Thứ sáu 09/05/2025 13:09

Thái Nguyên: Định hướng phát triển thương hiệu trà

Tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2030, diện tích chè sẽ tăng thêm so với hiện tại khoảng 2.300ha, tổng giá trị sản phẩm từ cây chè tăng thêm 11,2 nghìn tỷ đồng
Thái Nguyên: Phát triển thương hiệu “Gà đồi Phú Bình” Thái Nguyên có thêm khu công nghiệp rộng gần 300 ha Tìm giải pháp nâng tầm thương hiệu chè Thái Nguyên

Là tỉnh đang đứng đầu cả nước về diện tích, năng suất, sản lượng và giá trị thu nhập từ cây chè, toàn tỉnh Thái Nguyên có 193 sản phẩm trà được chứng nhận tiêu chuẩn OCOP từ 3 đến 5 sao. Thực tế, chè đang là cây trồng chủ lực của Thái Nguyên. Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế vốn có, việc phát triển ngành chè của tỉnh cần phải có chiến lược phát triển bài bản hơn với quy mô, chất lượng và giá trị cao hơn.

Chính vì vậy, Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên về phát triển ngành chè Thái Nguyên giai đoạn 2025-2030 vừa ban hành đã cơ bản giải quyết được vấn đề này.

Thái Nguyên: Định hướng phát triển thương hiệu trà
Vùng chè Trại Cài – Minh Lập. Ảnh: chexanhthainguyen.com.vn

Mục tiêu Nghị quyết đề ra đến năm 2030, Thái Nguyên sẽ sở hữu khoảng 24.500ha chè với sản lượng búp tươi đạt trên 300 nghìn tấn, tổng giá trị sản phẩm đạt 25 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 70% diện tích chè được chứng nhận tiêu chuẩn GAP, hữu cơ và được cấp mã số vùng trồng; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh chè và các sản phẩm từ chè bảo đảm quy định an toàn thực phẩm; 100% doanh nghiệp, hợp tác xã có vùng nguyên liệu chè ứng dụng công nghệ số; 100% sản phẩm trà và sản phẩm từ chè được giao dịch trên các nền tảng số; có ít nhất 250 sản phẩm trà được chứng nhận OCOP từ 3 đến 5 sao…

Để đạt được mục tiêu trên, Nghị quyết chỉ ra rằng, trước tiên phải rà soát, hoàn thiện quy hoạch các vùng sản xuất chè theo hướng chuẩn GAP và hữu cơ. Tiếp tục trồng mới, thay thế diện tích chè năng suất thấp bằng các giống chè năng suất, chất lượng cao theo cơ cấu phải đạt từ 85% đến 90% tổng diện tích, đáp ứng yêu cầu chế biến sâu, đa dạng sản phẩm (kể cả thực phẩm, đồ uống, dược phẩm, mỹ phẩm…).

Tăng cường thu hút đầu tư phát triển mạnh công nghiệp chế biến, ưu tiên sản xuất tập trung, quy mô lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường với nhiều loại sản phẩm đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng cao, đáp ứng thị trường cao cấp, khó tính.

Ngoài ra, sẽ tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức lễ hội trà, Festival trà... Chú trọng tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, kết nối giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối, tiêu thụ; kết nối giữa người sản xuất trong tỉnh và các đối tác, khách hàng trong nước, quốc tế...

Theo Nghị quyết số 11-NQ/TU, Thái Nguyên tập trung phát triển thương hiệu trà Thái Nguyên với mục tiêu phấn đấu sẽ được công nhận là thương hiệu sản phẩm quốc gia. Đặc biệt là quản lý và duy trì nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã được bảo hộ tại 6 quốc gia, vùng lãnh thổ như: Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” được bảo hộ tại Liên minh châu Âu...

Tin khác

Phiên bản di động