Chủ nhật 24/11/2024 20:23

Thanh Hóa: Khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP nhờ công nghệ số

Nhờ công nghệ số, nhiều sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa đã mở rộng được thị trường tiêu thụ, khẳng định chất lượng, uy tín, thương hiệu với người tiêu dùng.
Thanh Hóa: Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm Quảng Ninh cung ứng sản phẩm OCOP phục vụ người dân dịp Tết 2025

Theo thống kê của tỉnh Thanh Hóa, tính đến trung tuần tháng 11/2024, toàn tỉnh có 548 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP từ 3 - 5 sao. Đa phần các sản phẩm đều được đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã, được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường.

Trước xu hướng phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, hầu hết các chủ thể OCOP đều thực hiện “số hóa” một hoặc nhiều khâu trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, đã có nhiều sản phẩm OCOP mở rộng được thị trường tiêu thụ, khẳng định chất lượng, uy tín với người tiêu dùng thông qua việc minh bạch nguồn gốc. Đồng thời, xem đây là giải pháp căn cơ để nâng cao giá trị kinh tế, sức ảnh hưởng của sản phẩm trên thị trường.

ocop thanh hóa
Công nghệ số sẽ giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc, lựa chọn được những cơ sở uy tín. Ảnh: QH

Thời gian qua, Thanh Hóa đã có nhiều hoạt động hỗ trợ các chủ thể OCOP quảng bá sản phẩm, mở rộng kênh tiêu thụ. Trong đó, các địa phương đã triển khai nhiều điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm OCOP, kết nối với nhiều hội nghị xúc tiến cung - cầu cấp tỉnh, cấp vùng và quốc gia. Các chủ thể OCOP còn được hỗ trợ tham gia quảng bá, bán hàng trên sàn thương mại điện tử; qua đó góp phần quảng bá, mở rộng thị trường sản phẩm OCOP.

Hiệu quả và giá trị kinh tế từ việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP đã được chứng minh. Do đó, ngày càng nhiều chủ thể, sản phẩm OCOP “số hóa” từ các khâu đơn lẻ đến toàn bộ quy trình sản xuất.

Ông Bùi Công Anh - Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa - khẳng định: “Việc “số hóa” sản phẩm OCOP không hề khó. Bởi bên cạnh sự trợ lực của tỉnh thì chúng ta còn có đội ngũ chủ thể sản xuất năng động, tích cực và có kiến thức về chuyển đổi số, công nghệ số”.

Thanh Hóa: Khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP nhờ công nghệ số

Các nhà sáng tạo nội dung tham gia phiên livestream "Chợ phiên OCOP Thanh Hóa". Ảnh: D.T

Những tháng đầu năm 2024, các sở, ngành, địa phương đã phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân tham gia sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, các sở, ngành và địa phương cũng hỗ trợ đưa các sản phẩm OCOP lên giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên không gian mạng. Trong đó, hỗ trợ các chủ thể đăng tải thông tin, nguồn gốc sản phẩm OCOP trên một số website như: Ocoptinhthanhhoa.vn; nongsanantoanthanhhoa.vn; trên nền tảng mạng xã hội facebook, zalo, tiktok... và phối hợp tổ chức phiên livestream “Chợ phiên OCOP Thanh Hóa” để giới thiệu sản phẩm nông đặc sản của tỉnh.

Qua những hoạt động đó, toàn tỉnh đã có khoảng 600 chủ thể OCOP tham gia quảng bá giới thiệu và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, với trên 1.050 sản phẩm các loại. Thông qua việc đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử đã góp phần đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh và giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã tăng doanh số bán hàng bình quân từ 15 - 20%/năm.

Đặc biệt, từ năm 2022, thực hiện Quyết định số 1968/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030”, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 17/KH-UBND.

Trong đó, tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại, như: Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại.

Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại. Hỗ trợ xúc tiến thương mại thông qua các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế. Tham gia các hoạt động kết nối giao thương trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh tìm kiếm khách hàng. Hỗ trợ ứng dụng các công cụ, nền tảng số trong việc quảng bá, xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp địa phương...

Hiện 100% doanh nghiệp trong tỉnh đã có website được cập nhật đầy đủ thông tin về giới thiệu, quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp; khoảng 6.500 doanh nghiệp được tiếp cận, thông tin, tuyên truyền về chính sách hỗ trợ của tỉnh về phí tư vấn chuyển đổi số và mua, thuê giải pháp công nghệ số. Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể đã tham gia các sàn thương mại điện tử; sử dụng các nền tảng mạng xã hội (facebook, youtube, zalo) để quảng bá, bán hàng; hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh đưa gần 87.300 sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử voso.vn và portmart.vn; trong đó có 187 sản phẩm OCOP.

Tin khác

Phiên bản di động