Bưởi Tân Triều – Giá trị đặc sản nổi tiếng của quê hương Đồng Nai Phở chua xứ Lạng - đặc sản nức tiếng |
Nghề làm tương đã trở thành nghề truyền thống ở xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây.
Ngọt thơm tương nếp Úc Kỳ
Đã từ lâu, nghề làm tương giống như một nếp văn hóa đẹp, trở thành một nghề truyền thống của người dân Úc Kỳ. Không có tài liệu nào ghi chép rõ ràng về sự ra đời của nghề làm tương Úc Kỳ, nhưng theo các cụ cao niên trong xã, tương nếp Úc Kỳ cũng đã có tuổi đời lên đến hàng trăm năm.
Những người làm nghề nơi đây cho biết, điểm đặc biệt tạo nên thương hiệu của tương nếp Úc Kỳ chính là vị ngọt và hương thơm của tương. Tương nếp Úc Kỳ mang vị ngọt, thanh tự nhiên bởi những công đoạn trong quá trình sản xuất của người dân nơi đây cũng lắm công phu và vô cùng tỉ mỉ.
Xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình, Thái Nguyên nổi tiếng với nghề làm tương |
Nguyên liệu để làm ra một mẻ tương ngon bao gồm gạo nếp Thầu Dầu, đỗ tương và muối trắng tinh khiết. Nhắc đến gạo nếp Thầu Dầu, từ lâu, gạo nếp Thầu Dầu đã trở thành đặc sản mà thiên nhiên ban tặng cho các vùng đất ven sông Cầu của huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Gạo nếp Thầu Dầu có hương vị thuần khiết, dẻo thơm đặc trưng. Cũng vì lẽ đó mà nhiều thực khách cho rằng, do được làm từ gạo nếp Thầu Dầu nên tương nếp Úc Kỳ mới nhuyễn đặc như mật, đậm đà và ngọt thanh đến vậy.
Đỗ tương được chọn phải là loại ngon, hạt to, tròn đều, dậy mùi béo ngậy |
Đưa đôi bàn tay mân mê, tỉ mỉ lựa chọn từng hạt đỗ tương, bà Dương Thị Mão (xóm Ngoài, xã Úc Kỳ) chia sẻ, để làm ra một mẻ tương ngon, chất lượng đỗ tương là vô cùng quan trọng. “Đỗ tương phải là những hạt đỗ mới, không bị nấm mốc, trên bề mặt không xuất hiện những đốm bất thường. Hạt đỗ phải có màu trắng ngà, kích thước đồng đều, không pha tạp những hạt bị hư hoặc có màu lạ. Bên cạnh đó, một hạt đỗ tương đủ tiêu chuẩn phải có phần vỏ chưa bị nứt, không có dấu hiệu nảy mầm, tỏa hương thơm dịu dàng, béo ngậy”, bà Mão cho biết.
Nếu lựa chọn nguyên liệu phải kỹ càng, cẩn thận bao nhiêu thì các công đoạn sản xuất tương cũng yêu cầu người làm nghề phải tỉ mỉ, công phu bấy nhiêu.
Trong thời gian ủ tương, người làm tương phải dùng gậy tre sạch quấy đều từ 2-3 lần/ngày để cho đỗ, mốc quyện vào nhau |
Chị Dương Thị Hương (xóm Nam 1, xã Úc Kỳ) cho biết, đối với gạo nếp Thầu Dầu, sau khi ngâm, vo sạch thì được đem đồ thành xôi nếp. Xôi nếp được nấu chín đều, không khô, sau đó được trải ra nia sạch, phơi và đảo đều hàng ngày cho đến khi lên mốc có màu vàng hoa cau. “Đối với đỗ tương, sau khi rang chín thơm thì xay vỡ, ngâm cùng nước muối trong chum sành khoảng 12 đến 15 ngày. Sau khoảng thời gian ngâm, nếu nếm thử hỗn hợp đỗ tương ngâm muối có vị ngọt thì tiến hành trộn lẫn với gạo lên mốc hoa cau và ủ kín trong vòng 1 tháng. Chum vại tương phải để giữa sân nắng và hàng ngày cần đảo đều để đỗ và mốc quyện vào nhau. Công đoạn này nhằm cho tương sánh mịn và đều màu. Sau khi đảo tương hàng ngày thì phải che đậy kín miệng chum để tương giữ được vị thơm và đảm bảo vệ sinh”, chị Hương chia sẻ.
Theo người dân Úc Kỳ quan việc ủ trong chum sành sẽ khiến tương nếp ngon hơn |
Theo người dân xã Úc Kỳ, kinh nghiệm từ thời xa xưa truyền lại rằng tương ngon nhất phải là tương được đựng trong chum sành. Vì vậy, người làm tương ở Úc Kỳ rất chú trọng trong việc chọn lựa những chiếc chum chất lượng ở các địa phương nổi tiếng như làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), làng gốm Thổ Hà (Bắc Giang),...
Tương nếp Úc Kỳ là thứ gia vị không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của người dân địa phương, tương có thể sử dụng để chấm trực tiếp cho nhiều món ăn khác nhau hoặc dùng để chế biến các món kho, nấu.
Chắp cánh thương hiệu tương nếp Úc Kỳ vươn xa
Theo thời gian, tương nếp Úc Kỳ đã trở thành một đặc sản và tạo dựng được thương hiệu trên thị trường. Chất lượng tương nếp ngày càng được khẳng định và được nhiều người biết đến.
Ông Dương Văn Đây (xóm Ngoài, xã Úc Kỳ) chia sẻ: “Nhiều người mua thử một lần, ăn thấy ngon và giới thiệu cho người khác. Không chỉ là đặc sản được ưa chuộng tại địa phương, tương nếp Úc Kỳ còn được khách hàng ở một số tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang đặt mua. Kinh doanh tương nếp Úc Kỳ giúp gia đình tôi có thêm thu nhập 5-6 triệu đồng mỗi tháng”.
Những công đoạn trong quá trình sản xuất tương đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận |
Trên địa bàn xã Úc Kỳ hiện có hơn 200 hộ sản xuất, kinh doanh tương nếp. Theo ước tính, với giá bán bình quân 25-30 nghìn đồng/lít tương, mỗi hộ sản xuất tại Làng nghề truyền thống tương nếp xã Úc Kỳ thu lãi khoảng 100 triệu đồng/năm.
Ngày 22/4/2021, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã ban hành Quyết định số 31829/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy Chứng nhận Đăng ký Nhãn hiệu tập thể số 385161 “Tương Úc Kỳ đậm đà vị quê hương” cho Hội Nông dân huyện Phú Bình. Nhãn hiệu được bảo hộ tập thể, nằm trong danh mục hàng hóa nhóm 30: Nước tương (gia vị), tương đậu nành truyền thống; nhóm 35: Mua bán (kinh doanh) nước tương (gia vị), tương đậu nành truyền thống,…
Việc tương nếp Úc Kỳ được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể đã giúp cho sản phẩm này được vươn rộng ra thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người làm tương ở xã Úc Kỳ, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương.
Tương nếp Úc Kỳ nhuyễn đặc như mật, đậm đà, ngọt thanh |
Ông Dương Văn Hiên – Phó Chủ tịch UBND xã Úc Kỳ cho biết, năm 2022, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hồng Kỳ (địa chỉ: xóm Ngoài, xã Úc Kỳ) có 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, trong đó có tương Úc Kỳ.
“Nghề làm tương đã tạo việc làm ổn định và đem lại nguồn thu nhập cho nhiều người lao động trên địa bàn xã, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như diện mạo nông thôn mới tại địa phương. Thời gian tới, UBND xã Úc Kỳ sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, hỗ trợ người làm tương mở rộng sản xuất, chắp cánh cho thương hiệu tương nếp Úc Kỳ vươn xa”, ông Hiên nhấn mạnh khi giới thiệu về nghề làm tương và sản phẩm tương Úc Kỳ của địa phương.