Thứ tư 16/04/2025 19:06

Doanh nghiệp chuyển biến nhận thức, đột phá xây dựng thương hiệu

Với sự thay đổi nhận thức, nỗ lực triển khai các hoạt động xây dựng thương hiệu đã góp phần giúp doanh nghiệp khẳng định vị thế thương hiệu trên thị trường.
Xây dựng thương hiệu từ tâm, doanh nghiệp thu ‘trái ngọt’ Xây dựng thương hiệu mạnh để rau quả Việt Nam 'cất cánh' Doanh nghiệp gia tăng nhận thức về xây dựng thương hiệu

Bên lề sự kiện Tuần lễ thương hiệu quốc gia Việt Nam sáng 16/4, Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thịnh – Giảng viên cao cấp Trường Đại học Thương mại và là thành viên Ban Chuyên gia của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam để hiểu hơn về sự chuyển biến của giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam trong những năm qua.

Xây dựng thương hiệu cần được triển khai một cách bài bản

Ông đánh giá như thế nào về sự thay đổi trong nhận thức và hành động của các doanh nghiệp Việt Nam đối với việc xây dựng thương hiệu trong những năm gần đây?

Doanh nghiệp chuyển biến nhận thức, đột phá xây dựng thương hiệu
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thịnh – thành viên Ban Chuyên gia của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Ảnh: Đỗ Nga

- Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thịnh: Có thể nói rằng, qua khảo sát định kỳ hàng năm đối với các doanh nghiệp, tập trung vào mức độ nhận thức và nỗ lực triển khai các hoạt động xây dựng thương hiệu, từ khoảng năm 2022 đến nay, chúng tôi ghi nhận một sự chuyển biến rõ rệt: nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về vai trò của thương hiệu đã tăng lên đáng kể – xấp xỉ 60%.

Phần lớn các doanh nghiệp hiện nay đều xác định rõ rằng việc xây dựng thương hiệu không còn là khái niệm trừu tượng, mà là một yêu cầu thiết thực và cần được triển khai một cách bài bản. Trên cơ sở đó, rất nhiều chương trình và hành động cụ thể đã được triển khai. Nhiều doanh nghiệp đã biết cách khai thác hiệu quả các yếu tố môi trường sống, văn hóa doanh nghiệp, sản phẩm và dịch vụ để khẳng định vị thế thương hiệu của mình trên thị trường.

Trong quá trình thẩm định hồ sơ các doanh nghiệp tham gia chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, ông nhận thấy các doanh nghiệp đang triển khai yếu tố đổi mới sáng tạo như thế nào trong hoạt động sản xuất – kinh doanh?

- Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thịnh: Với tư cách là thành viên Ban chuyên gia của chương trình từ năm 2008 đến nay, tôi có thể khẳng định, trong khoảng 10 năm trở lại đây, các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chương trình đã có những thay đổi toàn diện về mặt nhận thức và hành động. Đổi mới sáng tạo không còn là khẩu hiệu mà đã trở thành chiến lược cụ thể với nhiều chính sách và chương trình hành động thiết thực.

Nói đến đổi mới sáng tạo, cần hiểu theo cách tiếp cận thực tiễn và bao quát hơn. Có ít nhất bốn khía cạnh chính:

Đổi mới sản phẩm – Tức là tạo ra những sản phẩm có tính khác biệt, giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu thay đổi liên tục của thị trường.

Đổi mới quy trình – Tối ưu hóa sản xuất, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, đồng thời tăng tính linh hoạt trong vận hành.

Đổi mới tổ chức – Bao gồm cơ cấu tổ chức, cách thức vận hành nhằm thích ứng với bối cảnh công nghệ và chuyển đổi số ngày càng sâu rộng.

Khai thác công nghệ – Tận dụng công nghệ hiện đại, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo và nền tảng số, để đầu tư vào hoạt động R&D, gia tăng sức mạnh nội lực sáng tạo.

Doanh nghiệp chuyển biến nhận thức, đột phá xây dựng thương hiệu
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, số lượng và chất lượng các thương hiệu quốc gia đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Ảnh: Cấn Dũng

Đây chính là những giá trị cốt lõi mà chương trình Thương hiệu quốc gia theo đuổi: Chất lượng – Đổi mới, sáng tạo – Năng lực tiên phong. Ba trụ cột này tạo ra sức mạnh cạnh tranh cho thương hiệu Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Doanh nghiệp có thương hiệu mạnh không chỉ đầu tư vào sản phẩm, mà còn đầu tư vào quá trình đổi mới toàn diện, từ nghiên cứu phát triển đến quản trị, vận hành và chăm sóc khách hàng. Chỉ như vậy, doanh nghiệp mới có thể dẫn dắt thị trường, tạo ra giá trị khác biệt, và phát triển bền vững.

Đổi mới sáng tạo - cú hích khơi dậy nội lực của cộng đồng doanh nghiệp

Xây dựng thương hiệu là một quá trình dài hạn. Theo ông, đâu là yếu tố quyết định để một doanh nghiệp Việt Nam có thể xây dựng thương hiệu thành công trong môi trường toàn cầu?

- Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thịnh: Xây dựng thương hiệu thực sự là một hành trình lâu dài, không thể hoàn tất trong một sớm một chiều. Để thành công, yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là ý chí và quyết tâm của lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt là lãnh đạo cấp cao. Khi người đứng đầu có nhận thức đúng và cam kết mạnh mẽ, toàn bộ tổ chức mới có thể vận hành theo chiến lược thương hiệu.

Yếu tố thứ hai là tư duy lựa chọn con đường phù hợp với điều kiện thực tế của từng doanh nghiệp. Không có công thức chung, nhưng mỗi doanh nghiệp cần tìm ra “chìa khóa riêng” của mình để giải bài toán thương hiệu. Việc học hỏi kinh nghiệm là cần thiết, song quan trọng hơn là sáng tạo ra con đường phù hợp với chính mình.

Trong kỷ nguyên số, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa công nghệ để đưa thương hiệu đến gần hơn với khách hàng trong và ngoài nước. Có sản phẩm tốt là chưa đủ – quy trình cung ứng, dịch vụ khách hàng, giao tiếp thương hiệu và trách nhiệm xã hội cũng cần được đầu tư tương xứng.

Đặc biệt, khách hàng chính là người nắm quyền đánh giá sự thành công của thương hiệu. Vì vậy, triết lý thấu hiểu khách hàng, đồng hành cùng khách hàng phải trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động xây dựng thương hiệu.

Với chủ đề Tuần lễ Thương hiệu quốc gia năm nay – “Vững vàng Việt Nam – Kiến tạo tương lai: Đổi mới sáng tạo vì một Việt Nam bền vững”. Ông kỳ vọng gì từ chương trình?

- Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thịnh: Ngay từ năm 2003, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia, đổi mới sáng tạo đã được xác định là một trong ba giá trị cốt lõi. Điều đó cho thấy sự quan tâm xuyên suốt của Nhà nước đối với đổi mới sáng tạo trong chiến lược phát triển thương hiệu.

Trong bối cảnh chuyển đổi số và công nghệ phát triển mạnh mẽ, việc lựa chọn chủ đề năm nay là hoàn toàn phù hợp và mang tính thời sự. Chủ đề này vừa khẳng định vai trò của đổi mới sáng tạo trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, vừa thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn cho hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm, cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng phục vụ và truyền thông thương hiệu.

Tôi kỳ vọng đây sẽ là một cú hích để cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhìn thấy cơ hội, khơi dậy nội lực, và chủ động tham gia vào cuộc đua thương hiệu không chỉ trong nước mà còn trên phạm vi toàn cầu.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tin khác

Phiên bản di động