Xây dựng thương hiệu xanh: Cầu nối cho doanh nghiệp và người tiêu dùng Chương trình Thương hiệu quốc gia: Doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế mới được xét chọn |
Trong quá trình làm thủ tục điều chỉnh đăng ký kinh doanh để tăng vốn điều lệ, nhiều doanh nghiệp được yêu cầu phải làm thành phần hồ sơ ngoài quy định như trình giấy nộp tiền, chứng nhận sở hữu cổ phần của các cổ đông… gây tốn chi phí.
Ảnh minh họa |
Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) Trương Gia Bình vừa ký công văn số 02/Ban IV báo cáo Thủ tướng về tổng hợp khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp tháng 1.2024.
Ban IV cho biết, theo phản ánh của một số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại Hà Nội, trong quá trình làm thủ tục điều chỉnh đăng ký kinh doanh để tăng vốn điều lệ, mặc dù doanh nghiệp đã tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành (quy định tại Điều 51 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp), nhưng lại nhận được hướng dẫn, yêu cầu về những thành phần hồ sơ ngoài quy định và doanh nghiệp khó có thể tuân thủ.
Cụ thể, ngoài thành phần hồ sơ cần có để giải trình về quá trình thay đổi vốn điều lệ hiện tại, doanh nghiệp còn được yêu cầu tập hợp và cung cấp đầy đủ hồ sơ để giải trình cho các lần thay đổi, điều chỉnh trước đó.
Theo hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, các tài liệu, chứng từ chứng minh doanh nghiệp đã góp đủ vốn điều lệ từ khi thành lập đến trước lúc tăng vốn điều lệ đợt này là: Phiếu thu tiền (nộp tiền)/chuyển khoản thanh toán mua cổ phần đợt thành lập công ty; phiếu thu tiền (nộp tiền)/chuyển khoản thanh toán mua cổ phần phát hành thêm của các đợt tăng vốn của công ty; sổ/giấy chứng nhận sở hữu cổ phần của cổ đông các đợt thay đổi; thông báo lập sổ cổ đông các đợt thay đổi.
“Đối với các doanh nghiệp mới thành lập trong khoảng thời gian 5 năm trở lại đây thì yêu cầu tập hợp các chứng từ này là khả thi. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp thành lập lâu năm thì yêu cầu này không cần thiết, không khả thi và gây tốn kém chi phí cho doanh nghiệp”, báo cáo nêu rõ.
Nhằm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ quy định pháp luật về đăng ký kinh doanh, các doanh nghiệp kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành hướng dẫn thực thi thống nhất tại các địa phương.
Theo đó, có xếp loại doanh nghiệp theo mức độ tuân thủ quy định pháp luật về đăng ký kinh doanh, chỉ yêu cầu hồ sơ giải trình cho tất cả các lần điều chỉnh vốn điều lệ đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm. Yêu cầu doanh nghiệp tập hợp, cung cấp các chứng từ có tính khả thi mà vẫn bảo đảm ý nghĩa và giá trị giải trình, chẳng hạn yêu cầu báo cáo tài chính qua các kỳ của doanh nghiệp thay vì giấy nộp tiền, chứng nhận sở hữu cổ phần của các cổ đông, thông báo lập sổ cổ đông các đợt.