Đồng Nai: Xây dựng thương hiệu sầu riêng Long Khánh Xây dựng và nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP Xây dựng thương hiệu OCOP: Tiềm năng lớn, thách thức nhiều |
Ngành có đóng góp lớn nhưng “phập phù”
Nông nghiệp hiện vẫn là ngành kinh tế quan trọng của đất nước, không chỉ bởi vấn đề an ninh lương thực mà còn là những đóng góp lớn cho xuất khẩu. Nếu như năm 2007, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, xuất khẩu nông sản chỉ đạt 12,6 tỷ USD, đến năm 2024 đã đạt 62,4 tỷ USD, xuất siêu 18,6 tỷ USD. Đáng nói, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đã “có tiếng” trên thị trường như cà phê, hạt tiêu, gạo hay sầu riêng…
![]() |
Nông sản đang chiếm vị trí tốt trong số ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam Ảnh: Xuân Anh |
Dù vậy, qua nhiều diễn đàn xúc tiến xuất khẩu, kết nối giao thương, nhiều chuyên gia, đại diện cơ quan nước ngoài tại Việt Nam hay đối tác vẫn cho rằng chất lượng nông sản của Việt Nam không ổn định, sản xuất ở quy mô nhỏ, chưa áp dụng được khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất do đó không duy trì được chất và lượng.
Trong khi đó, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm tại những thị trường có nhu cầu nhập khẩu nông sản lớn yêu cầu ngày một khắt khe, sản phẩm không chỉ tốt, đẹp mà còn phải xanh và bảo vệ môi trường.
Tại thị trường trong nước, số lượng sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia cũng chưa cao. Trong số 190 doanh nghiệp từ các lĩnh vực đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024, chỉ có 26 doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp với 52 sản phẩm, chiếm khoảng 13,6% tổng số doanh nghiệp và 14,4% tổng số sản phẩm.
Ngoài ra, việc đăng ký cho nông sản chủ lực quốc gia có gắn tên định danh “Việt Nam” khi cấp quyền sở hữu trí tuệ hiện còn nhiều vướng mắc. Nhiều sản phẩm nông sản sau khi có nhãn hiệu được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ lại chưa được khai thác sử dụng, chưa phát huy được giá trị để phát triển thành thương hiệu.
Với thực tế trên, các chuyên gia cho rằng cần xây dựng thương hiệu, tiến tới xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành nông nghiệp nhằm huy động đủ nguồn lực và có hệ thống chính sách mạnh mẽ hỗ trợ cho ngành phát triển hướng tới mục tiêu bền vững.
Người sáng lập Tập đoàn TH- Anh hùng lao động Thái Hương cũng đã từng bày tỏ mạnh mẽ khát vọng xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành kinh tế quan trọng này.
Bà từng chia sẻ, ngành nông nghiệp cần có chính sách để lôi kéo tầng lớp doanh nhân và những doanh nghiệp đủ tâm - trí - lực vào lĩnh vực nông nghiệp, để xây dựng chuỗi giá trị khép kín; đưa người nông dân thành một mắt xích trong chuỗi giá trị, dẫn dắt họ xóa đói giảm nghèo bền vững, tiến tới làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình; xây dựng thương hiệu quốc gia, đạt chuẩn quốc tế cho từng sản phẩm.
Chính sách nào phù hợp
Xây dựng thương hiệu cho ngành nông nghiệp là câu chuyện đã được bàn bạc từ lâu nhưng mãi chưa thành hiện thực. Chính sách hiện hành liên quan đến việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản vẫn mang tính chung chung, thiếu cụ thể và chưa phù hợp với đặc thù của ngành nông nghiệp.
![]() |
Sầu riêng Việt Nam tại một sự kiện quảng bá ở Thiên Tân (Trung Quốc). Ảnh: VCG |
Gần đây nhất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất xây dựng Nghị định về phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản. Bộ này cũng đồng thời đề nghị 4 chính sách: Hỗ trợ chuẩn hóa quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản; hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu nông sản ở trong và ngoài nước; hỗ trợ nâng cao năng lực cho các chủ sở hữu, đơn vị tổ chức quản lý sử dụng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản; hỗ trợ các chương trình truyền thông, quảng bá, phát triển thị trường.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, chính sách này đang “nghiêng” về các biện pháp hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, hỗ trợ kinh phí gia hạn bảo hộ nhãn hiệu, hỗ trợ nhận diện thương hiệu.
Theo VCCI, việc bảo hộ thương hiệu chỉ cần thiết và hiệu quả khi thương hiệu đã mang lại giá trị kinh tế và việc bảo hộ nhằm bảo vệ các giá trị kinh tế đó.
VCCI cũng cho rằng, các nguyên nhân tương tự dẫn đến thương hiệu nông sản Việt Nam chưa phát triển cũng được nhận diện gồm: Chưa có vùng sản xuất tập trung để có nguyên liệu đủ lớn và ổn định về chất lượng; chưa chuẩn hoá quy trình sản xuất, chế biến, bao gói, vận chuyển, bảo quản; chưa xây dựng quảng bá, truyền thông.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc một số chính sách hỗ trợ cụ thể: Hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội chuẩn hoá quy trình sản xuất, chế biến; hỗ trợ xây dựng, phát triển bộ nhận diện thương hiệu; hỗ trợ tham gia các khoá học nâng cao năng lực xây dựng thương hiệu; hỗ trợ tham gia các khoá học nâng cao năng lực kinh doanh, quảng cáo trên thương mại điện tử.
Việc đầu tư xây dựng một thương hiệu nông sản (quốc gia hay địa phương) cũng cần thực hiện đồng bộ các biện pháp để đạt hiệu quả tối ưu với mục tiêu cuối cùng là thương hiệu nông sản đó phổ biến, có thể nhận diện và mang lại giá trị kinh tế. Có như thế, các chính sách và kinh phí hỗ trợ của Nhà nước mới có hiệu quả và không lãng phí.
VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thiết kế chính sách theo hướng chọn lọc một số thương hiệu nông sản Việt Nam có tiềm năng (theo tiêu chí) và sẽ hỗ trợ các chi phí, hoạt động để phát triển thương hiệu. Việc đo lường hiệu quả có thể đặt theo các tiêu chí cụ thể như sản lượng/chất lượng, số lượng kênh phân phối và doanh thu.
Việc xây dựng thương hiệu chung cho ngành nông nghiệp hay chọn lựa một số nông sản mạnh để xây dựng thương hiệu sẽ được các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét, tuy nhiên với vai trò ngành một quan trọng nông nghiệp Việt xứng đáng có một thương hiệu để định vị chắc chắn vị thế trên thị trường thế giới. |