Thứ ba 26/11/2024 19:43

Quảng Ninh: Chú trọng phát triển du lịch cộng đồng thành thương hiệu điểm đến đặc sắc

Quảng Ninh chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, biến bản sắc văn hóa và thiên nhiên thành động lực nhằm khẳng định thương hiệu điểm đến trên bản đồ du lịch.
Quảng Ninh giữ vững thương hiệu 'điểm đến 4 mùa' Cà ra Quảng Ninh: Gìn giữ món quà thiên nhiên, khẳng định thương hiệu đặc sản Phát triển thương hiệu du lịch cộng đồng Việt Nam tham gia vào chuỗi sản phẩm văn hóa toàn cầu

Quảng Ninh không chỉ nổi tiếng với di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long mà còn được đánh giá là một trong những tỉnh thành sở hữu tài nguyên du lịch phong phú và đặc sắc bậc nhất Việt Nam. Bên cạnh cảnh quan thiên nhiên tráng lệ, Quảng Ninh còn là nơi hội tụ giá trị văn hóa truyền thống đa dạng từ 43 dân tộc thiểu số. Nhận thức được tiềm năng to lớn đó, những năm qua, Quảng Ninh đã tập trung phát triển du lịch cộng đồng như một chiến lược đột phá để bảo tồn bản sắc văn hóa, thúc đẩy kinh tế địa phương và xây dựng thương hiệu điểm đến khác biệt.

Bình Liêu là một trong các địa phương của tỉnh giàu tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh: Báo Quảng Ninh
Bình Liêu là một trong các địa phương của tỉnh Quảng Ninh giàu tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Văn hóa đặc sắc - nguồn lực quý cho du lịch cộng đồng

Quảng Ninh sở hữu sự đa dạng về văn hóa, từ các lễ hội truyền thống, phong tục tập quán đến nghệ thuật dân gian đặc sắc. Huyện Bình Liêu – được mệnh danh là “Sapa thu nhỏ” của Quảng Ninh – đã ghi dấu ấn mạnh mẽ với sự kết hợp giữa thiên nhiên thơ mộng và văn hóa độc đáo. Những cánh đồng lúa bậc thang, các lễ hội truyền thống như Lễ Cấp sắc của người Dao, Lễ Mừng cơm mới của người Tày hay bóng đá nữ dân tộc thiểu số trong trang phục truyền thống đã trở thành những sản phẩm du lịch độc lạ, níu chân du khách.

Ông Alexandre Bertrand, một du khách đến từ Pháp, bày tỏ sự ngạc nhiên và thích thú khi chứng kiến các nữ cầu thủ trong trang phục dân tộc Sán Chỉ, Dao chơi bóng đá: “Bóng đá thì không xa lạ, nhưng bóng đá trong trang phục truyền thống mang đậm dấu ấn văn hóa như thế này là trải nghiệm độc nhất vô nhị. Điều này khiến tôi cảm nhận được tinh thần văn hóa đặc sắc của người dân nơi đây, kết hợp với phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp”.

Giải bóng đá nữ dân tộc thiểu số là một sản phẩm du lịch độc đáo, được tổ chức từ nhiều năm qua tại xã Húc Động, huyện Bình Liêu và một số địa phương lân cận.
Giải bóng đá nữ dân tộc thiểu số là một sản phẩm du lịch độc đáo, được tổ chức từ nhiều năm qua tại xã Húc Động và một số địa phương lân cận. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Không chỉ Bình Liêu, huyện Tiên Yên cũng nổi bật với các sản phẩm du lịch cộng đồng gắn liền với văn hóa và thiên nhiên. Du khách có thể tham gia chợ phiên Hà Lâu, khám phá rừng ngập mặn Lòng Vàng, hoặc tận hưởng không gian yên bình tại phố đi bộ Tiên Yên – tất cả đều mang đậm dấu ấn của văn hóa vùng Đông Bắc.

Phát triển du lịch cộng đồng không chỉ là khai thác cảnh quan, văn hóa mà còn đặt người dân vào vai trò trung tâm. Họ không chỉ là người bảo tồn các giá trị văn hóa mà còn là chủ thể sáng tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo. Ông Hoàng Ngọc Ngò, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, nhấn mạnh: “Người dân chính là nhân tố quyết định sự thành công của các sản phẩm du lịch cộng đồng. Chúng tôi tập trung nâng cao nhận thức để bà con thấy được giá trị di sản văn hóa của chính mình. Điều này không chỉ bảo vệ được bản sắc mà còn giúp cải thiện kinh tế, nâng cao đời sống”.

Huyện Bình Liêu đã thành lập tổ du lịch cộng đồng để hỗ trợ người dân phát triển các sản phẩm như homestay, ẩm thực, và các hoạt động trải nghiệm văn hóa. Tại Tiên Yên, sự tham gia tích cực của người dân cũng được khuyến khích thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn và hỗ trợ xây dựng mô hình kinh doanh bền vững.

Thương hiệu du lịch Quảng Ninh trong tầm nhìn mới

Nhằm tạo cú hích cho du lịch cộng đồng, năm 2020, Quảng Ninh đã ban hành Đề án phát triển du lịch cộng đồng bền vững. Theo đó, tỉnh đã thí điểm xây dựng bốn làng văn hóa dân tộc thiểu số tại các địa phương như làng người Dao ở thôn Pò Hèn (Móng Cái), làng người Tày ở bản Cáu (Bình Liêu), làng người Sán Chỉ tại Lục Ngù (Bình Liêu), và làng người Sán Dìu ở thôn Voòng Tre (Vân Đồn).

Tham quan chợ vùng cao là những hoạt động được du khách ưa thích khi tham gia du lịch cộng đồng tại Bình Liêu
Tham quan chợ vùng cao là những hoạt động được du khách ưa thích khi tham gia du lịch cộng đồng tại Quảng Ninh. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Bà Nguyễn Huyền Anh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, cho biết: “Chúng tôi định hướng phát triển du lịch cộng đồng gắn với các dòng sản phẩm chính gồm du lịch biển đảo, văn hóa tâm linh, sinh thái cộng đồng, và biên giới. Du lịch cộng đồng không chỉ giúp bảo tồn giá trị văn hóa bản địa mà còn góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân”.

Quảng Ninh đang không ngừng tìm kiếm các giải pháp để kéo dài thời gian lưu trú và tăng trải nghiệm cho du khách. Cùng với sự đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tỉnh chú trọng khai thác tiềm năng 4 mùa để hạn chế ảnh hưởng bởi mùa vụ du lịch. Các mô hình như homestay, sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm), trải nghiệm văn nghệ, thể thao văn hóa đang trở thành xu hướng mới, tạo sự khác biệt cho du lịch cộng đồng Quảng Ninh.

Hơn thế nữa, Quảng Ninh còn đặt mục tiêu đào tạo một đội ngũ nhân lực du lịch bản địa chuyên nghiệp, vừa thông thạo văn hóa truyền thống, vừa đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Những người dân nơi đây không chỉ là “đại sứ văn hóa” mà còn là “người dẫn đường” đưa du khách khám phá những câu chuyện đầy sức sống của vùng đất Đông Bắc.

Ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch châu Á, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, đánh giá: “Những vùng sâu, vùng xa như Bình Liêu, Tiên Yên không chỉ là nơi bảo tồn văn hóa mà còn là không gian mở để phát triển du lịch cộng đồng. Quảng Ninh cần tập trung vào những điểm đến trọng điểm với các dịch vụ khác biệt, độc đáo để thu hút khách”.

Với định hướng đúng đắn và sự quyết tâm mạnh mẽ, du lịch cộng đồng Quảng Ninh không chỉ góp phần thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội địa phương mà còn tạo nên một thương hiệu điểm đến đặc biệt. Một Quảng Ninh vừa giàu bản sắc, vừa hiện đại, đầy tiềm năng đang chờ đợi du khách từ khắp nơi trên thế giới đến khám phá, trải nghiệm và yêu mến. Những nỗ lực bền bỉ này hứa hẹn không chỉ đưa Quảng Ninh đạt mục tiêu đón 17 triệu lượt khách năm 2024 mà còn tiếp tục ghi danh trên bản đồ du lịch thế giới như một minh chứng sống động cho sự hòa quyện giữa bảo tồn văn hóa và phát triển bền vững.

Tin khác

Phiên bản di động