Thứ hai 05/05/2025 19:17

Hòa Bình: Xây dựng thương hiệu nông sản qua sản phẩm OCOP

Để nâng cao chất lượng hàng hóa, giá trị, thương hiệu nông sản, thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã đẩy mạnh xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP.
OCOP Hòa Bình: Xây dựng thương hiệu nông sản địa phương bền vững Măng Hòa Bình: Sản vật núi rừng vươn tầm thế giới Chuối tiêu hồng Hòa Bình: Khẳng định thương hiệu trên thị trường trong nước

Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm

Thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tính đến đến ngày 20/01/2025, toàn tỉnh Hòa Bình có 118 sản phẩm OCOP của 11 doanh nghiệp, 53 hợp tác xã, 3 tổ hợp tác, 18 hộ kinh doanh có Giấy chứng nhận đạt sản phẩm OCOP còn hiệu lực theo quy định.

Các sản phẩm OCOP tập trung chủ yếu vào nhóm sản phẩm đặc thù, thế mạnh của tỉnh được các khách hàng trong nước và quốc tế tin dùng như: Cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, sản phẩm chế biến từ măng nứa, măng bát độ; nhóm dược liệu như: Tinh bột nghệ, trà chanh đào mật ong, thổ cẩm dân tộc... Tỉnh Hòa Bình cũng đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại để kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm OCOP chủ lực rộng rãi trên thị trường cả nước.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hòa Bình cho biết: Các sản phẩm OCOP đã bám sát các yêu cầu của chương trình, phù hợp với thị hiếu, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm đặc sắc, truyền thống, chất lượng; được các doanh nghiệp phân phối và thị trường chấp nhận, hình thành xu hướng ưu tiên trong phân phối sản phẩm OCOP. Các tổ chức kinh tế, cá nhân được hỗ trợ phát triển sản phẩm mới, nâng cấp sản phẩm đã có, tư vấn phát triển sản phẩm để hoàn thiện về quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, hoàn thiện nhãn mác, bao bì, giấy tờ liên quan, hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm.

chuối viba HÒa Bình
Chuối Viba là sản phẩm OCOP 3 sao, đặc sản tiêu biểu của tỉnh Hòa Bình vừa hoàn thành đánh giá lại vào tháng 10/2024

Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản phẩm OCOP mặc dù đã có những thay đổi tích cực về chất lượng, bao bì, nhãn mác, tuy nhiên, phần lớn là sản phẩm OCOP hạng 3 sao (97/118 sản phẩm, chiếm 82,2%) có quy mô sản xuất nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lớn. Bên cạnh đó, tuân thủ và áp dụng các quy định hiện hành về quản lý chất lượng, ghi bao bì, nhãn mác, sở hữu trí tuệ, ứng dụng khoa học - công nghệ còn hạn chế do các scản phẩm OCOP chủ yếu là sản phẩm sơ chế hoặc chế biến đơn giản, giá trị gia tăng thấp; chưa có nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh được phân phối tại các hệ thống siêu thị thành phố lớn.

Đặc biệt là nhóm sản phẩm đặc sản, mang tính chuyên biệt cao có khả năng mở rộng vùng nguyên liệu, quy mô hạn chế, khó đáp ứng được các đơn hàng lớn và liên tục. Năng lực của các chủ thể còn hạn chế, chưa tiếp cận được nhiều nguồn lực nên kinh phí dành cho công tác nâng hạng, xây dựng mới các sản phẩm OCOP đạt 4 sao, 5 sao còn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện quy định bắt buộc như: Chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến (ISO, GMP, HACCP...) và nguồn lực đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh.

nem chua Chiển hướng hòa bình
Nem chua thương hiệu Suối Sỏi của HTX Thực phẩm Chiển Hướng Hòa Bình thực hiện đánh giá, công nhận lại sản phẩm OCOP 3 sao vào tháng 10/2024

Đơn cử như Hợp tác xã Thực phẩm Chiển Hướng - xóm Suối Sỏi, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, từ năm 2019 hợp tác xã đã xây dựng và phát triển sản phẩm nem chua và thịt chua đạt công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đến năm 2021, sản phẩm này đã được nâng hạng lên OCOP 4 sao. Tham gia các hội chợ và triển lãm trong và ngoài nước đã giúp nem chua Suối Sỏi cũng như các sản phẩm nem chua của tỉnh Hòa Bình mở rộng thị trường, đến gần hơn với người tiêu dùng và từng bước khẳng định giá trị thương hiệu trên bản đồ ẩm thực Việt Nam.

Tuy nhiên, theo đại diện Hợp tác xã Thực phẩm Chiển Hướng cho biết, do nguồn lực tài chính hạn chế, nên chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của các cấp chính quyền trong các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.

Cần thêm chính sách để phát triển

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Minh – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lương Sơn - cho biết: “Tại Lương Sơn, chúng tôi đã hỗ trợ để đánh giá phân hạng chứng nhận cho các chủ thể, đến thời điểm này các chủ thể được công nhận cơ bản đủ các tiêu chuẩn về chất lượng mẫu mã, bao bì nhãn mác, huyện cũng đang hỗ trợ các chủ thể công tác xúc tiến thương mại thông qua các hoạt động hội nghị, hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn hóa chúng tôi gặp cũng không ít khó khăn, do đa phần các chủ thể trông chờ vào sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước từ hoạt động tư vấn, khảo sát, xây dựng sản phẩm, đánh giá cho đến quảng bá, xúc tiến thương mại. Trong khi chính quyền địa phương cũng không có kinh phí để hỗ trợ thực hiện”.

Lý giải về điều trên, theo bà Minh là do các chủ thể đa phần là các hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, việc phát triển, mở rộng vùng sản xuất hạn chế. Chính sách hỗ trợ của nhà nước chỉ hỗ trợ các chủ thế đánh giá chứng nhận lần đầu, đến thời hạn công nhận lại (hết 3 năm) các chủ thể lại gặp khó khăn về kinh phí.

Sản phẩm ocop Hòa bình
Sản phẩm nem chua, thịt chua thương hiệu Suối Sỏi đã từng bước được cung cấp tại các địa phương lân cận của Hòa Bình như Hà Nội, Hà Nam

Để tháo gỡ một phần khó khăn trên, theo bà Minh, cần có doanh nghiệp/ hợp tác xã kết nối với các chủ thể và đứng ra làm công tác xúc tiến quảng bá, bán sản phẩm, về lâu dài cần có chính sách hỗ trợ đồng bộ để các sản phẩm OCOP phát triển và chuẩn hóa theo hướng bền vững.

Để nâng cao giá trị các sản phẩm OCOP của địa phương, thời gian tới, ngành nông nghiệp xác định sẽ tiếp tục huy động sự tham gia của toàn hệ thống chính trị thông qua việc đưa Chương trình OCOP vào nghị quyết của cấp ủy đảng các cấp; kế hoạch, chương trình công tác chỉ đạo trọng tâm của chính quyền địa phương; gắn Chương trình OCOP với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chú trọng vai trò của cấp xã trong việc định hướng, xây dựng kế hoạch OCOP của địa phương và hỗ trợ chủ thể, người dân tham gia chương trình, phát triển sản phẩm OCOP.

Đẩy mạnh cung cấp thông tin thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các chủ thể để đảm bảo bao tiêu sản phẩm cung cấp ra thị trường; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tập trung đẩy mạnh hỗ trợ các chủ thể sản xuất OCOP tỉnh tham gia gian hàng Việt trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử uy tín như Lazada.vn, Shopee.vn, Sendo.vn, tiki.vn; Voso.vn, Posmart... Bên cạnh đó, phối hợp với bưu điện tỉnh, Viettel Hòa Bình và các địa phương... trong việc quản lý số lượng, chất lượng sản phẩm OCOP trên các Sàn thương mại điện tử.

Đồng thời, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và thực hiện bảo hộ sở hữu trí tuệ chung cho cả chương trình. Quảng bá rộng rãi chương trình OCOP, tiêu chí của các sản phẩm OCOP đến rộng rãi người tiêu dùng trên địa bàn. Xây dựng thương hiệu OCOP với các sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá cả cạnh tranh, số lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Xây dựng thương hiệu OCOP với các sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá cả cạnh tranh, số lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; kiểm soát chặt chẽ việc áp dụng, tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất đã được quy định trong các văn bản quy phạm của nhà nước. Sản phẩm cuối cùng đưa ra thị thường đều phải được chuẩn hóa, có tiêu chuẩn chất lượng và được chứng nhận (VIETGAP, GMP, HACCP...). Đây là yếu tố quan trọng giúp sản phẩm mang lại niềm tin cho khách hàng, tạo cơ hội đưa các sản phẩm OCOP tỉnh Hòa Bình vươn ra thị trường trong nước và quốc tế.

Song song với đó, ứng dụng chuyển đổi số trong triển khai thực hiện Chương trình. Tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm OCOP: Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát đối với sản phẩm OCOP đã được đánh giá và công nhận; báo cáo các sản phẩm OCOP không còn sản xuất, không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm so với quy định để trình cấp có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận sản phẩm OCOP của các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn của chương trình.

Giải quyết được những điểm nghẽn trên sẽ là cơ sở để các thương hiệu nông sản vươn xa trên thị trường, tạo giá trị gia tăng cho cho các địa phương trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Tin khác

Phiên bản di động