Thứ năm 21/11/2024 19:32

Nâng tầm thương hiệu trong kỷ nguyên xanh

Ngày nay giá trị thương hiệu không chỉ dựa vào chất lượng sản phẩm và dịch vụ mà còn phải đáp ứng được xu hướng xanh, tính đổi mới và bền vững.
Vị thế của Thương hiệu quốc gia Việt Nam gia tăng mạnh mẽ qua các năm Thương hiệu quốc gia: Bệ phóng giúp doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới Sắp diễn ra Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024

Phát triển thương hiệu dựa trên chất lượng, tính đổi mới và bền vững

Các doanh nghiệp Việt Nam đạt Thương hiệu Quốc gia trong 20 năm qua đã khẳng định được vai trò quan trọng trong việc truyền cảm hứng, tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp cho thấy rằng thương hiệu quốc gia là minh chứng cho cam kết của doanh nghiệp với người tiêu dùng. Thực tế cho thấy ngày càng có nhiều doanh nghiệp quan tâm và tham gia chương trình Thương hiệu quốc gia.

Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 từ ngày 15 - 21/4/2024
Để nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, xã hội, Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Bộ Công Thương tổ chức vào tháng 4 hàng năm (Ảnh minh họa)

Theo thống kê của Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương, nếu như năm 2008 chỉ có 30 doanh nghiệp đạt giải thưởng thì đến năm 2022 con số này đã tăng lên 172 doanh nghiệp. Kỳ xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia năm 2024 cũng đang diễn ra và dự báo số lượng tham gia cũng sẽ rất cao.

Giờ đây, người tiêu dùng sẽ không còn quá xa lạ nếu một doanh nghiệp ở quy mô vừa và tương đối mới trên thị trường có sản phẩm được công nhận đạt Thương hiệu Quốc gia, bởi với hiệu ứng lan tỏa của chươn trình khi mà có đến 97% doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, giờ đây các doanh nghiệp Việt đã chủ động tìm hướng đi mới cho mình, ví dụ như sản phẩm xanh, phát triển bền vững, quản trị minh bạch và công bằng… nhất là trong bối cảnh các cam kết của Việt Nam về kinh tế xanh, bền vững.

Tiên phong phát triển xanh, bền vững

Thương hiệu quốc gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia. Gắn với chủ đề “Vươn mình tiến vào kỷ nguyên xanh", lần công bố thương hiệu quốc gia thứ 9 năm 2024 là cam kết mạnh mẽ của Việt Nam hướng tới phát triển xanh, bền vững.

Trước đó tại chương trình họp báo giới thiệu Lễ công bố Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2024 với chủ đề "Vươn mình tiến vào kỷ nguyên xanh," điều này thể hiện ý chí và cam kết của doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong việc hướng tới phát triển bền vững.

Công ty CP Nhựa tái chế Duy Tân đoạt thương hiệu quốc gia năm 2024
Công ty CP Nhựa tái chế Duy Tân đoạt thương hiệu quốc gia năm 2024 (Ảnh minh họa: ĐSQ Australia)

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia không chỉ là hình mẫu của các tiêu chuẩn về chất lượng mà còn đi đầu trong việc áp dụng các mô hình phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn (KTTH) và sản xuất xanh.

Lý giải về chủ đề chương trình THQG Việt Nam năm nay, ông Vũ Bá Phú cho rằng, trên bình diện thế giới, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số gần như đã trở thành yêu cầu bắt buộc, không còn là lựa chọn với doanh nghiệp. Doanh nghiệp khi muốn tiếp cận các thị trường cao cấp như Mỹ, EU, Nhật Bản... không còn lựa chọn nào khác ngoài việc áp dụng các tiêu chuẩn xanh và bền vững.

"Nếu DN không chủ động chuyển đổi xanh và tuân thủ các tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) cùng với các quy định như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), quy định về phòng chống khai thác gỗ trái phép của EU (EUDR), thì khó có thể duy trì khả năng cạnh tranh và hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Phú nhấn mạnh.

Trên thực tế, xu hướng "xanh hóa" đã và đang được doanh nghiệp (DN) Việt Nam quan tâm và đẩy mạnh triển khai bởi doanh nghiệp nhận thức được rằng đây là một trong những điều kiện tiên quyết để có thể cạnh tranh trên sân chơi toàn cầu.

Hiện nhiều DN có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã triển khai các hoạt động sản xuất thân thiện môi trường như giảm thiểu ô nhiễm, sử dụng năng lượng tái tạo và tăng cường sử dụng vật liệu tái chế. Những thương hiệu như CTCP Sữa TH, CTCP Nhựa Tái Chế Duy Tân và CTCP Đường Thành Công Biên Hòa là những ví dụ điển hình và đột phá trong chuyển đổi xanh.

Là doanh nghiệp có 3 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dinh dưỡng Nutricare Nguyễn Đức Minh cho biết, việc được công nhận Thương hiệu quốc gia Việt Nam giúp doanh nghiệp tiếp tục củng cố nội lực, tăng cao niềm tin của người tiêu dùng trong nước, cũng như có nhiều thuận lợi trong tiếp cận thị trường nước ngoài.

Trưởng ban Kế hoạch thị trường (Tổng công ty Thép Việt Nam) Lê Minh Tú cho biết: "Chúng tôi cam kết sẽ không ngừng phát triển để kiến tạo các giá trị tốt hơn cho khách hàng, xã hội và cộng đồng, tích cực bảo vệ và cải thiện môi trường thông qua sản xuất xanh. Đồng thời, kiên trì theo đuổi các giá trị của chương trình Thương hiệu quốc gia và tiếp tục đầu tư vào đổi mới, sáng tạo, chất lượng sản phẩm, năng lực tiên phong để xứng đáng với chứng nhận thương hiệu quốc gia năm 2024”.

Với chủ đề “Vươn mình tiến vào kỷ nguyên xanh” Chương trình Thương hiệu quốc gia mong muốn các doanh nghiệp trên hành trình nâng tầm thương hiệu Việt không chỉ đại diện cho chất lượng và uy tín của doanh nghiệp Việt Nam mà còn cho thấy sự cam kết mạnh mẽ hướng tới phát triển xanh. Đặc biệt, Việt Nam đã cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cùng với đó là xu thế tiêu dùng đang thay đổi rõ nét. Ngoài chất lượng, người tiêu dùng và thị trường nhập khẩu còn đặt ra các yêu cầu khắt khe về phát triển bền vững, chống phá rừng, giảm phát thải, …

Tin khác

Phiên bản di động