Thứ hai 05/05/2025 16:02

Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu nông sản

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ủng hộ chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp có nguồn kinh phí bảo hộ nhãn hiệu, nhằm xây dựng thương hiệu nông sản.
Xây dựng thương hiệu cho ngành nông nghiệp cần chính sách nào? Nỗ lực xây dựng thương hiệu nông sản Việt tại Australia Tăng giá trị và xây dựng thương hiệu gạo Việt

Tập trung biện pháp hỗ trợ đăng ký bảo hộ, nhãn hiệu

Góp ý Dự thảo Đề nghị xây dựng Nghị định về thương hiệu nông sản Việt Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng ý với các chính sách phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam.

Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu nông sản
Để phát triển bền vững ngành nông nghiệp, vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu cho nông sản cần quan tâm. Ảnh minh họa

Cụ thể, theo VCCI, dự thảo đang đề xuất các chính sách phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam theo hướng tập trung vào các biện pháp hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, hỗ trợ kinh phí gia hạn bảo hộ nhãn hiệu, hỗ trợ nhận diện thương hiệu. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ủng hộ các chính sách hỗ trợ mà dự thảo đang đề xuất để hỗ trợ doanh nghiệp có nguồn kinh phí ban đầu trong việc thực hiện bảo hộ nhãn hiệu.

Tuy nhiên, cũng theo VCCI, bảo hộ nhãn hiệu chỉ là một phần nhỏ trong tổng thể quá trình phát triển thương hiệu nông sản. Đặc biệt, để phát triển thương hiệu nông sản đòi hỏi các yếu tố, bao gồm: Thứ nhất, sản phẩm đạt yêu cầu về số lượng và chất lượng; Thứ hai, khả năng thâm nhập vào các kênh phân phối trong nước và nước ngoài; Thứ ba, phát triển bộ nhận diện thương hiệu và câu chuyện thương hiệu phù hợp.

"Việc bảo hộ thương hiệu chỉ cần thiết và hiệu quả khi thương hiệu đã mang lại giá trị kinh tế và việc bảo hộ nhằm bảo vệ các giá trị kinh tế đó" - VCCI nêu rõ.

Cũng theo nhận định của VCCI, các nguyên nhân tương tự dẫn đến thương hiệu nông sản Việt Nam chưa phát triển cũng được nhận diện trong Báo cáo Đánh giá tác động chính sách được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra, gồm: Chưa có vùng sản xuất tập trung để có nguyên liệu đủ lớn và ổn định về chất lượng; chưa chuẩn hoá quy trình sản xuất, chế biến, bao gói, vận chuyển, bảo quản và chưa xây dựng quảng bá, truyền thông.

Trong phạm vi dự thảo Đề nghị xây dựng Nghị định về thương hiệu nông sản Việt Nam, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc một số chính sách hỗ trợ như: Hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội chuẩn hoá quy trình sản xuất, chế biến; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng, phát triển bộ nhận diện thương hiệu; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các khoá học nâng cao năng lực xây dựng thương hiệu; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các khoá học nâng cao năng lực kinh doanh, quảng cáo trên thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng một thương hiệu nông sản (quốc gia hay địa phương) cũng cần thực hiện đồng bộ các biện pháp để đạt hiệu quả tối ưu với mục tiêu cuối cùng là thương hiệu nông sản đó phổ biến, có thể nhận diện và mang lại giá trị kinh tế. Có như vậy, các chính sách và kinh phí hỗ trợ của nhà nước mới mang lại hiệu quả và không lãng phí. Đặc biệt, để đảm bảo mục tiêu chính sách, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thiết kế chính sách theo hướng chọn lọc một số thương hiệu nông sản Việt Nam có tiềm năng (theo tiêu chí) và sẽ hỗ trợ các chi phí, hoạt động để phát triển thương hiệu. Việc đo lường hiệu quả có thể đặt theo các tiêu chí cụ thể như sản lượng, chất lượng, số lượng kênh phân phối và doanh thu.

Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu nông sản
VCCI đồng ý với các chính sách phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam. Ảnh minh họa

Hướng tới xuất khẩu nông sản bền vững

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thành tựu xuất khẩu của cả nước, ngành nông nghiệp đã góp phần rất lớn, là ngành duy nhất liên tục duy trì xuất siêu. Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đã đạt nhiều kết quả trong xuất khẩu nông-lâm-thủy sản (gọi tắt là nông sản), góp phần thúc đẩy tiến trình hội nhập sâu rộng của đất nước.

Cụ thể, năm 2007 khi Việt Nam gia nhập WTO, xuất khẩu nông sản với tổng giá trị đạt 12,6 tỷ USD và liên tục tăng trưởng, đến năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 53,01 tỷ USD gấp 4,2 lần năm 2007, xuất siêu đạt mức kỷ lục 12,07 tỷ USD, tăng 43,7% so với năm trước, chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước. Một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao kỷ lục như: Hàng rau quả đạt 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%; gạo đạt 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%... Trong số các mặt hàng xuất khẩu có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD gồm: Rau quả, gạo, hạt điều, cà phê, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ.

Bước sang năm 2024, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 54 - 55 tỷ USD. Tuy nhiên, thực tế đạt 62,4 tỷ USD, vượt xa mục tiêu đề ra trong năm 2024.

Bên cạnh kết quả đạt được, từ tình hình thực tiễn thời gian qua, trong các báo cáo của Quốc hội, Chính phủ đánh giá sản phẩm nông sản vẫn chưa có đầu ra ổn định, giá trị chưa cao mà một trong các “điểm nghẽn” là do chất lượng không ổn định và chưa có thương hiệu nông sản, theo đó, để phát triển bền vững ngành nông nghiệp, vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu cho nông sản cần quan tâm.

Để xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản, các chính sách hỗ trợ cho phát triển thương hiệu nông sản cần quan tâm tới việc nâng cao, duy trì sự ổn định chất lượng, tạo dựng văn hóa riêng trong sản xuất kinh doanh và truyền thông quảng bá nhằm xây dựng và từng bước gia tăng giá trị của thương hiệu nông sản trong thương mại.

Trong số 190 doanh nghiệp từ các lĩnh vực đạt Thương hiệu quốc gia năm 2024, có 26 doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp với 52 sản phẩm, chiếm khoảng 13,6 % tổng số doanh nghiệp và 14,4% tổng số sản phẩm.

Tin khác

Phiên bản di động