Sắp diễn ra tọa đàm 'Nâng tầm giá trị Thương hiệu Quốc gia trong 'sân chơi' thương mại toàn cầu' Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong xây dựng và phát triển Thương hiệu Quốc gia |
Xây dựng và định vị Thương hiệu Quốc gia là con đường tất yếu trong hành trình phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp và nó sẽ tạo tiền đề mạnh mẽ thúc đẩy hàng hoá của doanh nghiệp chiếm lĩnh được thị trường không chỉ trong mà còn ngoài nước. Bà Đặng Thị Thanh Phương - Tham tán thương mại Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức đã có những chia sẻ thẳng thắn về vấn đề này tại Toạ đàm "Nâng tầm giá trị Thương hiệu Quốc gia Việt Nam trong "sân chơi" thương mại toàn cầu" do Báo Công Thương tổ chức, chiều 27/9.
Là đơn vị song hành và hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ tại Đức, bà đánh giá như thế nào về cơ hội và tiềm năng, cũng như khả năng cạnh tranh của sản phẩm mang Thương hiệu Quốc gia Việt Nam tại các thị trường này nói riêng và quốc tế nói chung?
Bà Đặng Thị Thanh Phương - Tham tán thương mại Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức |
Cá nhân tôi nhận thấy rằng các sản phẩm mang Thương hiệu Quốc gia Việt Nam đang có cơ hội và tiềm năng rất lớn tại thị trường Đức nói riêng và thị trường quốc tế nói chung và được thể hiện qua một số điểm nổi bật, như:
Thứ nhất, chất lượng sản phẩm ngày càng được cải thiện: Các doanh nghiệp Việt Nam đã chú trọng nhiều hơn đến việc nâng cao chất lượng, quy trình sản xuất và kiểm định sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.
Thứ hai, tiềm năng về các ngành hàng chiến lược: Việt Nam có những lợi thế trong nhiều ngành hàng chủ chốt như nông sản, dệt may, điện tử và đồ gia dụng. Nhiều mặt hàng được người tiêu dùng nước ngoài, đặc biệt là châu Âu ưa chuộng như dệt may, da giày, cà phê, thuỷ sản..
Thứ ba, các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, đặc biệt là các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường và những chương trình như "Thương hiệu Quốc gia", đã giúp nâng cao độ nhận diện sản phẩm Việt Nam trên trường quốc tế.
Tóm lại, các sản phẩm mang Thương hiệu Quốc gia Việt Nam có tiềm năng và cơ hội để phát triển mạnh mẽ hơn nữa tại các thị trường quốc tế và tại thị trường Đức. Đặc biệt tại thị trường Đức, cộng đồng người nhập cư trong những năm qua đã tăng nhanh chóng, số lượng người Việt đang không ngừng mở rộng (con số thống kê không chính thức là khoảng 200 nghìn người nhưng con số thực tế còn cao hơn nhiều) và ngày càng có ảnh hưởng lớn dẫn đến sự thay đổi về thói quen tiêu dùng của một bộ phận người dân Đức, khiến người Đức và người nước ngoài tại Đức đang ngày cởi mở hơn với các sản phẩm ngoại nhập và tìm kiếm các sản phẩm của Việt Nam.
Tuy nhiên, để biến cơ hội thành kết quả, các doanh nghiệp Việt cần tiếp tục đầu tư vào việc duy trì chất lượng, đổi mới sáng tạo và xây dựng thương hiệu theo chuẩn quốc tế đặc biệt là các tiêu chuẩn ngày càng cao về môi trường, tính bền vững sản phẩm, giá trị dinh dưỡng của sản phẩm và việc tôn trọng nhân quyền trong quá trình sản xuất như yêu cầu của các nước liên minh EU và Đức.
Thực tế cho thấy, một nghịch lý đang tồn tại hiện nay là tại thị trường trong nước, hàng ngoại chất lượng thấp hoặc “mượn” xuất xứ Việt Nam để trung chuyển xuất khẩu, né thuế. Trong khi, hàng Việt ra nước ngoài vẫn còn nhiều tình trạng “núp bóng” các thương hiệu ngoại? Với vai trò là “cầu nối” hàng Việt tại nước ngoài, bà có chia sẻ gì về vấn đề này?
Việc hàng Việt dùng thương hiệu ngoại khi ra nước ngoài là thực trạng có nhưng không phổ biến tại EU hay Đức. Nhiều sản phẩm dệt may, da giày hay thuỷ sản của Việt Nam đã có độ nhận diện cao tại thị trường EU. Tuy nhiên, đối với nhiều sản phẩm thực phẩm hay nông sản của Việt Nam thì phần lớn đang được nhập khẩu và bán tại chuỗi các cửa hàng và hệ thống siêu thị đồ châu Á của Đức như: Siêu thị Vĩnh Lợi, siêu thị Kinh Đô Hamburg, Asia24, Lạc Thiên.
Trong khi đó, các sản phẩm mang thương hiệu quốc gia Việt Nam chưa xuất hiện nhiều trong hệ thống phân phối lớn của Đức như Edeka, Rewe, Selgros, Aldi,... Nguyên nhân chủ yếu như tôi đã nói ở trên, EU đặc biệt là thị trường Đức có yêu cầu rất cao đối với các sản phẩm tiêu dùng, đặc biệt là thực phẩm.
Các doanh nghiệp ngành tre Việt Nam tham gia Hội chợ Ambiente Frankfurt tại Đức để quảng bá thương hiệu. Ảnh: Vietrade |
Ngoài những yêu cầu về kiểm dịch động thực vật, truy xuất nguồn gốc, EU và Đức còn đưa ra các yêu cầu khác như: Quy định về tính bền vững trong sản phẩm, Quy định chống phá rừng (EUDR) hay Đức đã thông qua đạo luật Nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng có hiệu lực từ năm 2023 nhằm bảo vệ các quyền con người trong chuỗi cung ứng toàn cầu và ngăn chặn.
Ví dụ như tình trạng lao động trẻ em và cưỡng bức lao động, cấm những chất có hại cho con người và môi trường, hay luật tái chế chất thải bao bì yêu cầu các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và nhà phân phối sản phẩm tiêu dùng phải ký hợp đồng tái chế vật liệu đóng gói với một công ty tái chế được cấp phép...
Có rất nhiều các quy định mà không nhiều doanh nghiệp của ta có thể đáp ứng. Do đó nhiều do, đóng gói và tiêu thụ tại thị trường Đức. Như vậy, vô hình chung sẽ làm giảm việc nâng cao độ nhận diện thương hiệu Việt Nam tại thị trường này.
Vì vậy, chúng ta cần một chiến lược toàn diện từ khâu quản lý, kiểm soát xuất xứ hàng hóa, xây dựng quy trình sản xuất đảm bảo tính bền vững cũng như đảm bảo các điều kiện về quyền con người đến việc xây dựng thương hiệu mạnh mẽ hơn cho các sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế để các thương hiệu Việt Nam có thể có mặt mạnh mẽ hơn tại các hệ thống phân phối lớn tại các thị trường khó tính như Đức hay EU.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp, sản phẩm thương hiệu quốc gia nói riêng rộng cửa vào các thị trường khó tính như Đức, EU, thương vụ sẽ triển khai những giải pháp gì nhằm thúc đẩy hiệu quả từ công tác xúc tiến thương mại, đầu tư?
Xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp hai nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Thương vụ Đức đang và sẽ triển khai. Năm 2025 là năm có ý nghĩa quan trọng khi hai nước kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước nên thương vụ sẽ tích cực tập trung vào các hoạt động sau:
Một, tổ chức Ngày Việt Nam tại một số trung tâm kinh tế lớn của Đức như Berlin hay Hamburg trong đó dự kiến sẽ trưng bày các sản phẩm tiêu biểu và đặc sắc của Việt Nam cùng với đó là những quầy hàng trải nghiệm các sản phẩm như thực phẩm và đồ uống.
Hai, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham dự các Hội chợ ngành hàng lớn tại Đức: Hội chợ Fruit Logistica, Biofach, Anuga, ITB, Fish International, Ambiente, Hannover Messe... Đức được biết đến là nơi quy tụ những hội chợ triển lãm quốc tế hàng đầu thế giới.
Hàng năm có khoảng 150 hội chợ triển lãm quốc tế chuyên ngành và đa ngành được tổ chức tại Đức thu hút sự tham dự của 10 triệu du khách. Trong đó đáng chú ý 2/3 sự kiện công nghiệp toàn cầu lớn được tổ chức tại Đức. Tham dự các Hội chợ chuyên ngành lớn là cơ hội tuyệt vời để quảng bá các sản phẩm quốc gia Việt Nam.
Thông qua các hội chợ thương mại quốc tế là cơ hội để các Thương hiệu Quốc gia Việt Nam xúc tiến thương mại hiệu quả. Ảnh: Vietrade |
Ba, hỗ trợ kết nối đưa sản phẩm có chất lượng của Việt Nam vào hệ thống phân phối của Đức như Edeka, Rewe, Selgros, Aldi...
Bốn, tổ chức các workshop để các công ty, nhà nhập khẩu lớn của Đức có thể hướng dẫn các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn quy định liên quan từ đó có thể từng bước giúp đưa sản phẩm có thương hiệu Việt Nam vào thị trường này.
Năm, ra mắt chuyên trang điện tử bằng tiếng Anh và tiếng Việt để cung cấp thông tin thị trường và kết nối doanh nghiệp Việt - Đức trong đó sẽ có nội dung giới thiệu thị trường, hệ thống phân phối các hoạt động xúc tiến thương mại cũng như cung cấp nhu cầu cụ thể của thị trường.
Đối với các sản phẩm mang thương hiệu quốc gia Việt Nam, nếu Cục Xúc tiến thương mại có nhu cầu, thương vụ sẽ phối hợp với Cục và các doanh nghiệp để thiết lập một thư mục riêng trên website bằng tiếng anh nhằm quảng bá các sản phẩm mang thương hiệu quốc gia tới người tiêu dùng và doanh nghiệp Đức.