Thứ tư 27/11/2024 11:42

Xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế

Để gia tăng thị phần tại thị trường quốc tế, doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức cũng như có chiến lược lâu dài, bền bỉ về xây dựng, phát triển thương hiệu.
Tạo dựng thương hiệu riêng để mở rộng xuất khẩu Xây dựng thương hiệu gạo Việt: Cần song hành 3 trục

Thay đổi nhận thức về xây dựng thương hiệu

Mặc dù tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang các thị trường quốc tế tiềm năng, nhất là các thị trường có Hiệp định thương mại tự do (FTA) có những bước tiến rất ấn tượng, nhưng hiện thị phần của hàng hoá Việt Nam vẫn còn hết sức khiêm tốn.

Các nguyên nhân được chỉ ra là do doanh nghiệp chưa chú trọng đến việc xây dựng, phát triển thương hiệu mà thường tập trung nguồn lực để tăng quy mô sản xuất, sản lượng nhiều nhất sau đó mới chú trọng đến công tác chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng. Và có rất ít doanh nghiệp quan tâm đến công tác xây dựng thương hiệu ngay từ đầu. Điều này dẫn đến khi có sự cố tranh chấp liên quan đến thương hiệu doanh nghiệp mới chú ý.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Bộ Công Thương, số lượng các doanh nghiệp nhập khẩu nhìn chung thấp hơn số lượng doanh nghiệp xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp mới chỉ tham gia được một số công đoạn của chuỗi cung ứng; khả năng đáp ứng, tuân thủ các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và các yêu cầu kỹ thuật của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam vẫn còn hạn chế, nhất là trong bối cảnh nhiều thị trường nhập khẩu ngày càng nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật, hàng rào phi thuế quan; doanh nghiệp thiếu chủ động trong đáp ứng đủ các tiêu chuẩn để hưởng ưu đãi.

Xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế
Doanh nghiệp cần gia tăng tìm kiếm các liên kết xây dựng thương hiệu qua kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất, nhà phân phối. Ảnh: TTXVN

Hiện nay, việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang là xu hướng chung trên thế giới và nhiều quốc gia lựa chọn để mở rộng hợp tác kinh tế. Vì thế, doanh nghiệp trong nước lại phải cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm, thương hiệu của nhiều quốc gia khác trên sân chơi kinh tế thế giới.

Bà Tạ Hoàng Lan – Phó Trưởng phòng Phát triển năng lực xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương nhấn mạnh, việc xây dựng thương hiệu trong nước đã rất khó, xây dựng thương hiệu tại nước ngoài lại càng khó hơn do không phải doanh nghiệp nào cũng có tiềm lực, có quy trình sản xuất bài bản, kiểm soát chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường để có sản phẩm tốt nhất, có ưu việt.

Từ thực tế trên, để xây dựng, phát triển thương hiệu và gia tăng thị phần tại thị trường các FTA, doanh nghiệp cần chủ động thích ứng, thay đổi không ngừng để đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ thị trường; quan tâm đến bảo hộ sở hữu trí tuệ, là chìa khoá quan trọng để xây dựng chỗ đứng cho hàng Việt. Mặt khác, cần gia tăng tìm kiếm các liên kết xây dựng thương hiệu qua kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất, nhà phân phối trong và ngoài nước thu hút đầu tư để sản xuất, xuất khẩu hàng hoá chất lượng.

Trong ngắn hạn, tập trung xuất khẩu sản phẩm có giá trị cao làm sao để giữ vững thương hiệu của mình, cũng như thúc đẩy tìm kiếm đối tác am hiểu về thị trường để họ cung cấp các thông tin đáng tin cậy. Quan trọng nhất đó là nhận thức của doanh nghiệp về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng, quản trị và phát triển thương hiệu ở nước ngoài.

Phải quyết tâm xây dựng thương hiệu thành công từ đó giành nguồn lực phù hợp. Đặc biệt, cần coi chi phí cho hoạt động này là một khoản đầu tư trung và dài hạn giúp nâng cao giá trị cạnh tranh, định vị thương hiệu của doanh nghiệp”- bà Tạ Hoàng Lan nêu rõ.

Cần một chiến lược lâu dài, bền bỉ

Thương hiệu chính là chứng từ, bảo lãnh để tạo lòng tin và dễ đi đến kết nối, thoả thuận các giao dịch kinh tế. Thương hiệu là một phần quan trọng của sản phẩm mà người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm.

Tuy nhiên đưa ra khuyến nghị với doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế- TS. Võ Trí Thành chia sẻ rằng: xây dựng, phát triển thương hiệu không phải ngày một ngày hai mà đòi hỏi một chiến lược, quá trình lâu dài, tỉ mỉ, chuyên, nghiệp. Như vậy không thể không phụ thuộc môi trường bên ngoài, nếu một môi trường thiếu ổn định, cạnh tranh không lành mạnh… doanh nghiệp sẽ lo cái ngắn hạn, trước mắt dẫn tới nguy cơ làm giảm nguồn lực phát triển bài bản, lâu dài.

Theo đó, TS. Võ Trí Thành cho hay, để xây dựng thương hiệu, cần tầm nhìn khát vọng của doanh nghiệp và tiếp theo là chất văn hoá, thương hiệu của doanh nghiệp, thương hiệu của doanh nghiệp phải bắt đầu từ mọi người, từ người lao động bình thường nhất, và... đặc biệt là ở người lãnh đạo. Hay nói chung nhất là nằm ở nội tại của doanh nghiệp,

Cùng với sự chủ động của doanh nghiệp, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ cũng khuyến nghị, để hoá giải các thách thức, nhà nước cần kiến tạo, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất, xuất khẩu về mặt cơ chế, chính sách pháp lý, sở hữu trí tuệ; kết nối giao thông vùng nguyên liệu, tín dụng, xây dựng dữ liệu thông tin, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tăng cường xây dựng thương hiệu quốc gia; hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu và gia tăng các biện pháp bảo hộ thương hiệu cho doanh nghiệp.

Bà Tạ Hoàng Lan cho biết, Bộ Công Thương cũng đã có 6 nhóm giải pháp về công tác xúc tiến thương mại để gia tăng giá trị, thương hiệu cho sản phẩm, hàng hoá Việt Nam. Một là tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại xây dựng nền tảng, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, cạnh tranh cho hệ thống cơ quan xúc tiến thương mại Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tận dụng được thuận lợi từ cách mạng 4.0, giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, cạnh tranh trên thị trường,

Thứ hai, phối hợp hỗ trợ triển khai hoạt động xúc tiến thương mại theo chuỗi, tức là từ khâu phát triển sản phẩm, đầu tư, phát triển thương hiệu để gia tăng giá trị cạnh tranh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Thứ ba, song hành tuyên truyền về các FTA, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá sản phẩm tại thị trường Anh giúp cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường. Thứ tư, là tiếp tục đa dạng hoá thị trường. Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá chương trình Thương hiệu quốc gia và các sản phẩm đật thương hiệu quốc gia, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, được bảo hộ trên thị trường thế giới.

Thứ sáu, thông qua hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Công Thương tiếp tục rà soát, kịp thời đưa ra các cảnh báo đối với các trường hợp có nguy cơ xảy ra tranh chấp, chiếm đoạt quyền sở hữu trí tuệ; đồng thời phối hợp hướng dẫn cho doanh nghiệp đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, tránh các ruir ro khi bị đánh cắp nhãn hiệu.

Tin khác

Phiên bản di động