Lai Châu: Nức tiếng thương hiệu miến dong Bình Lư Lai Châu: Phát triển sản phẩm OCOP gắn với lợi thế, phát huy ''thương hiệu'' địa phương |
Lai Châu hiện có trên 60 ha trồng Sâm tập trung và một số diện tích trồng phân tán dưới tán rừng của 19 tổ chức, 217 hộ gia đình, cá nhân. Tỉnh đã ban hành một số chính sách bảo tồn và phát triển cây dược liệu, trong đó có Sâm Lai Châu; ban hành và chuyển giao các quy trình kỹ thuật trồng trọt. Công tác quản lý vùng trồng được tăng cường, đã rà soát và cấp mã số cơ sở nuôi trồng Sâm Lai Châu cho 6 cơ sở với trên 250.000 cây.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm Sâm Lai Châu bước đầu hình thành với một số sản phẩm như trà lá Sâm, rượu Sâm, mật ong ngâm Sâm, nước Sâm, mỹ phẩm. Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư được tăng cường, qua đó thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư, phát triển Sâm Lai Châu.
Lai Châu định hướng phát triển sản phẩm Sâm Lai Châu đạt thương hiệu quốc gia. Ảnh: TTXVN |
Tuy nhiên, theo Tỉnh uỷ Lai Châu, việc bảo tồn và phát triển Sâm Lai Châu chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Công tác bảo tồn chưa được quan tâm đúng mức, chưa hình thành các vườn giống gốc; cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển Sâm Lai Châu còn thiếu và khó thực hiện; vùng trồng còn manh mún, thiếu liên kết; hạ tầng kỹ thuật còn thiếu, chưa đảm bảo phục vụ sản xuất, chế biến hàng hóa quy mô công nghiệp; sản phẩm chưa phong phú, chưa có sản phẩm chế biến sâu mang tính đột phá để tạo giá trị so sánh.
Đặc biệt, thương hiệu Sâm Lai Châu còn yếu; thị trường tiêu thụ còn chưa định hình rõ; các kênh tiêu thụ nhỏ lẻ, chưa chuyên nghiệp, thiếu tính pháp lý hỗ trợ.
Những hạn chế nêu trên chủ yếu do nguồn lực cho phát triển còn hạn chế, chưa có định hướng, chính sách ưu tiên nguồn lực cho phát triển Sâm Lai Châu; một số quy định của pháp luật về đất đai, trồng trọt, lâm nghiệp, đa dạng sinh học đối với phát triển dược liệu nói chung, Sâm Lai Châu nói riêng còn chưa cụ thể, có nội dung còn chồng chéo, ảnh hưởng đến công tác quản lý và thu hút đầu tư phát triển Sâm Lai Châu.
Với mục tiêu phát triển Sâm Lai Châu thành sản phẩm hàng hoá có giá trị cao, Lai Châu đã xây dựng đường hướng phát triển cụ thể cho phát triển loại sản phẩm đặc hữu này.
Tại Nghị quyết về phát triển Sâm Lai Châu giai đoạn 2024-2030, định hướng đến năm 2035, địa phương phấn đấu đến năm 2030, Lai Châu phát triển vùng trồng Sâm Lai Châu toàn tỉnh đạt khoảng 3.000 ha, tại các huyện Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường, Tân Uyên và một số vùng có khả năng thích ứng. 100% diện tích trồng Sâm Lai Châu được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý.
Sản lượng khai thác Sâm Lai Châu năm 2030 đạt khoảng 30 tấn/năm, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ. Thu hút, hỗ trợ đầu tư, xây dựng từ 1 đến 2 cơ sở chế biến và chế biến sâu theo quy mô công nghiệp các sản phẩm từ Sâm Lai Châu, gắn với vùng nguyên liệu tập trung…
Định hướng đến năm 2035, phát triển Sâm Lai Châu trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc gia, có giá trị xuất khẩu cao tiến tới mang thương hiệu quốc tế, tạo nguồn thu quan trọng cho tỉnh.
Để đạt mục tiêu này, Lai Châu xác định bảo tồn, phát triển nguồn giống Sâm Lai Châu, hoàn thiện thành vườn giống gốc tại một số vùng sinh thái điển hình thuộc các huyện: Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ, Tam Đường; thu hút, hỗ trợ đầu tư, xây dựng các cơ sở sản xuất giống, đảm bảo chất lượng và khả năng cung ứng giống Sâm Lai Châu có năng suất, chất lượng cao.
Phát triển vùng nguyên liệu tập trung, đa dạng các phương pháp nuôi trồng cả dưới tán rừng và đất trống để phát triển vùng nguyên liệu tập trung trên địa bàn tỉnh; ưu tiên ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng, canh tác Sâm Lai Châu. Chỉ đạo, hướng dẫn nuôi trồng, phát triển Sâm Lai Châu bằng các giống đã được công nhận.
Thúc đẩy chế biến, kinh doanh Sâm Lai Châu bền vững theo chuỗi giá trị. Xây dựng chuỗi sản xuất, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm Sâm Lai Châu. Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc Sâm Lai Châu, đảm bảo các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Địa phương cũng xác định xây dựng, phát triển thương hiệu, thị trường, xúc tiến thương mại. Hỗ trợ xây dựng, đăng ký thương hiệu và phát triển sản phẩm Sâm Lai Châu trong nước và quốc tế. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm Sâm Lai Châu.
Ngoài ra, địa phương sẽ phát triển hạ tầng vùng trồng Sâm Lai Châu, hỗ trợ, đầu tư hệ thống giao thông, điện kết nối đến các vùng nguyên liệu trồng Sâm tập trung, các cơ sở chế biến và hạ tầng thiết yếu khác phục vụ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm Sâm thông qua lồng ghép thực hiện các chương trình và nguồn vốn đầu tư công.