Thứ tư 27/11/2024 08:10

Chỉ 1 tháng, Mỹ chi hơn 800 triệu USD mua một mặt hàng của Việt Nam

Chỉ trong vòng 1 tháng, Mỹ đã chi 821 triệu USD để mua mặt hàng đồ gỗ của Việt Nam, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước đó.
Đang trên đà phục hồi, xuất khẩu gỗ lại đối diện thách thức mới Xuất khẩu gỗ: Càng khó càng phải tìm cách thích nghi Vì sao xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Hà Lan tăng mạnh trong tháng 1/2024?

Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2024, Mỹ đã chi 821 triệu USD để mua gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị xuất khẩu gỗ sang thị trường Mỹ tăng đột biến 123,7%.

Việc Mỹ mạnh tay chi tiền mua gỗ và sản phẩm gỗ góp phần quan trọng đưa ngành hàng này từ tăng trưởng âm chuyển sang tăng trưởng dương. Bởi, Mỹ đang là khách hàng lớn, chiếm gần 56% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành lâm nghiệp trong tháng 1.

Năm ngoái, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ đạt đạt 7,3 tỷ USD, giảm 15,6% so với năm 2022.

Theo các chuyên gia trong ngành, những tháng gần đây, hàng tồn kho tại Mỹ đã giảm mạnh là tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy tiêu dùng hồi phục. Các nhà mua hàng ở Mỹ vẫn xác định Việt Nam là nguồn cung quan trọng, trong bối cảnh Mỹ muốn đa dạng chuỗi cung và giảm phụ thuộc vào nguồn cung ứng từ Trung Quốc.

W-san-xuat-go.jpg
Xuất khẩu gỗ sang thị trường Mỹ tăng mạnh. Ảnh: Quốc Tuấn

Việt Nam cũng có cơ hội để trao đổi với Mỹ về khả năng áp dụng cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập đối với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, trong đó có mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ.

Với những tín hiệu tích cực như trên, triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Mỹ được kỳ vọng sẽ khả quan hơn trong năm 2024.

Tuy nhiên, cước phí vận chuyển sang thị trường Mỹ tăng tới 4.000 USD/container, đang gây khó khăn, áp lực cho doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu gỗ về chi phí đầu vào; đồng thời làm gián đoạn thời gian vận chuyển, ảnh hưởng tới lịch giao hàng.

Ngoài ra, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon được triển khai tại các thị trường xuất khẩu chính của ngành gỗ Việt như EU, Mỹ, Nhật Bản… buộc doanh nghiệp phải chuyển hướng sản xuất xanh để thích ứng.

Mới đây, Bộ NN-PTNT đã ban hành kế hoạch “Phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn giai đoạn 2024-2030”. Theo đó, đến năm 2030, tổng diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn đạt khoảng 1 triệu ha, trong đó duy trì diện tích rừng trồng gỗ lớn hiện có là 500.000ha và phát triển mới giai đoạn 2024-2030 khoảng 450.000-550.000ha.

Bộ NN-PTNT cho biết, mục đích phát triển vùng rừng trồng sản xuất gỗ lớn tập trung nhằm chủ động cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ phục vụ chế biến, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai.

Ngoài ra, việc phát triển vùng trồng gỗ lớn góp phần xây dựng hình ảnh ngành gỗ Việt Nam phát triển bền vững, dựa trên yếu tố cơ bản là sử dụng gỗ có chứng chỉ và sản phẩm giảm phát thải, thích ứng với các quy định tại thị trường xuất khẩu.

Tin khác

Phiên bản di động