Chiều 29/12, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, nghề trồng hoa tại địa phương đã phát triển ngang tầm với các nước trong khu vực nhờ vào việc áp dụng các công nghệ hiện đại trong sản xuất như giống, vật tư, thiết bị và hệ thống điều khiển nông nghiệp công nghệ cao. Điều kiện khí hậu, đất đai và tự nhiên tại đây rất phù hợp cho việc canh tác đa dạng các loài hoa quanh năm.
Thách thức và cạnh tranh
Sản phẩm hoa và cây giống hoa mang thương hiệu "Hoa Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" đã được xuất khẩu đến hàng chục quốc gia trên toàn cầu. Hoa Đà Lạt không chỉ nổi bật về chất lượng mà còn về số lượng cung ứng cho thị trường nội địa, với diện tích trồng hoa lên tới gần 10.800 ha, sản lượng đạt trên 4,4 tỷ cành hoa và 400 giống hoa các loại.
Vườn lan Hồ Điệp của người dân tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Lê Sơn |
Tuy nhiên, ngành hoa Đà Lạt đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các sản phẩm hoa ngoại nhập, đặc biệt là từ Trung Quốc (hoa hồng, ly, hồ điệp), Ecuador, Đài Loan (Trung Quốc), cùng với các vùng trồng hoa lớn khác trong nước như Mộc Châu, Mê Linh, Sa Đéc và Sapa. Nhiều loài hoa truyền thống không còn giữ vị thế độc tôn do sự chuyển đổi cây trồng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao từ các địa phương khác.
Giá cả sản phẩm hoa cũng không ổn định, có những thời điểm thấp hơn giá thành sản xuất, dẫn đến việc nhiều nông dân phải chuyển đổi sang giống hoa khác mà chưa tìm được mô hình hiệu quả và bền vững. Điều này càng trở nên khó khăn, thách thức khi nhu cầu thị trường giảm mạnh và chất lượng hoa không ổn định.
Chiến lược và quan điểm phát triển
Để đảm bảo sự phát triển bền vững trong ngắn hạn và dài hạn, tỉnh Lâm Đồng đã xác định sản xuất hoa là một trong các ngành hàng chủ lực với tiềm năng lớn, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nông nghiệp và tạo lợi thế cạnh tranh với các vùng khác. Ngành hoa không chỉ hỗ trợ du lịch mà còn quảng bá thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” ra thị trường quốc tế.
Tỉnh Lâm Đồng sẽ sớm hình thành hệ thống logistics hiệu quả nhằm đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước, tạo động lực cho người sản xuất và kinh doanh hoa đầu tư công nghệ cao. Đồng thời, cần tiếp cận nhanh các thành tựu khoa học công nghệ toàn cầu, chú trọng ứng dụng công nghệ trong nước để nâng cao sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, tập trung phát triển ngành hoa gắn liền với cảnh quan, du lịch và bảo vệ môi trường, phù hợp với định hướng phát triển đồng bộ của địa phương.
Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế và kêu gọi doanh nghiệp FDI triển khai thực hiện các dự án chiến lược, nhằm phát triển bền vững ngành hoa Lâm Đồng.
Mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn 2050
Tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu phát triển hoa thành ngành hàng thương mại giá trị cao, bền vững với chuỗi giá trị hội nhập quốc tế. Cụ thể, đến năm 2030, sản lượng hoa toàn tỉnh đạt 5,4 tỷ cành và 0,5 tỷ chậu hoa; giá trị sản xuất ngành hoa đạt trên 15.000 tỷ đồng. Tỉnh cũng phấn đấu có ít nhất 5 vùng sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao với quy mô trên 2.500 ha.
Đến năm 2050, ngành hoa sẽ trở thành một chuỗi giá trị bền vững mang tầm quốc tế, với hơn 50% sản lượng hoa được xuất khẩu. Tỉnh sẽ cơ cấu lại và phát triển các vùng sản xuất chuyên canh hoa, phát huy tối đa lợi thế của từng địa phương.
Theo Kế hoạch, tỉnh Lâm Đồng sẽ ban hành Quyết định phê duyệt chiến lược phát triển bền vững ngành hoa giai đoạn 2024-2030, định hướng đến 2050, với mục tiêu chung là phát triển hoa thành ngành hàng sản xuất hàng hóa thương mại giá trị cao, bền vững với chuỗi giá trị hội nhập khu vực, quốc tế. Hình thành Trung tâm sản xuất hoa hàng đầu khu vực Đông Nam Á nhằm hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh hoa gắn với việc phát triển các sản phẩm “thương hiệu Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. |