là câu chuyện về văn hóa, thương hiệu và niềm tin.

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, Nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng – người nổi tiếng trong giới thưởng trà chia sẻ: Tôi đã nhận lời giảng dạy 12 lớp về văn hóa trà ở Thái Nguyên cho gần 5.000 người, từ lãnh đạo tỉnh, sở ngành đến nông dân, công chức, sinh viên và người dân.

Tôi phát hiện có đến 70% người làm trà không biết pha một ấm trà ngon. Đó là lỗ hổng cần lấp đầy nếu muốn xây dựng thương hiệu chè bền vững” - ông Hoàng Anh Sướng chia sẻ.

Và điều đáng mừng là, những lớp học này không chỉ truyền đạt kỹ năng mà còn khơi dậy niềm tự hào, đam mê và tư duy thương hiệu trong lòng người Thái Nguyên.

"Cá nhân tôi trực tiếp đứng trên bục giảng dạy, tôi luôn ý thức: Không chỉ cố gắng mang đến những hiểu biết, kiến thức về văn hóa, nghệ thuật trà mà còn chia sẻ những kinh nghiệm trong việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm trong thời đại 4.0, những ý tưởng xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh kết hợp du lịch và cả những kỹ năng quan trọng trong việc tiếp khách… Và trên hết là truyền cho mọi người năng lượng tích cực, thổi bùng lên ngọn lửa đam mê, khát vọng nâng tầm văn hóa trà Việt"- ông Sướng cho hay.

Thái Nguyên: Khát vọng nâng tầm thương hiệu chè
Nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng (phải) và ông Nguyễn Huy Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên tại một buổi giảng dạy về trà tại Thái Nguyên. Ảnh: Báo Thái Nguyên

Không chỉ có các lớp học, tỉnh Thái Nguyên còn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị vật thể, phi vật thể của trà. Đây là tiền đề để tỉnh tổ chức các Festival Trà, và dự kiến cuối 2025 sẽ có một lễ hội trà quy mô lớn – như một bước chạy đà cho sự kiện chính trị quan trọng hướng đến Đại hội Đảng các cấp.

Chúng ta đều là đại sứ trà Việt Nam” ông Hoàng Anh Sướng nói. Và đúng như vậy, thương hiệu “Trà Thái Nguyên” sẽ chỉ thực sự bay xa khi mỗi người dân Thái Nguyên thấm đẫm niềm tự hào và tình yêu với lá chè quê hương.

Từ lá chè tới chiến lược tỷ đô

Một trong những bước đi quan trọng là xây dựng và củng cố nghệ thuật trà Thái Nguyên trở thành một nét văn hóa đặc sắc. Đây không chỉ là cách để bảo tồn giá trị truyền thống mà còn là chiến lược dài hạn giúp chè Thái Nguyên khẳng định vị thế trên thị trường.

Theo đó, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình thiết thực nhằm gắn kết văn hóa trà với các hoạt động kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch trải nghiệm. Nhờ đó, lượng khách du lịch đến Thái Nguyên trong năm 2024 đạt 3.485.000 lượt, tăng 39,5% so với năm 2023. Doanh thu từ du lịch cũng ghi nhận con số ấn tượng, đạt 3.089 tỷ đồng, tăng 44,07% so với cùng kỳ năm trước.

Chè Tân cương thai NGuyên
Sản xuất chè sạch của HTX chè Hảo Đạt Tân Cương Thái Nguyên. Ảnh: Thu Hường

Hiện nay, doanh thu từ ngành chè của Thái Nguyên đạt khoảng 13.000 tỷ đồng (tương đương 500 triệu USD). Tuy nhiên, theo ông Trịnh Việt Hùng – Bí thư Tỉnh ủy, con số này vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng của vùng chè đặc sản hàng đầu cả nước.

Tỉnh đang đặt mục tiêu tăng gấp đôi doanh thu, cán mốc 1 tỷ USD trong 5 năm tới. Muốn vậy, phải phát triển toàn diện: Từ vùng nguyên liệu, chế biến, thương mại, đến du lịch văn hóa trà” ông Hùng nhấn mạnh.

Nghị quyết 11 không chỉ tập trung vào phát triển sản lượng mà còn chú trọng giá trị gia tăng, trong đó xây dựng thương hiệu và bảo tồn văn hóa trà được coi là mũi nhọn.

Ông Hoàng Anh Sướng cho rằng, để thương hiệu trà Thái Nguyên bay xa, thì không chỉ có tôi là đại sứ trà mà mỗi người dân Thái Nguyên cũng chính là những đại sứ trà. Chỉ có như vậy, trà Thái Nguyên, văn hóa trà Thái Nguyên mới thực sự cất cánh bay cao, bay xa, vươn tầm thế giới.

Tin khác

Phiên bản di động