Thứ hai 28/04/2025 17:03

Quảng Ninh: Điểm sáng thương hiệu nông sản qua môi trường số

Thương hiệu nông sản của Quảng Ninh ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường bởi sự chủ động của các hộ sản xuất, doanh nghiệp và chính quyền địa phương.
Xây dựng thương hiệu nông sản: Cần lực đẩy từ chính sách Hưng Yên: Phát triển thương hiệu nông sản địa phương qua kênh thương mại điện tử Chương trình OCOP: Nâng tầm thương hiệu nông sản đất Tổ

Tiếp cận hướng kinh doanh chuyển đối số

Việc đưa thương hiệu trà hoa vàng Quy Hoa tại huyện Hải Hà (tỉnh Quảng Ninh) đến gần hơn với người tiêu dùng luôn là mục tiêu của các doanh nghiệp tại vùng chè này. Vào tháng 9/2024, tiệm trà Đường Hoa gia nhập nền tảng TikTok, một nỗ lực mở ra một kênh quảng bá mới.

Đây cũng là một trong những chiến lược sáng tạo mà Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Tú áp dụng để giới thiệu cây chè Hải Hà đến với đông đảo khách hàng. Trên trang TikTok, câu chuyện về cây chè hữu cơ của vùng Hải Hà được chia sẻ chi tiết, từ quy trình chăm sóc, thu hái đến chế biến.

Thương hiệu trà hoa vàng ngày càng được nhiều người biết thông qua môi trường số. Ảnh: Lê An
Thương hiệu trà hoa vàng Quy Hoa ngày càng được nhiều người biết thông qua môi trường số. Ảnh: Lê An

Bên cạnh đó, gia đình ông Trần Văn Điều, ở xã Quảng Long, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh đã tham gia mô hình trồng chè VietGAP gần 3 năm. Trong suốt thời gian này, gia đình ông Điều luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình trồng và chăm sóc được cán bộ huyện hướng dẫn. Kết quả là diện tích chè của gia đình ông đạt chất lượng cao, an toàn, và được các cơ sở thu mua ưu tiên. Mô hình này mang lại cho gia đình ông thu nhập 50-70 triệu đồng mỗi năm.

Ông Điều chia sẻ: “Sản xuất sạch, an toàn cho ra những sản phẩm trà chất lượng, nên búp chè của gia đình tôi được các cơ sở chế biến ưu tiên lựa chọn, đầu ra rộng mở, khiến người trồng chè như chúng tôi cũng yên tâm hơn”.

Đáng chú ý, đại diện Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Tú chia sẻ: “Chúng tôi muốn thị trường thế giới biết đến trà Đường Hoa, trà Hải Hà của Quảng Ninh. Ngoài yếu tố quan trọng là chất lượng, chúng tôi cũng tích cực khai thác thế mạnh từ các kênh truyền thông để đưa hình ảnh cây chè vươn xa”.

Tận dụng thương mại điện tử để quảng bá thương hiệu

Nhiều doanh nghiệp tại Quảng Ninh hiện nay đã tận dụng thương mại điện tử để phát triển. Cơ sở sản xuất ruốc tép Long Thương ở thị xã Quảng Yên là một ví dụ điển hình. Không chỉ bán hàng qua các phương thức truyền thống, cơ sở này còn quảng bá sản phẩm qua Facebook, Zalo, TikTok và các sàn thương mại điện tử. Nhờ đó, doanh thu hàng năm của cơ sở đạt trên 1 tỷ đồng.

Để nâng cao giá trị nông sản, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh các hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại. Mới đây, tại thành phố Cẩm Phả, Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương Quảng Ninh phối hợp tổ chức Tuần Xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP và nông sản Quảng Ninh 2024 với sự tham gia của hơn 30 gian hàng với hơn 150 sản phẩm tiêu biểu từ các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh. Đây là cơ hội để kết nối các nhà sản xuất với thị trường tiêu thụ, phát triển kênh phân phối và đưa sản phẩm OCOP trở thành món quà đặc sản cho khách du lịch trong và ngoài nước.

Tháng 9/2024, Quảng Ninh giới thiệu 70 sản phẩm OCOP tại Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO) lần thứ 21, thu hút sự quan tâm lớn từ đối tác và người tiêu dùng quốc tế. Các sản phẩm như trà Đường Hoa, trà hoa vàng Ba Chẽ, ruốc hải sản Bavabi Vân Đồn, rượu ba kích, rượu mơ Yên Tử... đã gây ấn tượng mạnh.

Ngoài xúc tiến thương mại tại các hội chợ, Ban Chỉ đạo OCOP của tỉnh cũng chỉ đạo, khuyến khích doanh nghiệp quảng bá sản phẩm qua các kênh thương mại điện tử và mạng xã hội, giúp sản phẩm OCOP tiếp cận chuỗi bán lẻ và siêu thị lớn. Cùng với đó, tỉnh tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp và người dân để mở rộng sản xuất, thu mua nguyên liệu, nâng cao chuỗi giá trị nông sản.

Để kích cầu thị trường, tháng 6 năm ngoái, phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền năm 2024 tại Hà Nội đã được tổ chức. Không chỉ là một sự kiện mua bán thông thường, sự kiện trở thành diễn đàn quan trọng, nơi giao lưu văn hóa và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các địa phương.

Tin khác

Phiên bản di động