Thứ hai 24/03/2025 14:36

Nỗ lực xây dựng thương hiệu nông sản Việt tại Australia

Thương vụ Việt Nam tại Australia đã và đang nỗ lực không ngừng để xây dựng thương hiệu nông sản Việt tại 'xứ sở chuột túi'.
Xuất khẩu nông sản Việt và lợi thế phát triển trên 'sân nhà' châu Á Nông nghiệp xanh Bắc Âu và bài học thực tiễn cho nông sản Việt Thị trường Halal: Cánh cửa mới cho xuất khẩu nông sản Việt

Thương hiệu nông sản Việt "bật đèn xanh" tại thị trường Australia

Australia là thị trường nổi tiếng với tiêu chuẩn chất lượng khắt khe và người tiêu dùng luôn ưu ái các thương hiệu nội địa. Xu hướng tiêu dùng xanh và sự quan tâm đến nguồn gốc, thành phần sản phẩm càng gây thêm khó khăn cho hàng nhập khẩu, đặc biệt là từ các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Thương hiệu quốc gia Việt Nam luôn được xếp ở nửa trên trong bảng đánh giá top 121 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới của Brand Finand. Mức tăng hạng đều qua các năm, thậm chí năm 2023, thương hiệu quốc gia Việt Nam được xếp ở vị trí thứ 33/121, nhưng hàng hóa Việt Nam nói chung và gạo Việt Nam nói riêng vẫn còn khá "im hơi lặng tiếng" tại thị trường Australia.

Thương vụ Việt Nam tại Australia đã và đang nỗ lực không ngừng để xây dựng thương hiệu Việt tại xứ sở chuột túi. Câu chuyện gạo ST25 là một ví dụ điển hình. Năm 2019, khi gạo ST25 đạt giải gạo ngon nhất thế giới, thương vụ đã tận dụng thời cơ "vàng" này để quảng bá mạnh mẽ, dù lúc đó gạo ST25 chưa xuất khẩu sang Australia.

Chiến lược "bắc cầu" này đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà nhập khẩu Australia, tạo tiền đề cho việc đưa gạo ST25 vào thị trường này.

Sau thành công của ST25, thương vụ tiếp tục quảng bá slogan "Việt Nam, vùng đất của gạo ngon nhất thế giới" để nâng tầm các giống gạo nếp khác của Việt Nam.

Một điển hình nữa là câu chuyện xây dựng thương hiệu sầu riêng Ri6 tại Australia là một hành trình đầy thú vị và thách thức. Năm 2019, khi khảo sát thị trường, thương vụ Việt Nam tại Australia nhận thấy sầu riêng Việt Nam gần như vắng bóng, hoặc chỉ được dùng để làm bánh. Trong khi đó, người dân tại đây lại quen thuộc với sầu riêng Monthon của Thái Lan và Musang King của Malaysia.

Thương vụ đã quyết tâm đưa sầu riêng Việt Nam "chinh chiến" tại thị trường Australia. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, sầu riêng Ri6 được lựa chọn vì những ưu điểm về sản lượng, chất lượng và tên gọi.

Nỗ lực xây dựng thương hiệu nông sản Việt tại Australia
Thương vụ Việt Nam tại Australia đã quyết tâm đưa sầu riêng Việt Nam "chinh chiến" tại thị trường Australia. Ảnh: Lan Anh

Năm 2020, lô hàng sầu riêng Ri6 đông lạnh nguyên quả đầu tiên được Công ty Asean đưa vào các siêu thị Australia. Nhờ chiến dịch quảng bá rầm rộ, lô hàng đã "cháy hàng" ngay lập tức. Thậm chí, một cửa hàng tại Marrickville còn khiếu nại vì không được phân phối Ri6.

Từ thành công này, sầu riêng Ri6 dần khẳng định vị thế của mình. Có thời điểm, giá sầu riêng Ri6 chỉ thua một chút so với sầu riêng Musang King. Thương vụ cũng đã đưa ra slogan "Ri6 Durian, another king - Sầu riêng Ri6, một vị vua khác" để khẳng định chất lượng của Ri6, sẵn sàng cạnh tranh với "vua" sầu riêng Musang King.

Không chỉ có sầu riêng, trái dừa Việt Nam cũng "hiên ngang" hiện diện tại Australia. Nắm bắt nhu cầu tiêu dùng dừa lạnh, xanh đang lên ngôi, thương vụ đã vận động các nhà nhập khẩu Australia nhập dừa tươi và nước dừa đóng hộp từ Việt Nam.

Ban đầu, các nhà nhập khẩu còn e ngại vì chất lượng dừa Việt Nam không ổn định. Tuy nhiên, với sự kiên trì thuyết phục về giống và quy trình trồng trọt, họ đã đồng ý nhập khẩu. Kết quả là dừa tươi và nước dừa Việt Nam đã "phủ sóng" thị trường Australia, cạnh tranh sòng phẳng với các quốc gia khác.

Vượt chướng ngại vật, nông sản Việt "chinh phục" thị trường Úc

Không phải con đường xây dựng thương hiệu nào của Thương vụ Việt Nam tại Australia cũng "nở hoa". Thị trường Australia chỉ cho phép nhập 4 loại trái cây tươi từ Việt Nam: Xoài, nhãn, vải và thanh long. Với dân số không lớn và sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều quốc gia xuất khẩu khác, thương vụ phải liên tục tìm cách "trình làng" những mặt hàng mới.

Ví dụ như ngô nếp Việt Nam, do Australia không cho nhập tươi, thương vụ đã kiên trì vận động và quảng bá để ngô nếp hấp đông lạnh Việt Nam có mặt quanh năm tại Australia.

Thương vụ cũng lên kế hoạch xây dựng thương hiệu cho chanh leo đông lạnh, xoài xanh, gừng đông lạnh, nhãn, hồng xiêm đông lạnh và bơ đông lạnh. Đặc biệt, với mít đông lạnh, thương vụ đã chủ động lên kế hoạch quảng bá và vận động nhập khẩu.

Kết quả là ngay trong đầu tháng 1/2022, 1.000 tấn mít nguyên liệu đã được thu mua và xuất khẩu sang Australia. Mít đông lạnh Việt Nam đã có mặt tại các siêu thị lớn của Australia và hiện vẫn tiêu thụ ổn định.

Việt Nam nổi lên như một quốc gia hàng đầu về sản xuất và xuất khẩu chanh leo trong khu vực và trên thế giới
Việt Nam nổi lên như một quốc gia hàng đầu về sản xuất và xuất khẩu chanh leo trong khu vực và trên thế giới. Ảnh minh họa

Nhờ chính sách của Chính phủ, tâm huyết của doanh nhân và kế hoạch "bùng nổ" sự quan tâm giữa hai thị trường do thương vụ đề ra, thương mại song phương giữa Việt Nam và Australia đã tăng gần 50%. Đây là một "kỳ tích" khó lặp lại.

Tuy nhiên, thương vụ cũng nhận định rằng đây là giai đoạn đầy thách thức. Không thể chỉ quảng cáo là người tiêu dùng sẽ chi tiền. Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ về số lượng, giờ là lúc cần tập trung vào chất lượng.

Trong giai đoạn tới, thương vụ sẽ thúc đẩy doanh nghiệp hai nước mua cổ phần của nhau, tham gia các dự án của nhau để xây dựng thương hiệu một cách tin cậy.

Đồng thời, kêu gọi các siêu thị Việt Nam đầu tư ra nước ngoài hoặc các doanh nghiệp, kiều bào mở thêm cửa hàng, trung tâm phân phối. Sự hiện diện của siêu thị Việt Nam ở nước ngoài sẽ là kênh xây dựng thương hiệu và phát triển xuất khẩu rất tốt cho hàng Việt.

Bên cạnh xúc tiến thương mại, chất lượng sản phẩm cần đồng nhất và có quy định về tiêu chuẩn phân loại. Câu chuyện sầu riêng Ri6 và gạo ST25 là một ví dụ. Dù đã nổi tiếng tại Australia, nhưng giấc mơ về giá Ri6 tiệm cận Musang King vẫn chưa thành hiện thực do thiếu cơ quan xác định loại 1, loại 2 trên sản phẩm. Tương tự, gạo ST25 cũng gặp phải tình trạng tương tự.

Để nông sản Việt Nam thực sự "chinh phục" thị trường Australia, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân. Chất lượng sản phẩm, chiến lược xây dựng thương hiệu và kênh phân phối hiệu quả là những yếu tố then chốt để đạt được thành công.

Tin khác

Phiên bản di động