Thứ sáu 29/11/2024 10:06

Cà ra Quảng Ninh: Gìn giữ món quà thiên nhiên, khẳng định thương hiệu đặc sản

Cà ra, đặc sản độc đáo của đất mỏ Quảng Ninh đang được nỗ lực bảo tồn, nhằm gìn giữ nguồn lợi quý, khẳng định vị thế bền vững trên bản đồ ẩm thực Việt Nam.
Quảng Ninh: Ngành du lịch 'chạy nước rút' chinh phục mục tiêu 19 triệu lượt khách Bộ Công Thương hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp đưa thương hiệu Việt vươn xa Quảng Ninh: Tăng tốc hoàn thành kế hoạch, giữ vững tăng trưởng 2 con số

Cà ra, loài cua lông độc đáo với dáng vẻ mộc mạc nhưng chứa đựng hương vị tinh túy từ thiên nhiên, đã từ lâu trở thành niềm tự hào của Quảng Ninh. Với môi trường sống đặc biệt, trải dài từ các dòng sông nước “đài hai” ở Ba Chẽ, Đông Triều, đến Hải Hà, loài cua này không chỉ mang giá trị ẩm thực mà còn đại diện cho sự đa dạng sinh thái của tỉnh. Song, trước nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi, câu chuyện bảo tồn và phát triển thương hiệu cà ra đang đặt ra những thách thức và cơ hội lớn.

Cà ra còn được gọi là con cua lông có hình dáng gần giống con rạm. Ảnh: Báo Quảng Ninh
Cà ra còn được gọi là con cua lông, có hình dáng gần giống con rạm. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Cà ra – Hương vị độc đáo từ thiên nhiên Quảng Ninh

Không giống các loài cua khác, cà ra sở hữu đặc điểm nhận dạng riêng biệt: đôi càng nhỏ phủ lớp lông mềm mịn như nhung và tám cẳng rắn chắc. Loài này chỉ sinh trưởng trong môi trường nước “đài hai”, nơi giao thoa giữa nước ngọt và nước lợ. Cũng bởi tính chất kén môi trường sống, cà ra chỉ xuất hiện tại những dòng sông còn giữ được sự trong sạch như sông Ba Chẽ, sông Yên Đức (Đông Triều), hay một số nhánh sông ở Hải Hà và Cẩm Phả.

Mùa cà ra bắt đầu từ tháng 10 và kéo dài đến tháng 2 năm sau. Thời điểm này, khi tiết trời se lạnh, thịt cà ra đạt độ béo ngậy, thơm ngon nhất. Các món ăn từ cà ra như cà ra hấp, chao mỡ hay nấu với rau Bồ công anh đã làm nên nét ẩm thực độc đáo tại những địa phương ven sông. Đặc biệt, Ba Chẽ – nơi được coi là “thủ phủ cà ra”, từ lâu đã thu hút thực khách trong và ngoài nước, thậm chí cả người Trung Quốc, quê hương của cua lông Thượng Hải nổi tiếng.

Cứ đến mùa lạnh, ngư dân miền sông nước lại chèo thuyền ra sông khai thác cà ra. Ảnh: Báo Quảng Ninh
Cứ đến mùa lạnh, ngư dân miền sông nước lại chèo thuyền ra sông khai thác cà ra. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Tại Đông Triều, xã Yên Đức cũng nổi danh với nghề bắt cà ra theo mùa. Tại đây, cà ra thường được chế biến tại chỗ, mang đến hương vị đậm đà của một sản vật hoàn toàn tự nhiên. Hải Hà, tuy không phổ biến như Ba Chẽ hay Đông Triều vẫn ghi nhận những nhánh sông nhỏ có sự hiện diện của cà ra, tạo nên sự đa dạng trong phân bố.

Cà ra Quảng Ninh không chỉ nổi tiếng vì chất lượng và hương vị đặc trưng mà còn được xem là mặt hàng đặc sản cao cấp, giá trị ngày càng tăng cao trên thị trường. Tùy thời điểm trong mùa, giá cà ra dao động từ 500.000 đến 800.000 đồng/kg, thậm chí có những con cà ra to, giàu gạch có thể được bán với giá hơn 1 triệu đồng/kg.

Tuy nhiên, vì lượng cà ra trong tự nhiên ngày càng khan hiếm, việc tìm mua không dễ dàng, nhiều người phải đặt trước từ vài ngày đến cả tuần mới có. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là tại các nhà hàng, khách sạn cao cấp ở Quảng Ninh và một số tỉnh, thành phố lớn. Điều này cho thấy cà ra không chỉ là món ăn yêu thích của người dân địa phương mà còn là sản phẩm hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Cạn kiệt nguồn lợi – Báo động đỏ cho đặc sản Quảng Ninh

Dù mang giá trị lớn, số lượng cà ra tại các địa phương Quảng Ninh đang suy giảm nghiêm trọng. Ở Ba Chẽ, những năm trước, ngư dân mỗi đêm ra sông có thể bắt được vài cân cà ra. Tuy nhiên cho đến nay, theo phản ánh của người dân, việc gom đủ số lượng cho một bữa canh đã trở nên khó khăn.

Tại Đông Triều, câu chuyện tương tự diễn ra. Chị Nguyễn Thị Hoa, người dân xã Yên Đức, cho biết: “Trước đây, cứ mùa về là lưới đầy cá tôm và cà ra. Giờ thì phải thả lưới nhiều ngày mới có vài con”.

Cẩm Phả cũng chịu chung tình trạng khi môi trường nước tại sông Mông Dương không còn phù hợp do ô nhiễm. Dòng sông Quất Đông, một trong số ít khu vực còn cà ra cũng chỉ cung cấp lượng nhỏ, không đáp ứng nhu cầu khai thác.

Nguyên nhân chính của sự suy giảm này đến từ khai thác quá mức, đặc biệt là việc đánh bắt tận diệt bằng chất nổ, xung điện hay lồng bát quái. Môi trường sống của cà ra cũng chịu tác động lớn từ việc thay thế rừng tự nhiên ven sông bằng rừng keo, làm dòng nước nóng hơn và mất đi lượng côn trùng, nguồn thức ăn quan trọng cho cà ra.

Nỗ lực bảo tồn, xây dựng giá trị bền vững cho thương hiệu cà ra 'đất mỏ'

Trước nguy cơ tuyệt chủng của loài cua lông đặc biệt này, các địa phương Quảng Ninh đang triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo tồn và phát triển nguồn lợi cà ra.

Tại Ba Chẽ, Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành công văn nghiêm cấm sử dụng các phương tiện khai thác tận diệt, đồng thời khuyến cáo người dân chỉ khai thác cà ra đạt kích thước thương phẩm (đường kính mai từ 5cm trở lên). Năm 2022, huyện cũng đã phối hợp thả hơn 10.000 con giống cà ra xuống dòng sông Ba Chẽ nhằm tái tạo nguồn lợi tự nhiên.

Hoạt động thả con giống Cà ra tại sông Ba Chẽ, để tái tạo nguồn lợi thủy sản quý.
Hoạt động thả con giống cà ra tại sông Ba Chẽ, để tái tạo nguồn lợi thủy sản quý. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Đông Triều và Hải Hà cũng có những bước đi tích cực. Các nhà hàng, tiểu thương tại Đông Triều đã ký cam kết không thu mua cà ra nhỏ, góp phần giảm áp lực khai thác. Tại Hải Hà, dù chưa có chính sách cụ thể, một số hộ dân đã chuyển sang khai thác bền vững với lưới mắt lớn, tránh làm tổn hại cá thể non.

Ngoài ra, việc phục hồi môi trường sống cho cà ra cũng đang được nhấn mạnh. Ông Đàm Văn Cường, một người dân xã Thanh Sơn, Ba Chẽ, chia sẻ: “Trước đây, rừng tự nhiên ven sông giữ nước, tạo bóng mát và môi trường lý tưởng cho cà ra. Nay, rừng keo thay thế làm đất khô cứng, nhựa keo rửa trôi xuống sông, hủy hoại môi trường nước”. Các địa phương hiện đang khuyến khích trồng cây gỗ lớn và khôi phục rừng tự nhiên ven sông để cải thiện chất lượng môi trường.

Việc bảo tồn cà ra không chỉ đơn thuần là cứu lấy một loài hải sản quý, mà còn góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu sản vật địa phương. Cà ra Quảng Ninh, nếu được khai thác và quản lý bền vững, có tiềm năng trở thành thương hiệu đặc sản mang tầm quốc gia, góp phần nâng cao giá trị du lịch, ẩm thực của tỉnh.

Câu chuyện bảo tồn cà ra cũng là bài học về sự cân bằng giữa phát triển và gìn giữ. Với những nỗ lực đồng bộ từ chính quyền, người dân và cộng đồng, cà ra – món quà độc đáo từ thiên nhiên sẽ tiếp tục là niềm tự hào của Quảng Ninh, mang trong mình giá trị không chỉ về hương vị mà còn về tinh thần trách nhiệm với môi trường và tương lai.

Tin khác

Phiên bản di động