Chỉ 1 tháng, Mỹ chi hơn 800 triệu USD mua một mặt hàng của Việt Nam Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của ngành gỗ Việt Nam Chuyển đổi xanh để nâng tầm thương hiệu sản phẩm xuất khẩu |
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ mang về hơn 2,5 tỷ USD sau 2 tháng đầu năm, tăng 12,4% so với cùng kỳ 2024. Lạc quan về nhu cầu quốc tế, ngành gỗ đặt mục tiêu năm nay kỷ lục 18 tỷ USD.
Sự tăng trưởng này một phần đến từ việc tận dụng hiệu quả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), giúp giảm hoặc loại bỏ thuế suất đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu sang các thị trường quan trọng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ, các ưu đãi thuế quan của RCEP giúp doanh nghiệp Việt mở rộng thị phần không chỉ tại các thị trường quen thuộc mà còn ở ASEAN và châu Đại Dương. Đặc biệt, những nước này có nhu cầu cao với các sản phẩm gỗ của Việt Nam và không quá khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng.
![]() |
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam. |
Không chỉ xuất khẩu, RCEP còn giúp giảm chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu và thiết bị cho ngành gỗ. Nhiều loại phụ kiện như đinh, ốc vít, bản lề, ray trượt, trục cao su, hóa chất ngành gỗ đều được nhập khẩu với mức thuế thấp hơn. Đồng thời, các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận công nghệ tiên tiến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc để nâng cao năng suất sản xuất.
Dù xuất khẩu gỗ sang các thị trường RCEP có nhiều thuận lợi, ngành gỗ Việt Nam lại đang đối diện với khó khăn lớn từ chính sách bảo hộ thương mại của Hoa Kỳ – thị trường tiêu thụ hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam.
Một vấn đề khác cũng đang gây trở ngại cho doanh nghiệp là việc truy xuất nguồn gốc gỗ trong nước. Hiện nay, gỗ nguyên liệu chủ yếu được thu mua từ nông dân và thương lái, nhưng hầu hết thương lái lại không đăng ký kinh doanh và không có hóa đơn hợp lệ. Điều này tạo ra rào cản pháp lý khi doanh nghiệp cần hoàn thiện hồ sơ thuế hoặc chứng minh nguồn gốc hợp pháp của gỗ.
![]() |
Xuất khẩu gỗ tăng trưởng ấn tượng (Ảnh minh hoạ) |
Để tháo gỡ khó khăn này, cần có sự hợp tác giữa các bộ ngành và hiệp hội ngành gỗ nhằm đơn giản hóa quy trình pháp lý, giúp doanh nghiệp có thể thu mua nguyên liệu dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, việc phát triển mô hình trồng rừng bền vững và áp dụng công nghệ số vào quản lý chuỗi cung ứng sẽ giúp ngành gỗ đáp ứng tốt hơn các yêu cầu từ thị trường quốc tế.
Trong bối cảnh thị trường toàn cầu ngày càng cạnh tranh, ngành gỗ Việt Nam cần tiếp tục đổi mới, cải tiến để thích ứng với những thách thức trước mắt và hướng tới phát triển bền vững trong tương lai.
Trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 16,25 tỷ USD, vượt qua con số kỷ lục 15,8 tỷ USD của năm 2022. Mục tiêu cho năm 2025 là đạt 18 tỷ USD, thể hiện tham vọng và tiềm năng của ngành. |