Thanh Hóa: Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm Thanh Hóa: Khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP nhờ công nghệ số |
Nhiều tiềm năng lợi thế sẵn có
Tỉnh Thanh Hóa hiện có 11 huyện miền núi với diện tích gần 800.000 ha, chiếm khoảng 70% diện tích toàn tỉnh, trong đó có 213,6 km đường biên giới giáp với tỉnh Hủa Phăn của nước CHDCND Lào. Là khu vực có nhiều tuyến đường giao thông quan trọng chạy qua, rất thuận lợi để kết nối với trục đường Hồ Chí Minh và sân bay Thọ Xuân, tạo điều kiện cho các huyện miền núi Thanh Hóa giao thương, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch.
Đặc biệt, khu vực miền núi Thanh Hóa sở hữu vẻ đẹp tự nhiên hùng vĩ và đa dạng, cùng nền văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số, chính những yếu tố này đã tạo nên tiềm năng du lịch vô cùng lớn cho khu vực này. Riêng khu vực này có tới 3 khu bảo tồn thiên nhiên (Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên), 1 Vườn quốc gia bến En (huyện Như Thanh và Như Xuân) và có một phần diện tích của vườn quốc gia Cúc Phương trên địa bàn huyện Thạch Thành với các hệ sinh thái đặc trưng như: hệ sinh thái rừng nhiệt đới thường xanh trên núi đất và núi đá vôi, là ngôi nhà của nhiều loài động thực vật đặc hữu cùng những cảnh quan núi rừng, hang động, sông, hồ, thác, suối tự nhiên.
Thác Mây huyện Thạch Thành mang vẻ đẹp hiếm có. Ảnh: Dangcongsan.vn |
Nhiều cảnh quan đẹp du khách không thể bỏ qua khi đến khu vực miền núi Thanh Hóa như: Động Bo Cung (huyện Quan Sơn), hang Con Moong (huyện Thạch Thành); thác Mây, thác Voi (huyện Thạch Thành), thác Ma Hao (huyện Lang Chánh), thác Đồng Quan (huyện Như Xuân)…; cảnh quan sông Mã, sông Chu, sông Luồng…; hồ Pha Đay (huyện Quan Hóa), hồ sông Mực (VQG Bến En)…; suối cá Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy), suối Chàm (huyện Bá Thước)…
Đây cũng là địa bàn cư trú lâu đời của hơn 1 triệu người, trong đó có hơn 60 vạn người là đồng bào Mông, Dao, Khơ Mú, Thái, Mường, Thổ sinh sống với những bản sắc văn hóa truyền thống đặc trưng, độc đáo riêng. Đồng bào các dân tộc thiểu số bao đời nay cư trú trên đôi bờ sông, bờ suối soi hình bóng núi, có vốn tri thức văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc và phong phú như: lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy, múa sạp, múa xòe, điệu khặp, khua luống (dân tộc Thái); trò diễn Pồn Pôông, hát Sắc Bùa, cồng chiêng, xường giao duyên (dân tộc Mường); múa rùa, múa bát, tết nhảy (dân tộc Dao); hát Tơm (Khơ Mú); khèn bè, đàn môi (dân tộc Mông)… Những giá trị văn hóa độc đáo ấy được đồng bào gìn giữ như báu vật, kết tinh thành kho tàng văn hóa miền núi xứ Thanh.
Độc đáo Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy của đồng bào dân tộc Thái ở xứ Thanh. Ảnh: Bạn đọc cung cấp |
Những tài nguyên trên là “di sản” hết sức quý giá của đồng bào các dân tộc khu vực miền núi Thanh Hóa; nếu biết tận dụng, phát huy và khai thác các giá trị một cách hợp lý, tất cả sẽ trở thành “tài sản”, góp phần xây dựng hình ảnh điểm đến miền núi Thanh Hóa xanh, sạch, yên bình, thân thiện; là lựa chọn không thể bỏ qua trong hành trình khám phá non nước Việt Nam.
Sau một thời gian triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát triển du lịch khu vực miền núi, trong 2 năm 2023, 2024, các huyện miền núi Thanh Hoá đã đón được khoảng 3.945.000 lượt khách, chiếm 14,2% tổng lượng khách du lịch cả tỉnh; trong đó, tổng thu du lịch đạt 5.892,2 tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng thu du lịch cả tỉnh. Riêng năm 2023, trong số 12.485.000 lượt khách đến Thanh Hóa, riêng khách du lịch các huyện miền núi của tỉnh đạt 1.800.000 lượt, tăng 7,8% so với cùng kỳ 2022, chiếm 14,45% tổng lượng khách du lịch cả tỉnh; tổng thu du lịch đạt: 2.682 tỷ đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ 2022, chiếm 11,2% so với tổng thu du lịch cả tỉnh.
Vẻ đep như tranh vẽ tại Pù Luông. Ảnh: Pù Luông Retreat |
Tính đến năm 2024, số khách sạn, nhà nghỉ của các huyện miền núi xứ Thanh đã có 125 cơ sở tương ứng với số phòng là 2.250 phòng. Hầu hết các khách sạn đều chưa đăng ký thẩm định xếp hạng 1-5 sao. Hiện các khu du lịch cộng đồng miền núi có 198 hộ đang kinh doanh dịch vụ homestay với sức chứa trên 6.500 người, tập trung tại huyện Bá Thước (96 hộ), huyện Quan Hóa (37 hộ), huyện Lang Chánh (12 hộ), Quan Sơn (20 hộ), Thường Xuân (18)....
Giải pháp nào để khẳng định thương hiệu du lịch miền núi xứ Thanh?
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, thực trạng nguồn lao động tham gia hoạt động kinh doanh du lịch tại khu vực miền núi hiện nay vừa thiếu lại vừa thừa. Thiếu lao động có kỹ năng, trình độ nghiệp vụ và thừa lao động phổ thông. Chính sự bất cập này, nên các dịch vụ du lịch của khu vực miền núi vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của khách du lịch trong thời kỳ hội nhập, trong khi tại các điểm du lịch cộng đồng miền Tây xứ Thanh lại chủ yếu là khách nước ngoài.
Ngoài ra, đời sống vùng đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, hệ thống giao thông tới các khu điểm du lịch còn khó khăn; các nhà đầu tư lớn đầu tư vẫn chưa mặn mà với việc đầu tư vào lĩnh vực du lịch tại các huyện miền núi. Chính vì vậy, kết quả kinh doanh du lịch khu vực các huyện miền núi Thanh Hóa chưa tương xứng tiềm năng du lịch của vùng; các loại hình dịch vụ phát triển chưa mạnh; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng.
Bản Đôn - thủ phu du lịch của Pù Luông hiện được khai thác du lịch nhưng vẫn giữ gìn và phát huy bản sắc đặc trung mang tính vùng miền. Ảnh: Pù Luông Retreat |
Cũng theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, để phát triển, khẳng định thương hiệu du lịch miền núi xứ Thanh, cần phải khuyến khích, hỗ trợ cho các địa phương trên địa bàn tỉnh khảo sát, xây dựng đề án phát triển du lịch để sớm xác định cụ thể mục tiêu, chiến lược và các nhiệm vụ, giải pháp toàn diện nhằm phát triển du lịch các địa phương.
Ưu tiên các nguồn lực để phát triển du lịch, đặc biệt trong công tác đầu tư, quy hoạch du lịch; hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; liên kết, xúc tiến, quảng bá du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chuyển đổi số… góp phần xây dựng những điểm đến du lịch ấn tượng tại khu vực miền núi Thanh Hóa.
Đồng thời, phát huy vai trò của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức… trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hướng dẫn các giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi thông qua các chương trình tập huấn kỹ năng du lịch cộng đồng, dạy nấu ăn; tập huấn phương pháp bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ; bảo tồn, phát huy và phát triển tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề và làng truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch…
Du khách thích thú khi được chèo kayak trên suối. Ảnh: Pù Luông Retreat |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Anh Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa chia sẻ, định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới của huyện Quan Hóa sẽ chú trọng về quy hoạch tổng thể, cụ thể như nhanh chóng hoàn thiện Đề án điều chỉnh phát triển du lịch cộng đồng của huyện Quan Hóa đến năm 2030 để UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt. Song song với đó là đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ; kích cầu, kết nối các tua, tuyến du lịch với các huyện lân cận, tỉnh lân cận và đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực trực tiếp làm du lịch.
“Huyện sẽ đẩy mạnh khai thác các loại hình du lịch có thế mạnh của huyện như du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, văn hóa tâm linh vì mật độ văn hóa khu vực Hồi Xuân rất là đậm đặc; ngoài ra sẽ khai thác các loại hình du lịch mới như du lịch mạo hiểm, trekking tour, du lịch nông nghiệp. Với mật độ che phủ rừng lớn thứ 2 cả tỉnh và hiện địa phương có 3 khu bảo tồn nên huyện cũng sẽ khai thác một loại hình du lịch mới đó là sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong các khu bảo tồn”, Phó Chủ tịch huyện Quan Hóa Phạm Anh Toàn chia sẻ.