Đà Nẵng đi đúng hướng phát triển bền vững Đà Nẵng: Sản phẩm OCOP phát triển nhanh về lượng và chất |
Nâng tầm giá trị cho “cá nhà nghèo”
Cá trích là một trong những loại hải sản được ngư dân miền Trung nói chung, ngư dân Đà Nẵng nói riêng thường xuyên đánh bắt được sản lượng lớn trong những đợt ra khơi.
Mặc dù có giá trị dinh dưỡng cao, tuy nhiên, do xương nhiều, các món chế biến từ loại cá này khá đơn giản, thậm chí phần nhiều ngư dân sẽ bán đổ cho các cơ sở sản xuất làm thức ăn chăn nuôi. Vì vậy, cá trích còn được người dân vùng biển gọi là “cá nhà nghèo”.
Chế biến các sản phẩm từ cá trích |
Sống ở vùng biển Nam Ô, lại từng học qua về dinh dưỡng, chị Võ Thị Hạnh Dung (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) - Giám đốc Hợp tác xã thực phẩm xanh 43Foods thấy “tiếc rẻ” khi giá trị của cá trích chưa được khai thác. Từ ý nghĩ tạo ra sản phẩm để “đánh thức” tiềm năng, nâng tầm giá trị cho cá trích, chị Dung đã mày mò tạo ra các sản phẩm từ cá trích, ban đầu là dăm bông, sau đó là hạt nêm, nước mắm từ cá trích. “Ban đầu mình làm dăm bông cho con thì được các bé hào hứng khen ngon. Nên mình nhen nhóm ý tưởng sẽ khởi nghiệp với dăm bông cá trích. Sau nhiều lần điều chỉnh cách chế biến, gia vị dần dần sản phẩm cũng thành hình. Khi đưa ra thị trường test thử thì nhận được phản hồi tích cực của người tiêu dùng nên mình đã quyết định thương mại hóa sản phẩm”, chị Dung chia sẻ.
Chị Dũng cho biết, sau khi làm dăm bông, phần xương còn rất nhiều, nếu bán như dạng phế phẩm thì sẽ rất lãng phí, vì vậy, chị tiếp tục mày mò, lấy phần thịt có xương của cá trích, kết hợp với rau củ thành sản phẩm hạt nêm rau củ. Và cuối cùng còn dư nguyên liệu xương thì lại tiếp tục ủ làm mắm. Với 3 sản phẩm trên đã cơ bản tận dụng gần như 100% nguyên liêu đầu vào là cá trích, mang lại giá trị gia tăng cao hơn rất nhiều lần so với bán thô cá chưa qua chế biến. Đồng thời, Hợp tác xã thực phẩm xanh 43Foods ra đời từ đó.
Gắn xây dựng thương hiệu với phát triển bền vững
Thường xuyên theo dõi thông tin, chị Dung xác định để khởi nghiệp bền vững và xây dựng được thương hiệu ngoài chất lượng thì sản phẩm phải đi theo xu hướng xanh, phát triển bền vững. Vì vậy, các hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị đều ưu tiên, tính đến vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Hiện nay, 43Foods đang bao tiêu cho 27 hộ dân đánh bắt thuỷ hải sản chuyên về cá trích. Ngoài mùa cao điểm khai thác cá trích (từ tháng 1 đến tháng 7 hàng năm), còn lại là mùa cá sinh sản, vì vậy, chị Dung và ngư dân cũng cam kết không đánh bắt, thu mua cá trích trong thời gian mùa sinh sản nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Để không gây ô nhiễm môi trường, nước thải trong quá trình chế biến cá sẽ được Hợp tác xã dùng công nghệ vi sinh để xử lý thành phân bón, sử dụng để bón cho rau. Ngoài ra, đơn vị còn tính đến lắp đặt điện mặt trời (tự sản, tự tiêu) để sử dụng nguồn năng lượng sạch.
Các sản phẩm từ cá trích của Hợp tác xã thực phẩm xanh 43Foods được hỗ trợ quảng bá, giới thiệu ở nhiều hội chợ, chương trình hội nghị |
Tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại do Sở Công Thương Đà Nẵng, và địa phương tổ chức, cùng với việc chú trọng hoàn thiện đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn, quy định về an toàn thực phẩm, cũng như đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho thương hiệu 43Foods, đến nay, các sản phẩm của Hợp tác xã thực phẩm xanh 43Foods đã có mặt ở nhiều tỉnh thành trên cả nước với khoảng 200 điểm phân phối. Trung bình mỗi năm, cơ sở sẽ tiêu thụ khoảng 150 tấn cá nguyên liệu, sản lượng sản phẩm đầu ra cung ứng cho thị trường khoảng 11.000 hũ hạt nêm, dăm bông, nước mắm.
Ngoài ra, chị Dung còn cùng với các hộ sản xuất mắm tại làng nghề nước mắn Nam Ô tích cực tham gia các hoạt động gắn sản xuất nước mắm với phát triển du lịch, từ đó, dần định danh thương hiệu từ cá trích đồng thời góp phần tích cực vào giữ gìn, phát huy giá trị làng nghề truyền thống gắn với phát triển bền vững.