Doanh nghiệp sẽ đánh mất thị trường xuất khẩu nếu lỡ nhịp chuyển đổi xanh và bền vững Doanh nghiệp "đi trước đón đầu" đáp ứng tiêu chuẩn xanh của EU |
Cùng với những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào các khâu sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nhằm thúc đẩy sản xuất; tăng khả năng cạnh tranh.
Đi đầu trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số vào hoạt động là khối doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh tỉnh Thanh Hóa, đơn vị đã chú trọng triển khai nhiều chương trình hỗ trợ khách hàng mở tài khoản, mở thẻ thanh toán, cài đặt ứng dụng ngân hàng điện tử Agribank Plus... nhằm mang lại cho khách hàng nhiều tiện ích và trải nghiệm khi sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Agribank chi nhánh tỉnh Thanh Hóa triển khai nhiều chương trình hỗ trợ khách hàng mở tài khoản, mở thẻ thanh toán, cài đặt ứng dụng ngân hàng điện tử Agribank Plus. Ảnh: Hồng Linh |
Đại diện Agribank chi nhánh Thanh Hóa cho biết, để mang lại nhiều tiện ích và trải nghiệm cho khách hàng khi sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, Agribank chi nhánh Thanh Hóa đã đầu tư lắp đặt thêm hệ thống 41 máy ATM, CDM, 250 máy POS và mở rộng hàng nghìn điểm thanh toán qua QR-Code, VietQR…
Anh Nguyễn Tại Tuấn, trú tại phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa cho biết: “Lâu nay tôi toàn thanh toán tiền điện, nước, đặt vé máy bay, mua sắm đều bằng banking rất thuận tiện, lại không lo giữ tiền trong ví. Chuyển đổi số đã được các doanh nghiệp áp dụng nên rất thuận tiện cho khách hàng trong việc thanh toán”.
Không chỉ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, các cơ sở sản xuất, dịch vụ, thương mại sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản... trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi số vào các quy trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Anh Vũ Ngọc Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Linh Chi, địa chỉ tại TP. Thanh Hóa cho biết: “Nhờ áp dụng chuyển đổi số vào hoạt động kinh doanh, năm 2024, doanh số của công ty chúng tôi đã tăng 156% so với cùng kỳ. Nhiều sản phẩm đã được công ty tiêu thụ qua sàn giao dịch điện tử, mang lại doanh số bán hàng khá tốt. Năm 2025, công ty chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số để tăng khả năng cạnh tranh và tăng doanh số bán hàng”.
Chuyển đổi số đã giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sản xuất. Ảnh: Bùi Công Anh |
Nói về vai trò của công nghệ số trong phát triển kinh tế số tỉnh Thanh Hóa, ông Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa - nhấn mạnh: Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là những yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế và xã hội đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và sự phát triển bền vững.
Chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ thông tin mà yêu cầu tiên quyết là thay đổi quy trình nội tại, quy trình xử lý công việc, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu suất, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới.
Chuyển đổi xanh không chỉ là phát triển, ứng dụng công nghệ hướng tới môi trường mà còn thay đổi cả quy trình sản xuất - kinh doanh nhằm nâng cao tính hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Sự kết hợp giữa chuyển đổi số và xanh tạo ra một mô hình phát triển bền vững, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống.