Xây dựng Sâm Lai Châu thành "thương hiệu" quốc gia Lai Châu: Tiến hành chuẩn bị cho việc ban hành nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển sâm |
Để giúp người dân phát triển kinh tế, phát huy thế mạnh địa phương, những năm gần đây tỉnh Lai Châu quan tâm đẩy mạnh các sản phẩm lợi thế, sản phẩm OCOP. Một trong những sản phẩm được nhiều người biết đến là miến dong với thương hiệu miến dong Bình Lư – sản phẩm của xã Bình Lư, huyện Tam Đường. Nghề làm miến dong đã, đang tạo việc làm và thu nhập ổn định, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân tại Bình Lư…
Bình Lư đang phát triển nghề và xây dựng thương hiệu miến dong (Ảnh: Phương Ly) |
Theo các cụ cao tuổi tại địa phương nói lại, nghề sản xuất miến được du nhập vào bản Thống Nhất, xã Bình Lư từ những năm 1970. Thời điểm đó, người dân làm miến dong chỉ đơn giản là để ăn và nhớ về bát miến quê hương, phần lớn họ là người Thái Bình di cư lên Bình Lư xây dựng vùng kinh tế mới…
Quy trình làm miến dong ở Bình Lư hoàn toàn bằng dong riềng nguyên chất, không pha trộn các loại bột khác và không sử dụng hóa chất để tẩy trắng. Miến ra khuôn được phơi nắng trên các giàn tre để không bị giòn, gãy. Sợi miến nhỏ có màu trong hơi xám, khi nấu sợi dẻo, mềm, dai, không nát, có vị thơm ngon của dong riềng.
Nghề làm miến mang lại việc làm, thu nhập ổn định cho người dân Bình Lư |
Năm 2014, xã Bình Lư được tỉnh cấp bằng công nhận hai làng nghề sản xuất miến dong, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân.
Đến nay, khi giao thương hàng hóa phát triển, sản phẩm miến dong Bình Lư không chỉ có mặt ở thị trường địa phương, mà còn được các thương lái vận chuyển đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước.
Hiện nay, toàn Bình Lư có hơn 35 ha dong riềng với khoảng 125 hộ gia đình trồng và gần 80 hộ gia đình chuyên sản xuất miến. Mỗi năm, Bình Lư bán ra thị trường khoảng 170 tấn miến với giá trung bình 45.000-50.000 đồng/kg, thu về hơn 7 tỷ đồng…
Miến dong Bình Lư đã được công nhận sản phẩm OCOP |
Nói về sản phẩm và quá trình gây dựng thương hiệu miến dong Bình Lư, ông Nguyễn Ngọc Ánh - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Bình Lư huyện Tam Đường chia sẻ: Năm 2014, từ sự hỗ trợ của nhà nước, Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Bình Lư, huyện Tam Đường ra đời. Đây là một trong những hợp tác xã đầu tiên trên địa bàn tỉnh có mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ miến dong. Hợp tác xã làm nhiệm vụ liên kết để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất, hỗ trợ đầu vào và thu mua sản phẩm cho nông dân, từng bước đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản riêng của địa phương. Với việc các hộ tham gia hợp tác xã sản xuất miến dong quan tâm đầu tư máy móc hiện đại, xây dựng thương hiệu đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm và nhãn hiệu bao bì… đã tạo nên thương hiệu miến dong Bình Lư nổi tiếng trong thời gian qua và trở thành sản phẩm OCOP có mặt tại nhiều nơi và được nhiều người biết đến.
“Từ khi được công nhận là sản phẩm OCOP, sản phẩm miến dong được quảng bá rộng rãi và được nhiều người biến đến, nhiều siêu thị, nhà hàng quan tâm tới sản phẩm địa phương và chúng tôi cũng ký được nhiều hợp đồng” – ông Nguyễn Ngọc Ánh phấn khởi thông tin.
Nhằm phát huy tiềm năng lợi thế, phát triển sản phẩm miến dong, hằng năm chính quyền xã Bình Lư chú trọng đưa nhiệm vụ phát triển nghề sản xuất miến dong vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xác định đây là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Đặc biệt, năm 2020 xã Bình Lư đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 03-NQ/ĐU về phát triển sản phẩm miến dong Bình Lư giai đoạn 2020 - 2025 với mục tiêu nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường; thiết lập chuỗi giá trị và liên kết bền vững; nâng cao thu nhập cho người dân. Phấn đấu đến năm 2025, sản lượng miến dong đạt 450 - 550 tấn/năm; doanh thu từ sản xuất miến dong đạt trên 30 tỷ đồng/năm…
Bình Lư khuyến khích người dân và thu hút doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất miến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm (Ảnh: Phương Ly) |
Để đạt những mục tiêu trên, Bình Lư khuyến khích và đẩy mạnh huy động doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân đầu tư cải tiến máy móc, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ tiến bộ vào sản xuất bền vững; nâng cao năng xuất, chất lượng và mẫu mã sản phẩm; đảm bảo an toàn thực phẩm, xây dựng không gian, cảnh quan môi trường khu vực sản xuất miến dong xanh, sạch, đẹp. Thúc đẩy xác lập nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc của sản phẩm; tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu để thương hiệu miến dong Bình Lư vươn xa…