Thứ hai 28/04/2025 14:53

Quảng Ninh: Phát triển thương hiệu cho du lịch cộng đồng

Quảng Ninh đang đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng tại những bản làng vùng cao từ nền tảng giá trị văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số.
Lan tỏa thương hiệu du lịch 'điểm đến 4 mùa' Quảng Ninh Quảng Ninh: Đổi mới du lịch biển đảo Vân Đồn, Cô Tô Quảng Ninh: Điểm sáng thương hiệu nông sản qua môi trường số

Nơi di sản văn hóa phi vật thể tỏa sáng

Là một huyện miền núi phía đông bắc tỉnh Quảng Ninh, Bình Liêu cách Hà Nội khoảng 270 km. Nơi đây có khí hậu quanh năm ôn hòa, cấu trúc địa hình đa dạng cùng cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, được ví như một "Sa Pa thu nhỏ".

Vào mỗi mùa, nơi đây có một điểm đặc biệt riêng thu hút du khách. Vào mùa xuân, khách du lịch sẽ có dịp tham gia các lễ hội đặc sắc như Lễ hội đình Lục Nà, hội hát Soóng Cọ giao duyên, tục Kiêng gió hay ngắm cây phong hương lá đỏ.

Mùa hè có thác nước cuồn cuộn bên cạnh ruộng bậc thang xanh mướt mắt. Mùa thu, cánh đồng cỏ lau dọc hai bên đường lên cột mốc cùng trổ bông thu hút rất đông du khách. Vào mùa đông, nếu may mắn du khách còn có thể tận mắt thấy băng giá, tham dự Lễ hội hoa Sở, Lễ mừng cơm mới…

mùa cỏ lau trắng bạt ngàn tại Bình Liêu. Ảnh
Mùa cỏ lau trắng bạt ngàn tại Bình Liêu. Ảnh: Minh Ánh

Bình Liêu không chỉ nổi tiếng với phong cảnh thiên nhiên mà còn sở hữu một kho tàng văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá. Với 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, nơi đây trở thành một bức tranh văn hóa đa sắc màu, nơi các di sản văn hóa của người Tày, Dao, Sán Chỉ được gìn giữ và phát huy một cách độc đáo.

Hát Then, một loại hình âm nhạc nghi lễ đặc trưng của người Tày, là một trong những di sản nổi bật nhất của Bình Liêu. Những làn điệu then trầm bổng, sâu lắng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bên cạnh đó, lễ mừng cơm mới của người Tày, tục Kiêng gió, lễ cấp sắc của người Dao, hay nghệ thuật trình diễn dân gian hát soóng cọ của người Sán Chỉ cũng là những nét văn hóa độc đáo, góp phần làm phong phú thêm bức tranh văn hóa đa dạng của địa phương.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, Bình Liêu đã không ngừng nỗ lực để gìn giữ và phát triển các di sản phi vật thể. Các lễ hội truyền thống được tổ chức thường niên, tạo cơ hội để cộng đồng cùng nhau tái hiện và biểu diễn các nghi lễ, làn điệu dân ca, góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng.

Đặc biệt, với sự phát triển của du lịch cộng đồng, các di sản văn hóa phi vật thể của Bình Liêu đã trở thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách. Du khách có cơ hội được hòa mình vào không gian văn hóa độc đáo của người dân địa phương, thưởng thức những làn điệu then, soóng cọ ngọt ngào, tham gia vào các nghi lễ truyền thống và thưởng thức những món ăn đặc sản địa phương.

Ông Tô Đình Hiệu, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Bình Liêu, chia sẻ với báo chí: "Việc đưa các di sản văn hóa vào phát triển du lịch cộng đồng không chỉ góp phần bảo tồn được văn hóa truyền thống mà còn đem lại sinh kế cho người dân. Du khách đến với Bình Liêu không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên mà còn được trải nghiệm một nền văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc".

Phát triển du lịch cộng đồng dựa trên nền tảng văn hóa

Theo số liệu điều tra của Tổ chức Du lịch thế giới, du khách ngày càng quan tâm đến việc khám phá những nét văn hóa độc đáo, tìm kiếm những trải nghiệm mới lạ. Quảng Ninh, với kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng, đã nhanh chóng nắm bắt được xu hướng này và đẩy mạnh phát triển du lịch dựa trên nền tảng văn hóa.

Tỉnh Quảng Ninh hiện sở hữu một hệ thống di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đồ sộ, cùng với đó là những di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá. Các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc như lễ hội văn hóa, thể thao các dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ, Sán Dìu... đã được tỉnh phục dựng thành công, thu hút đông đảo du khách.

Biểu diễn hát Then tại hội Hoa Sở Bình Liêu. Ảnh: Đoàn Hưng
Biểu diễn hát Then tại hội Hoa Sở Bình Liêu. Ảnh: Đoàn Hưng

Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, Quảng Ninh đã triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm phát triển du lịch cộng đồng. Các làng văn hóa được xây dựng và phát triển trở thành những điểm đến hấp dẫn, nơi du khách có cơ hội trải nghiệm cuộc sống thường ngày của người dân địa phương, tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc.

Giai đoạn 2023-2025, tỉnh Quảng Ninh đã chọn thí điểm xây dựng bốn làng văn hóa tiêu biểu gắn với phát triển du lịch cộng đồng, bao gồm: Làng người Tày ở thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn và làng người Sán Chỉ tại thôn Lục Ngù, xã Húc Động (huyện Bình Liêu), làng người Dao Thanh Y, thôn Pò Hèn (TP. Móng Cái), và làng người Sán Dìu, xã Bình Dân (huyện Vân Đồn). Đây là những mô hình điểm, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách.

Việc đầu tư phát triển du lịch dựa trên nền tảng văn hóa đã mang lại những kết quả tích cực cho Quảng Ninh. Du khách ngày càng quan tâm đến các sản phẩm du lịch văn hóa, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu du lịch của tỉnh Quảng Ninh.

Trong thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tiếp tục tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, đa dạng hóa các hình thức trải nghiệm cho du khách. Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh cũng sẽ tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, nhằm thu hút ngày càng nhiều du khách đến với Bình Liêu.

Bình Liêu đang từng bước khẳng định mình là một điểm đến du lịch hấp dẫn, nơi du khách có thể khám phá vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và trải nghiệm một nền văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc. Việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn là động lực quan trọng để phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tin khác

Phiên bản di động