'Bí quyết' giúp doanh nghiệp dệt may giữ vững thương hiệu quốc gia Xây dựng thương hiệu bền vững: Doanh nghiệp Việt vẫn loay hoay |
Theo công bố mới nhất của Tổ chức Tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới - Brand Finance, giá trị thương hiệu Việt Nam năm 2024 xếp thứ 32 trong số 193 quốc gia được đánh giá và đạt 507 tỷ USD. Tăng một bậc về thứ hạng và tăng 2% về giá trị so với năm ngoái.
Cũng theo đánh giá của Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc những năm gần đây. Việt Nam không chỉ lọt top 100 nước có thương hiệu mạnh, mà còn là nước có giá trị thương hiệu tăng nhanh nhất thế giới giai đoạn 2019-2022.
![]() |
Vinamilk nhiều năm liền được vinh danh là doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia. Ảnh minh họa |
Giá trị thương hiệu Việt Nam tăng nhanh chóng có nhiều nguyên nhân, đáng kể nhất là nỗ lực của Chính phủ, các Bộ ngành trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bên cạnh đó, không thể không kể tới nỗ lực của mỗi doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Nhiều năm dẫn đầu về giá trị thương hiệu, Viettel luôn được đánh giá cao về sự tiên phong trong phát triển ứng dụng công nghệ mới. Chỉ số sức mạnh thương hiệu (BSI) của Viettel đạt 89,4/100, xếp hạng AAA. Đây cũng là yếu tố quan trọng nhất tạo nên giá trị thương hiệu xấp xỉ 9 tỷ USD của Viettel, giúp Viettel giữ vững ngôi vị thương hiệu viễn thông số 1 tại Đông Nam Á, xếp hạng thứ 9 tại châu Á.
Đứng vị trí thứ 2 trong tổng số 10 thương hiệu có giá trị lớn nhất của Việt Nam trong năm 2023 với 3 tỷ USD, Vinamilk mang đậm dấu ấn của đổi mới, sáng tạo. Vinamilk không chỉ là thương hiệu sữa ‘quốc dân’ mà còn là sản phẩm dần trở nên quen thuộc với người tiêu dùng nước ngoài.
Theo các chuyên gia, khi giá trị thương hiệu của một quốc gia được nâng cao, hiệu ứng lan tỏa sẽ tác động tích cực đến mọi lĩnh vực, đặc biệt là du lịch và xuất khẩu. Với một thương hiệu quốc gia mạnh, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn hơn trong mắt bạn bè quốc tế, từ đó thu hút một lượng lớn khách du lịch.
Đồng thời, các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ được đón nhận nồng nhiệt hơn, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới. Không chỉ vậy, một thương hiệu quốc gia uy tín còn là yếu tố quan trọng để thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Thực tế chứng minh, Việt Nam vẫn đang là điểm hút vốn đầu tư nước ngoài. Đáng mừng hơn, dòng vốn cũng như công nghệ đổ vào Việt Nam có chất lượng ngày một cao.
Về phía doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có nhiều tiến bộ trong xây dựng và phát triển thương hiệu, qua đó nâng cao hơn khả năng cạnh tranh của sản phẩm, thu hút đầu tư và phát triển ngoại thương.
Nhằm tiếp tục xây dựng thương hiệu, phát huy tốt các giá trị cốt lõi, gia tăng giá trị xuất khẩu cho các sản phẩm chủ lực của Việt Nam, giới chyên gia cũng cho rằng, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư, để từ đó có sự quan tâm dành nguồn lực đầu tư xứng đáng.
Đứng ở góc độ quản lý ngành, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân từng nhìn nhận, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các hoạt động nâng cao năng lực xây dựng, phát triển thương hiệu cho các chủ thể liên quan. Trong đó chú trọng những vấn đề cốt lõi là: Sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, có tính đổi mới, sáng tạo và năng lực tiên phong trên thị trường; sản xuất sản phẩm phải đồng đều, ổn định và có tính bền vững và kinh doanh phải có văn hóa, đạo đức và uy tín.
Song song đó là đẩy mạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký, bảo hộ thương hiệu và các hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở thị trường quốc tế, trong đó tập trung vào các thị trường xuất khẩu trọng điểm. Đặc biệt, việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm phải được thực hiện đồng thời cả ở 3 cấp độ: thương hiệu quốc gia, thương hiệu vùng miền, địa phương và thương hiệu doanh nghiệp.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân lưu ý, bên cạnh nỗ lực của Bộ Công Thương, doanh nghiệp cần phát huy khả năng sáng tạo trong hoạt động thiết kế, phát triển sản phẩm để phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường trong nước và quốc tế. Song song đó, tiếp tục đầu tư, đổi mới công nghệ để đảm bảo sản xuất sản phẩm chất lượng đồng đều, ổn định mang tính bền vững theo xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số; đồng thời, doanh nghiệp cũng cần xây dựng văn hoá, đạo đức, uy tín trong kinh doanh.