Khí cười tràn lan, TP. Hồ Chí Minh có chỉ đạo khẩn Nhiều giám đốc doanh nghiệp người nước ngoài bị tạm hoãn xuất cảnh TP. Hồ Chí Minh: Dừng thủ tục hải quan 15 doanh nghiệp |
Theo nguồn tin của Báo Công Thương, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh vừa tiến hành tiêu hủy 24.826 đơn vị sản phẩm vi phạm với tổng trị giá hơn 14 tỷ đồng tại trạm xử lý rác thải của Công ty TNHH Sản xuất Dịch vụ Thương mại Môi Trường Xanh (Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh).
Hoạt động tiêu hủy được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, bao gồm Đội Quản lý thị trường số 3, đại diện Công ty TNHH Sản xuất Dịch vụ Thương mại Môi Trường Xanh và đại diện của các chủ hàng hóa vi phạm.
![]() |
Hàng hóa được tập kết để đưa vào tiêu hủy. Ảnh: Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh |
Toàn bộ sản phẩm đã được tập trung tại kho của Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh trước khi vận chuyển bằng xe chuyên dụng đến trạm xử lý. Phương pháp tiêu hủy được áp dụng là xay nát và làm mất hình dạng ban đầu của sản phẩm nhằm đảm bảo chúng không thể tái sử dụng hoặc quay lại lưu thông trên thị trường.
Trong đợt tiêu hủy lần này, các sản phẩm vi phạm bao gồm 15.798 đơn vị thuốc tân dược với tổng trị giá hơn 8,5 tỷ đồng, 6.637 chai rượu ngoại nhập lậu trị giá hơn 6 tỷ đồng, cùng nhiều loại hàng hóa khác. Các sản phẩm này không chỉ vi phạm quy định pháp luật về nguồn gốc xuất xứ mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe của người tiêu dùng.
![]() |
Nhân viên đang tiến hành xử lý tiêu hủy rượu ngoại nhập lậu. Ảnh: Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh |
Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng và doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Việc tiêu hủy lượng lớn hàng hóa vi phạm lần này là minh chứng cho sự quyết tâm của Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và hỗ trợ các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính.
Hoạt động này không chỉ giúp tăng cường tính răn đe đối với các đối tượng vi phạm mà còn củng cố niềm tin của các doanh nghiệp đối với cơ quan thực thi pháp luật. Qua đó, các cơ quan chức năng không ngừng khẳng định vai trò quan trọng trong việc đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và tạo động lực phát triển bền vững.