Thứ tư 27/11/2024 11:48

Lần đầu yến sào xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc

Yến sào Việt Nam đã có mặt ở 21 quốc gia, vùng lãnh thổ, nhưng năm 2023 đánh dấu bước tiến mới khi lần đầu tiên mặt hàng này XK chính ngạch sang Trung Quốc.
Thương hiệu Quốc gia Yến sào Khánh Hòa Khánh Hoà: Tự hào với những sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia

Đối với Trung Quốc, từ năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện đàm phán các bước thủ tục để xuất khẩu chính ngạch yến sào sang thị trường này. Sau 4 năm đàm phán, tháng 11/2022, Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch tổ yến Việt Nam sang Trung Quốc đã được ký kết.

Lần đầu yến sào xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc
Tháng 11/2022, Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch tổ yến Việt Nam sang Trung Quốc đã được ký kết

Đối với Trung Quốc thủ tục xuất khẩu đòi hỏi cao và rất khác biệt so với các thị trường khác vì đây là thị trường tiêu thụ yến sào lớn nhất thế giới, rất am hiểu về yến sào.

Nhiệm vụ hàng đầu là phải đáp ứng các thủ tục về truy xuất nguồn gốc, thực hiện sản xuất sản phẩm đạt chất lượng cao theo yêu cầu đặt hàng của phía bạn, đồng thời khẩn trương hoàn thiện chuẩn xác các hồ sơ, thủ tục để phục vụ công tác đánh giá trực tuyến của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Để xuất khẩu được yến sào vào thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp cũng đã tìm hiểu kỹ, tuân thủ đúng, đầy đủ các yêu cầu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc tại Nghị định thư, như các điều kiện về quản lý cơ sở nuôi chim yến, chế biến tổ yến đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo các tiêu chí.

Song song đó, các doanh nghiệp cũng phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn, địa phương để xây dựng, thực hiện chương trình giám sát bệnh cúm gia cầm và bệnh dịch tả newcastle trên chim yến, kế hoạch giám sát an toàn thực phẩm sản phẩm tổ yến.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải khẳng định sự chuyên nghiệp, sản phẩm chất lượng cao và thỏa mãn nhu cầu khách hàng. Các doanh nghiệp phải liên tục làm việc, lựa chọn đối tác Trung Quốc phù hợp, sau đó tìm hiểu thị hiếu của khách hàng, nghiên cứu mẫu mã, sản phẩm phù hợp nhu cầu người tiêu dùng, nhờ đó các sản phẩm yến sào đã được đối tác chấp thuận và đón nhận.

Trên thực tế, tổ yến Việt Nam khi được mở đường vào Trung Quốc phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm cùng loại của của Indonesia, Thái Lan và Malaysia - vốn phổ biến từ lâu. Trong khi người dân Trung Quốc rất am hiểu về yến sào, song nhiều sản phẩm xuất hiện tại các hiệu thuốc, cửa hàng vẫn chưa ghi rõ nguồn gốc.

Chất lượng của tổ yến thiên nhiên của Việt Nam tốt hơn, nhưng bị so sánh giá với các nước khác. Điều này nếu không làm rõ, chắc chắn sau này các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này rất khó để phát triển.

Trung Quốc là thị trường rộng lớn, trong khi doanh nghiệp Việt Nam chưa tìm hiểu hết các vùng miền. Chính sách độc quyền cho thị trường cũng là thách thức. Ngôn ngữ cũng một phần trở ngại, rào cản ban đầu trong các lần đàm phán, ngoại giao với đối tác và Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Do vậy, từ nhiều năm trước, các doanh nghiệp phải chuẩn bị nhân sự thành thạo tiếng Trung. Đồng thời, cán bộ nhân viên này được đào tạo chuyên sâu, am hiểu ngành nghề yến sào, nắm được quy trình khai thác, sản xuất trong việc đàm phán.

Ngoài ra, các doanh nghiệp liên tục tham gia các hội chợ xúc tiến kinh doanh, giới thiệu sản phẩm tại Trung Quốc. Qua những lần đó, tự tìm kiếm, lựa chọn đối tác là những doanh nghiệp lớn, uy tín và có thương hiệu tại nước này để cùng hợp tác. Còn đối tác sẽ phối hợp đưa ra ý tưởng, tìm hiểu nhu cầu người tiêu dùng để sản phẩm hoàn chỉnh hơn.

Tin khác

Phiên bản di động