Thứ sáu 18/04/2025 17:39

Xuất khẩu sang EU bối cảnh mới: Cần chú ý những gì?

Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện hiệp định EVFTA của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã đưa ra những khuyến nghị mới liên quan đến xuất khẩu sang EU.
Điểm tên những mặt hàng dệt may có tiềm năng xuất khẩu sang EU Khai thác tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm chính ngạch sang thị trường châu Âu Những chính sách thương mại cần lưu ý khi xuất khẩu sang thị trường EU

Điểm đáng chú ý của báo cáo là sau 5 năm thực thi hiệp định EVFTA, xuất khẩu sang EU của Việt Nam ghi nhận bước tiến ngoạn mục với mức tăng trưởng mạnh nhờ các ưu đãi thuế quan và được thể hiện rõ nét ở các ngành dệt may, da giày, thủy sản và nông sản chế biến, đưa EVFTA là hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia có mức xuất siêu cao nhất với mức 35,2 tỷ USD.

Tỷ trọng của thị trường EU hiện chiếm 13,19% các thị trường xuất khẩu của Việt Nam so với mức 12,8% năm 2020 khi EVFTA có hiệu lực. Điều này đã đáp ứng đúng các kỳ vọng trước khi EVFTA đi vào thực hiện. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê nếu như năm 2014, xuất khẩu sang EU đạt 27,9 tỷ USD, đến năm 2024, con số này tăng lên 51,66 tỷ USD.

Xuất khẩu sang EU bối cảnh mới: Cần chú ý những gì?
Doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng tốt hơn các ưu đãi thuế quan từ thị trường EU. Ảnh minh họa.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) đánh giá, kim ngạch xuất khẩu sang EU có thể còn được tăng lên nếu Việt Nam tận dụng tốt hơn nữa các ưu đãi thuế quan từ EVFTA. Theo đó tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan theo EVFTA đã tăng từ 14,8% năm 2020 lên 35,2% năm 2023. Mặc dù có sự gia tăng đáng kể nhưng tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan EVFTA vẫn thấp hơn so với một số hiệp định khác mà Việt Nam tham gia.

"Điều này cho thấy việc tối ưu hóa các lợi ích từ hiệp định EVFTA vẫn đang là vấn đề đặt ra trong thực thi EVFTA giai đoạn tới nhằm tăng cường khả năng xuất khẩu bền vững với các doanh nghiệp Việt Nam, giải quyết tốt các thách thức về tuân thủ tiêu chuẩn khí thải, quy định về kinh tế tuần hoàn và truy xuất nguồn gốc hàng hóa theo tiêu chuẩn EU", ông Nguyễn Anh Dương nói.

TS Đặng Đức Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận, Việt Nam và EU cho thấy mức độ bổ trợ lẫn nhau về cơ cấu thương mại trong thời gian vừa qua. Trong bối cảnh hiện nay, hai bên còn có nhiều dư địa để gia tăng hợp tác, đặc biệt là về các vấn đề đang cùng phải đối mặt như xu hướng gia tăng bảo hộ ở nhiều thị trường trên thế giới, tạo quy định phù hợp cho chính sách cạnh tranh và thúc đẩy các ngành công nghệ mới, hiện thực hóa các quy định nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Để xuất khẩu sang EU tiếp tục tăng trưởng một cách bền vững, các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục nâng cao năng lực tận dụng ưu đãi thuế quan từ EVFTA; giảm chi phí logisctics và hạ tầng thương mại; tăng cường đáp ứng tiêu chuẩn và kỹ thuật của EU.

Đặc biệt từ thực tiễn xuất khẩu sang EU thời gian qua, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại cũng như đa dạng hóa thị trường xuất khẩu ở khu vực này. Đồng thời hoàn thiện hệ thống chứng nhận và truy xuất nguồn gốc hàng hóa, sản phẩm cũng như nâng cao năng lực phòng vệ thương mại và cảnh báo sớm.

Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo và hướng dẫn doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa nắm vững thông tin về EVFTA, cập nhật các tiêu chuẩn kỹ thuật thị trường, các tiêu chuẩn lao động.

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, EVFTA dự kiến tạo ra 146.000 việc làm mới trong năm 2025 với doanh nghiệp Việt Nam ở các ngành: xây dựng, chế biến, sản xuất, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Tin khác

Phiên bản di động