Thứ sáu 08/11/2024 16:42

Xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam tại Australia: Phải bắt nguồn từ...lòng yêu nước

Xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam tại thị trường Australia luôn là câu chuyện thú vị, có những câu chuyện thành công và cũng không ít những lần thất bại.
Xuất khẩu sang Anh: Giải "bài toán" thương hiệu để nâng cao thị phần Chiến lược tiếp cận thị trường và xây dựng thương hiệu thủy sản tại Vương quốc Anh Gạo Việt, xây dựng thương hiệu bằng chất lượng

Australia hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực châu Đại Dương và cũng là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đến châu Đại Dương, với tỷ trọng lên tới 88%.

Ông Nguyễn Phú Hòa - Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn của Australia trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Với lợi thế cùng là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, như: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… năm 2024 hoạt động xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường này đã tăng trưởng tích cực.

Xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam tại Australia: Phải bắt nguồn từ...lòng yêu nước
Trong 7 tháng năm 2024, xuất khẩu Việt Nam sang Australia đạt 3,76 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ. Ảnh minh họa

Số liệu thống kê từ Thương vụ cho biết, trong 7 tháng năm 2024, xuất khẩu Việt Nam sang Australia đạt 3,76 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ; nhập khẩu Việt Nam từ Australia đạt 4,47 tỷ USD, giảm 10,9% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 8,23 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ.

Từ những số liệu trên, Thương vụ cho rằng, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Australia đã phục hồi tích cực. Đặc biệt xuất khẩu của Việt Nam sang Australia tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ khi ghi nhận mức tăng 44% trong tháng 7/2024 và 32,1% trong 7 tháng năm 2024, đóng góp quan trọng trong đà tăng của tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương. Mức tăng của xuất khẩu sang thị trường Australia thuộc top cao nhất trong các thị trường xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.

Tuy nhiên, theo Thương vụ, dù có nhiều lợi thế (hai bên cùng tham gia vào các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, có lợi thế về các tuyến vận tải thương mại bằng đường thủy và đường hàng không...), song trong những năm qua, xuất khẩu hàng hóa, nhất là những mặt hàng nông sản sang thị trường này còn nhiều hạn chế. Một trong những nguyên nhân là do, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước chưa chú trọng, cũng như chưa hợp lực để xây dựng thương hiệu ngành hàng, sản phẩm chủ lực cũng như thương hiệu doanh nghiệp.

Xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam tại Australia: Phải bắt nguồn từ...lòng yêu nước
Khu gian hàng “Hanoi - Vietnam” tại Hội chợ Foodservice Australia năm 2024

Ông Nguyễn Phú Hòa chia sẻ, xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam tại thị trường nước ngoài luôn là câu chuyện thú vị, trong đó có những câu chuyện thành công và cũng không ít những câu chuyện thất bại. Tại thị trường Australia cũng vậy, với lòng tự hào dân tộc, những năm qua Thương vụ đã cùng các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đã và đang hàng ngày nỗ lực xây dựng thương hiệu ngành hàng, sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường này.

Australia là thị trường có tiêu chuẩn chất lượng cao, người tiêu dùng có sự quan tâm sâu sắc về các sản phẩm nhập khẩu. Quy định tại Australia được thiết kế hết sức rõ ràng, chi tiết (như: Thương hiệu do người Australia sở hữu, bao nhiêu phần trăm nguyên liệu sản phẩm tại Australia...) để người tiêu dùng tại đây có thể tự hào về các thương hiệu trong nước. Có thể nói cách thức này “hết sức tinh” để bảo vệ và nâng cao lòng tự hào sản xuất trong nước.

Nắm bắt xu hướng tiêu dùng này, để hàng Việt Nam “chắc chân” tại thị trường Australia, từ năm 2020 Thương vụ Việt Nam Australia đã khảo sát thực trạng xây dựng thương hiệu Việt tại thị trường này. Qua khảo sát, Thương vụ nhận thấy rằng, đối với sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm công nghiệp vốn gắn với thương hiệu của doanh nghiệp, tuy nhiên các doanh nghiệp chưa có sự đoàn kết để cùng nhau xây dựng thương hiệu quốc gia.

Hay đối với nông sản tươi và sơ chế, qua khảo sát, Thương vụ nhận thấy, hiện trạng không có thương hiệu dẫn đến không ai chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm. Ví dụ: Quả tươi xuất bán theo cân (kg) không thương hiệu; nhiều lúc do khách quan, thuyền tàu đến trễ làm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa... Chưa kể, thiết kế thương hiệu, bao bì và giá trị sản phẩm còn mang tính chủ quan, trong nước; chưa khảo sát, nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng tại nước sở tại.

“Chính những lý do trên đã cản trở hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Australia” - Thương vụ nhận định và cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu, gia tăng thị phần hàng hóa, một trong những giải pháp hàng đầu là đoàn kết xây dựng thương hiệu, uy tín của từng sản phẩm, ngành hàng, doanh nghiệp, từ đó xây dựng thương hiệu quốc gia.

Xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam tại Australia: Phải bắt nguồn từ...lòng yêu nước
Thương vụ kết nối để đưa gạo, sản phẩm hàng hóa Việt vào các vùng sâu, xa của Australia như tận vùng lãnh thổ phía Bắc của Australia, cách Sydney đến 6h bay

Như với mặt hàng gạo, nếu như năm 2019, người tiêu dùng Australia chỉ biết đến các sản phẩm gạo Thái Lan. Thậm chí, trong chuyến khảo sát của Thương vụ vào năm 2019, các cán bộ Thương vụ cảm thấy chạnh lòng, trong khi Việt Nam là một cường quốc về xuất khẩu gạo thì tại Australia, khi tổ chức các chương trình thiện nguyện cho kiều bào Việt, người Việt Nam phải bỏ tiền của người Việt để mua gạo Thái Lan tặng lại người Việt.

Khắc phục tình trạng này, năm 2019 tại Philippines, thương hiệu gạo ST25 của Việt Nam đã đạt giải Nhất gạo ngon nhất thế giới. Tận dụng thời cơ, cơ hội, Thương vụ Việt Nam tại Australia đã đồng loạt triển khai các chương trình quảng bá giới thiệu gạo ST25 tại Australia dù lúc đó thương hiệu gạo này chưa xuất khẩu sang Australia.

Nhưng chính sự vào cuộc kịp thời đó, Thương vụ đã thúc đẩy nhiều nhà nhập khẩu tại Australia tìm hiểu, quan tâm nhập khẩu gạo ST25. Ngay sau đó, để gia tăng thị phần cho gạo Việt Nam tại thị trường này, Thương vụ đã triển khai loạt các sự kiện lớn về dùng thử gạo ST25 và các loại gạo khác của Việt Nam tại thành phố Sydney cũng như tại các bang xa.

Ngoài ra, Thương vụ cũng tự kết nối để đưa gạo Việt vào các vùng sâu, xa của Australia như tận vùng lãnh thổ phía Bắc của Australia, cách Sydney đến 6h bay. Với những nỗ lực chưa từng có của Thương vụ cũng như sự cố gắng đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu, hiện nay, gạo Việt Nam với đủ loại nhãn hiệu đã được phổ biến tại Australia.

Không chỉ dừng lại ở việc quảng bá, xây dựng thương hiệu gạo tại thị trường Australia mà cơ quan Thương vụ cũng đã nỗ lực bảo vệ thương hiệu gạo ST 25 tại thị trường này. Khi xảy ra câu chuyện nhãn hiệu ST25 bị đánh cắp, dù có nhiều ý kiến đây là tên giống lúa, đồng thời là tài sản doanh nghiệp, doanh nghiệp phải bỏ chi phí để bảo vệ, tuy nhiên, Thương vụ đã chủ động vào cuộc làm việc mạnh mẽ với các Cơ quan chức năng bên phía Australia, cũng như chủ động với công ty, doanh nghiệp đã đăng ký thương hiệu ST25 và thông tin rộng rãi tại thị trường này.

“Việc bảo vệ thành công thương hiệu gạo ST25 tại thị trường Australia không chỉ giúp bảo vệ ngành hàng xuất khẩu trong nước mà còn tạo ra cơ hội giúp thương hiệu gạo ST25 phổ biến hơn tại thị trường này” - ông Nguyễn Phú Hòa thông tin và cho biết, câu chuyện xây dựng thương hiệu không chỉ dừng lại ở sản phẩm gạo ST25. Qua thành công của ST25, Thương vụ quảng bá slogan: “Việt Nam, vùng đất của gạo ngon nhất thế giới” để các giống gạo, nếp khác của Việt Nam đều được hưởng chung vị thế.

Không chỉ dừng lại ở mặt hàng gạo, câu chuyện xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam tại Australia còn bắt đầu với quả sầu riêng, quả dừa tươi, hay quả vải... Hành trình xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hàng hóa này là một câu chuyện dài, rất dài…

Báo Công Thương sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về các câu chuyện xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam tại Australia...

Tin khác

Phiên bản di động