Thứ năm 26/12/2024 23:01

Điểm tên 3 khó khăn trong phát triển thương hiệu gạo Việt

Khó trong xây dựng lòng tin; thiếu hỗ trợ pháp lý bảo hộ thương hiệu quốc tế; chưa chú trọng thị trường nội địa khiến phát triển thương hiệu gạo Việt gặp khó.
Xây dựng thương hiệu gạo Việt: Cần song hành 3 trục Xây dựng thương hiệu gạo Việt: Nên bắt đầu từ ST25

Ngành lúa gạo Việt Nam đã trải qua một quá trình phát triển ấn tượng trong những thập kỷ gần đây. Từ một nước nhập khẩu gạo, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Điểm tên 3 khó khăn trong phát triển thương hiệu gạo Việt
Điểm tên 3 khó khăn trong phát triển thương hiệu gạo Việt

Theo đó, nếu những năm 1980, Việt Nam là nước nhập khẩu gạo, bước sang những năm 1990, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo, nhưng chủ yếu là gạo chất lượng thấp thì đến những năm 2000, Việt Nam vươn lên trở thành một trong nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới và hiện nay Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo, tập trung nâng cao chất lượng và giá trị.

Năm 2024, diện tích trồng lúa của Việt Nam đạt con số 7,09 triệu ha, năng suất trung bình 61,2 tạ/ha và sản lượng 43,4 triệu tấn. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024, Việt Nam đã đạt kỷ lục cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu, khoảng 9 triệu tấn với 5,7 tỷ USD. Giá xuất khẩu gạo bình quân cũng đạt mức cao nhất từ trước tới nay, với trên 600 USD/tấn. Giá bình quân xuất khẩu gạo của Việt Nam trong ba năm vừa qua đã có hành trình tăng ấn tượng, trên 28%. Năm 2024, Việt Nam đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu gạo sau Ấn Độ và Thái Lan.

Hiện, thị trường xuất khẩu gạo chủ yếu của Việt Nam là Philippines, Indonesia, Malaysia. Thương hiệu giúp nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm gạo. Cải thiện vị thế cạnh tranh với các đối thủ lớn như Thái Lan, Ấn Độ. Tiếp cận các thị trường khó tính như EU, Mỹ, và Nhật Bản.

Thương hiệu gạo mạnh phản ánh cam kết của doanh nghiệp và quốc gia trong việc xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, ít phát thải và thân thiện với môi trường. Phát triển thương hiệu gắn liền với các giá trị xanh, sạch và bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế.

Thương hiệu giúp biến gạo từ một sản phẩm nông nghiệp thông thường thành một sản phẩm cao cấp, mang tính biểu tượng. Từ các sản phẩm giá rẻ phục vụ nhu cầu cơ bản đến các sản phẩm cao cấp dành cho người tiêu dùng thượng lưu. Tạo động lực thúc đẩy sự đổi mới, cải tiến công nghệ trong sản xuất và chế biến.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã triển khai xây dựng nhãn hiệu chứng nhận quốc gia cho gạo Việt Nam với tên gọi "Gạo Việt Nam/Vietnam Rice". Đã được đăng ký bảo hộ trong nước và tại 22 quốc gia, bao gồm Indonesia, Nga và 17 nước châu Phi thuộc Tổ chức Sở hữu trí tuệ châu Phi (OAPI).

Về triển khai để doanh nghiệp sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Quốc gia “Gạo Việt Nam/Vietnam rice", Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang triển khai để giao đơn vị trực thuộc Bộ quản lý, tiến hành các thủ tục để doanh nghiệp có thể sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Gạo Việt Nam/Vietnam Rice". (Do liên quan tới Luật Tài sản công, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không giao được cho Hiệp hội Lương thực quản lý sử dụng Nhãn hiệu “Gạo Việt Nam”)

Một số doanh nghiệp gạo Việt Nam đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu và tạo dựng chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Điển hình là các thương hiệu như gạo ST25 của ông Hồ Quang Cua. Trong đó, gạo ST25 đã mang lại niềm tự hào cho ngành nông nghiệp Việt Nam khi giành danh hiệu "Gạo ngon nhất thế giới". Thành công của ST25 là minh chứng cho tiềm năng lớn của ngành gạo Việt Nam. Tạo tiền đề để ngành gạo Việt Nam nâng tầm thương hiệu trên thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu gạo Việt vẫn đang đối diện với 3 khó khăn lớn. TS. Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho hay, thứ nhất, đó là khó khăn trong xây dựng lòng tin về chất lượng. Chất lượng gạo Việt Nam vẫn chưa thực sự đồng đều. Vấn đề dư lượng hóa chất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách vẫn là trở ngại lớn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu mà còn làm giảm niềm tin của người tiêu dùng vào gạo Việt Nam.

Thứ hai, thiếu hỗ trợ pháp lý trong việc bảo hộ thương hiệu quốc tế. Theo đó, việc đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu ở thị trường quốc tế gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các thị trường lớn như EU và Mỹ, Úc… nơi yêu cầu về tiêu chuẩn bảo hộ sở hữu trí tuệ rất cao. Điều này khiến các doanh nghiệp gạo dễ bị cạnh tranh không lành mạnh, mất thương hiệu hoặc bị làm giả.

Thứ ba, chưa chú trọng thị trường nội địa. Thương hiệu gạo Việt Nam tại thị trường trong nước chưa được đầu tư đúng mức. Phần lớn người tiêu dùng Việt Nam chỉ quan tâm đến giá cả mà chưa thực sự nhận diện và đánh giá cao thương hiệu. Điều này tạo ra nghịch lý khi gạo Việt Nam có thể xây dựng thương hiệu ở nước ngoài nhưng lại ít được công nhận ở chính quê hương.

Để phát triển thương hiệu gạo Việt, TS. Lê Thanh Hòa cho rằng, cần phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, cần nâng cao chất lượng sản phẩm; xây dựng phát triển thương hiệu gạo và chỉ dẫn địa lý; đa dạng hóa sản phẩm gạo xuất khẩu; phát triển sản phẩm gạo giá trị gia tăng; đổi mới công nghệ trong sản xuất gạo; đẩy mạnh xúc tiến thương mại quốc tế khẳng định vị thế thương hiệu.

Tin khác

Phiên bản di động