Thứ bảy 23/11/2024 19:04

Xây dựng thương hiệu gạo: Câu chuyện từ Tập đoàn Lộc Trời

Gạo Lộc Trời là một trong những sản phẩm gạo đã xây dựng thành công thương hiệu không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thị trường thế giới.
Cần xây dựng những thương hiệu mạnh cho gạo Việt Nam Thương hiệu Quốc gia Yến sào Khánh Hòa

Chất lượng vượt trội là yếu tố quan trọng nhất

Tại Hội nghị thương mại lúa gạo toàn cầu năm 2023 do The Rice Trader tổ chức tại Philippines, gạo Việt Nam đã được vinh danh giải Nhất "gạo ngon Nhất thế giới" (World’s Best Rice). Cùng với ST 25, Tập đoàn Lộc Trời dự thi gạo Lộc Trời 28, Nàng Hoa 9 và cũng được vinh danh tại cuộc thi này.

Xây dựng thương hiệu gạo: Câu chuyện từ Tập đoàn Lộc Trời
Gạo Lộc Trời được bán ở siêu thị châu Âu

Không chỉ tại cuộc thi năm 2019 mà vào năm 2015, gạo được sản xuất từ giống lúa Lộc Trời 1 - Gạo Hạt Ngọc Trời – Thiên Long cũng nằm trong Top 3 Gạo Ngon nhất thế giới năm 2015.

Là một trong những doanh nghiệp sản xuất gạo lớn của Việt Nam, năm 2023, Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu khoảng 300.000 tấn gạo, tăng 135% so với năm trước, sang thị trường châu Âu, Philippines, Indonesia, Trung Quốc...

Đáng chú ý, gạo Lộc Trời được các thị trường khó tính như châu Âu ưa chuộng. Vào tháng 9 năm 2020, Lộc Trời đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn để xuất khẩu lô hàng gạo thơm đầu tiên đi thị trường châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA). Cho đến nay, sản lượng xuất khẩu gạo đến châu Âu của Tập đoàn luôn được duy trì và có nhiều thời điểm nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu. Ngoài ra, gạo Lộc Trời còn được xuất khẩu thành công sang châu Phi, Australia, khu vực Trung Đông và các nước láng giềng ở châu Á… Tất cả các lô hàng này đều được bảo đảm về chất lượng và đóng gói trong bao bì riêng đã đăng ký mẫu mã quốc tế của Tập đoàn Lộc Trời.

Để đạt được kết quả này, ông Nguyễn Duy Thuận – Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ, nhiều năm hoạt động trong ngành nông nghiệp, Lộc Trời xác định phải có sản phẩm tốt từ gốc. Do đó, Tập đoàn đã trở thành một trong những tập đoàn dẫn đầu trong ngành nông nghiệp với số lượng nhân viên lên tới hơn 3.500 người, trong đó có đội ngũ “ba cùng” gồm 1.300 kỹ thuật viên nông nghiệp ngày đêm kề vai sát cánh với bà con, chuyển tải những tiến bộ mới nhất về khoa học - kỹ thuật đến với nông dân để ứng dụng ngay trên ruộng đồng. Tập đoàn cũng có năng lực nghiên cứu khoa học, với Viện Nghiên cứu nông nghiệp Lộc Trời có sự tham gia cơ hữu và hợp tác của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước; có năng lực xử lý mùa vụ, bảo đảm năng suất cây trồng và tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước...

Lộc Trời còn phối hợp cùng Liên hiệp Hợp tác xã Thoại Sơn, tỉnh An Giang để xây dựng vùng sản xuất quy mô lớn và đồng bộ tại An Giang, liên kết với các đơn vị trong chuỗi cung ứng nông sản trong và ngoài nước hình thành một hệ sinh thái hoàn thiện.

Một trong những mô hình mới được bà con nông dân hào hứng đón nhận là “Mặt ruộng không dấu chân”, cải tiến quy trình sản xuất từ mô hình Lộc Trời 123 nhằm tiết giảm lượng giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật thông qua đồng bộ cơ giới hóa. Bằng hình thức tổ chức sản xuất đều đặn và liên tục trên cánh đồng lớn, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ và hoàn toàn, với quy trình canh tác sản xuất lúa gạo hiệu quả và đạt tiêu chuẩn quốc tế thông qua cung cấp tất cả vật tư và dịch vụ cần thiết, Lộc Trời giúp bà con nông dân giảm chi phí các khâu trung gian, giảm thiểu các nút cổ chai thường thấy khi vào mùa thu hoạch rộ, bảo đảm lợi nhuận cho nông dân của các hợp tác xã liên kết. Tập đoàn Lộc Trời và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cam kết mục tiêu 20.000 ha mô hình Lộc Trời 123 đến năm 2025.

Trong tình hình mới đòi hỏi lúa gạo phẩm chất cao, nguồn gốc rõ ràng thì sự hợp tác, liên kết các bên để nâng cao hiệu quả, tiêu thụ lúa gạo cần gắn liền với tổ chức sản xuất đồng bộ trên quy mô lớn. Trong bối cảnh đó, nông dân trồng lúa hiện nay không chỉ cần được bao tiêu, mà việc bao tiêu đó phải gắn liền với khâu tổ chức sản xuất đúng theo tiêu chuẩn chất lượng của thị trường mục tiêu.

Đưa sản phẩm ra thế giới

Có được sản phẩm tốt đã khó, tìm đầu ra cho sản phẩm còn khó hơn. Ông Nguyễn Duy Thuận cho hay, để làm được điều đó, Lộc Trời đã quyết tâm xây dựng thương hiệu, đặc biệt là ở các thị trường khó tính như châu Âu. Tận dụng tối đa sự hỗ trợ từ Thương vụ Việt Nam tại Pháp, Tập đoàn đã xây dựng thương hiệu Cơm Vietnam Rice và phối hợp với một đơn vị phân phối để xuất khẩu sản phẩm vào một số kênh bán lẻ của Pháp. Ngay lập tức, loại gạo này đã tạo ra sự tò mò của người dân thế giới với câu hỏi “Cơm là gì?”.

Sau đó, Lộc Trời tổ chức giới thiệu trực tiếp đến người tiêu dùng thị trường Pháp. Người tiêu dùng đã chấp nhận sản phẩm và phản hồi rằng cơm Việt Nam rất thơm, ăn rất ngon. Đặc biệt, gạo Việt Nam sau khi được giảm 200 Euro/tấn nhờ Hiệp định EVFTA đã trở nên rất cạnh tranh. Nhà nhập khẩu cũng đề nghị, sau khi thử cả với người tiêu dùng, nhà xuất khẩu và doanh nghiệp, gạo Việt Nam phải nằm ở phân khúc cao nhất trên thị trường.

Ngày 2/9/2022, gạo Cơm Vietnam Rice đã xuất hiện ở hệ thống siêu thị châu Âu với giá bán lẻ 4000 Euro/tấn. Đây là giá đắt nhất thị trường và đến nay, Lộc Trời vẫn duy trì được mức giá này.

Với châu Âu, do đây là thị trường có giá bán cao, đảm bảo cho cả người nông dân và doanh nghiệp có được lợi nhuận nên việc đảm bảo sự bén rễ tại châu Âu, chúng ta phải có “rễ”, tức là đảm bảo bền vững, bảo vệ sức khoẻ của nông dân, truy xuất nguồn gốc. Đây là điều kiện quan trọng nhất. Phần còn lại là quảng cáo, khuyến mại để người tiêu dùng chấp nhận được sản phẩm và giá bán của mình. Làm được điều đó, gạo Việt Nam sẽ bén rễ tại thị trường châu Âu và bất cứ thị trường nào” – ông Nguyễn Duy Thuận nhấn mạnh.

Việt Nam là một trong những nguồn cung gạo lớn nhất cho thế giới, song thương hiệu gạo riêng để người tiêu dùng biết đến và nhận diện chưa nhiều. Do đó, kinh nghiệm của Tập đoàn Lộc Trời khi xây dựng thương hiệu gạo Cơm Vietnam Rice là câu chuyện có thể được nhân rộng để giúp có thêm ngày càng nhiều thương hiệu gạo Việt được định danh trên thị trường thế giới.

Tin khác

Phiên bản di động