Chủ nhật 27/04/2025 14:14

Tuyên Quang: Trợ lực thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển

Thời gian qua hoạt động khuyến công đã mang hiệu quả cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn Tuyên Quang trong việc thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Tuyên Quang: Chè Shan Khau Mút Thổ Bình được cấp chứng nhận hữu cơ Tuyên Quang: Sản phẩm gỗ, đồ nội thất chiếm lĩnh thị trường Tuyên Quang: Xây dựng thương hiệu cho nông sản

Hỗ trợ các cơ sở tiếp cận nguồn vốn khuyến công

Năm 2024, hoạt động khuyến công tỉnh Tuyên Quang đã bám sát mục tiêu, kế hoạch của chương trình và được cụ thể hoá bằng các đề án có quy mô, chất lượng ngày càng được nâng cao với các nội dung hỗ trợ đa dạng, tập trung trọng tâm, trọng điểm.

Phát triển công nghiệp hợp lý giữ vai trò đầu tàu phát triển kinh tế – xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây được xem là một trong những nhiệm vụ phát triển kinh tế được tỉnh Tuyên Quang quan tâm thực hiện trong nhiều năm qua. Từ những chính sách hỗ trợ thiết thực và kịp thời từ nguồn kinh phí khuyến công giúp phát triển công nghiệp ở khu vực nông thôn của địa phương có nhiều chuyển biến tích cực. Qua đó, từng bước đưa các doanh nghiệp nhỏ và vừa bắt nhịp với bối cảnh kinh tế hội nhập.

Tuyên Quang: Trợ lực thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển
Đoàn Công tác Sở Công Thương Tuyên Quang đến khảo sát và đánh giá sản phẩm tại HTX. Ảnh: Sở Công Thương Tuyên Quang

Để hỗ trợ các cơ sở được tiếp cận nguồn vốn khuyến công đầu tư mua sắm máy móc, đổi mới công nghệ trong sản xuất, tạo ra sản phẩm mới mang lại giá trị kinh tế cao, trong quá trình khảo sát, xây dựng kế hoạch, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp - Sở Công Thương Tuyên Quang luôn phối hợp chặt chẽ với Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, thành phố, bám sát những định hướng hỗ trợ trọng tâm, rà soát đúng đối tượng để tránh lãng phí nguồn lực, ưu tiên lựa chọn những đề án có sức lan tỏa. Từ đó, định hướng, giúp các cơ sở có hướng phát triển lâu dài, tăng tính hiệu quả.

Thông qua hoạt động khuyến công, nhiều doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư kinh phí để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, tạo thêm việc làm mới cho lao động nông thôn.

Theo ông Đỗ Thanh Kim, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Bình Minh, được Trung tâm Khuyến công Tuyên Quang hỗ trợ 100 triệu đồng, HTX đã đầu tư lắp đặt máy đóng gói trà túi lọc 5 trong 1 ứng dụng vào sản xuất trà túi lọc từ các loại dược liệu như trà ổi, trà hạt đậu đen, trà cà gai leo…

Từ khi dây chuyền đi vào hoạt động đã đảm bảo công suất 15 - 20 tấn nguyên liệu/năm, doanh thu khoảng 7 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 15 lao động với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng, đồng thời tạo việc làm cho nhiều hộ gia đình trồng đậu đen, ổi, đu đủ và một số cây dược liệu tại địa phương. Thông qua chương trình khuyến công đã giúp Hợp tác xã bớt đi một phần khó khăn về tài chính, có thêm niềm tin và động lực để tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất.

Việc ứng dụng công nghệ của dây chuyền thiết bị hiện đại đã tạo nên các sản phẩm có chất lượng cao, khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Bình Minh đã có 4 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm Chương trình OCOP huyện Yên Sơn năm 2023, đạt hạng 3 sao. Trong đó, sản phẩm Trà ổi, Hoa đu đủ đực ngâm mật ong của Hợp tác xã là 2 trong 6 sản phẩm OCOP của Tuyên Quang vừa được xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh...

Đòn bẩy giúp doanh nghiệp cơ khí tăng năng suất

Liên quan đến lĩnh vực cơ khí, thực tế đầu tư cho cơ khí đòi hỏi nguồn vốn lớn, lãi suất dài hạn, trong khi lãi suất của ngành cơ khí không cao. Do vậy, hầu hết các doanh nghiệp cơ khí rất khó tiếp cận được các nguồn vốn.

Tuyên Quang: Trợ lực thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển
Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Tuyên Quang nghiệm thu đề án khuyến công địa phương năm 2024.(Sở CTTQ)

Chương trình khuyến công hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí không chỉ về nguồn vốn đầu tư máy móc hiện đại, mà còn tạo động lực đổi mới sáng tạo, thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh. Đây là một trong những đề án tại Tuyên quang được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2024, đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất, gia công cơ khí” do Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh triển khai tại Công ty TNHH Quảng Lâm, tổ 8, phường Phan Thiết (TP. Tuyên Quang) đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Công ty TNHH Quảng Lâm thành lập năm 2010, Công ty chủ yếu sản xuất các mặt hàng cửa nhôm hệ cao cấp, cửa nhôm kính, tủ, trạn nhôm và các sản phẩm gia công từ nhôm, sắt, inox… Trước đây, Công ty gia công sản xuất sản phẩm với quy mô nhỏ, các công đoạn chủ yếu thực hiện bằng tay khiến năng suất thấp song giá thành sản phẩm lại cao. Công ty khó thực hiện được các đơn hàng từ những công trình lớn.

Ông Vũ Tiến Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Quảng Lâm cho biết, với sự phát triển của công nghệ và nhu cầu của thị trường đòi hỏi đơn vị phải đổi mới máy móc, thiết bị mới để đáp ứng các đơn hàng lớn, có tính thẩm mỹ cao. Năm 2024, Công ty đã mạnh dạn đầu tư hơn 285 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công hỗ trợ 100 triệu đồng để mua 1 số máy móc mới như: máy hàn laser, máy cắt kim loại. Việc hỗ trợ kinh phí đầu tư máy từ chương trình khuyến công thực sự có ý nghĩa, giúp doanh nghiệp bớt đi một phần khó khăn về tài chính, có thêm niềm tin và động lực để tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất. Qua đó, từng bước khẳng định giá trị sản phẩm, trở thành đối tác tin cậy và nhận được sự tín nhiệm cao của khách hàng trong và ngoài tỉnh.

“Sau khi công ty đưa máy móc mới vào sản xuất giúp năng suất tăng lên nhiều lần. So với phương pháp hàn truyền thống thì máy hàn laser không gây ảnh hưởng tiêu cực đến vùng hàn xung quanh, làm giảm nguy cơ biến dạng của sản phẩm; giúp tùy chỉnh quá trình hàn phù hợp với từng ứng dụng và loại vật liệu. Nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại nên quá trình sản xuất giúp tiêu thụ năng lượng thấp, bảo vệ môi trường, không sản sinh ra những chất thải độc hại, ông Dũng nhấn mạnh.

Đại diện Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Tuyên Quang chia sẻ: Việc hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất, gia công cơ khí tại các cơ sở công nghiệp nông thôn góp phần vào việc chuyển dịnh cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông lâm nghiệp. Đây thực sự là nguồn tiếp sức quan trọng giúp các cơ sở, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tự tin đổi mới, phát triển; làm chủ máy móc, công nghệ, nâng cao tay nghề cho lao động.

Trong thời gian tới, để công tác khuyến công địa phương ngày càng hiệu quả hơn, Trung tâm Khuyến công Tuyên Quang sẽ tiếp tục đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả Chương trình Khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm; hỗ trợ ngành nghề, sản phẩm có khả năng, triển vọng phát triển; thường xuyên nắm bắt, khảo sát nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp, cơ sở, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc để đề xuất tháo gỡ.

Năm 2025, Tuyên Quang sẽ tiếp tục đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả chương trình khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm; tập trung hỗ trợ ngành nghề, sản phẩm có khả năng, triển vọng phát triển. Từ đó tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động, thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển và gia tăng giá trị sản xuất.

Tin khác

Phiên bản di động