Thư chúc mừng của Bộ trưởng Bộ Công Thương nhân Ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4/2008 – 20/4/2024)Bảo vệ thương hiệu góp phần phát triển kinh tế sáng tạo
|
Thấm thoắt mà đã qua hơn 20 năm Chính phủ giao Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia và cũng gần ấy năm diễn ra ngày Thương hiệu Việt Nam.
Khoảng thời gian tuy chưa dài lắm nhưng cũng đủ để vun đầy những nhận thức, tầm nhìn để xây dựng hình ảnh Việt Nam, thương hiệu Việt Nam từ địa hạt kinh tế. Đó cũng là khoảng thời gian mà cách làm thương hiệu của doanh nghiệp chúng ta ngày một chuyên nghiệp hơn cả ở thị trường trong nước lẫn những thị trường hải ngoại gần xa.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu Khai mạc Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2024 |
Khi liên tưởng đến hình ảnh thương hiệu quốc gia, người ta luôn liên tưởng đến những biểu tượng, những hình ảnh hữu hình và vô hình. Biểu tượng hữu hình phổ biến nhất đó là sản phẩm của một quốc gia, biểu tượng vô hình phổ biến là những hình ảnh về đặc tính dân tộc của dân tộc đó.
Mỗi một thương hiệu sản phẩm đều có nguồn gốc từ một quốc gia và mỗi một quốc gia có sản xuất và sở hữu nhiều thương hiệu sản phẩm. Do đó, cũng giống như thương hiệu, đối với thương hiệu quốc gia, luôn có hai dòng giá trị luân chuyển; đó là quốc gia đem đến uy tín cho sản phẩm và sản phẩm mang lại uy tín cho quốc gia.
Trong một ngày đẹp trời của nền kinh tế như ngày Thương hiệu Việt Nam, có thể khẳng định Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã và đang đạt được những thành quả tích cực, thu hút được sự quan tâm đặc biệt và tạo được uy tín đối với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Giữa những thành quả ấy, nổi bật là Chương trình luôn đồng hành hỗ trợ địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp phát triển thương hiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ với chất lượng cao, tăng niềm tự hào, sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy nhận thức mối quan hệ mật thiết giữa thương hiệu quốc gia với thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cây thương hiệu Việt Nam vì thế mà ngày thêm bén rễ, nảy những trái ngọt thương hiệu ngày một đậm đà, tươi nguyên hương vị xứ sở, đưa người tiêu dùng, doanh nghiệp bốn phương gần lại với kinh tế Việt Nam. Giữa những xao động, rồi cả biến động của môi trường địa chính trị thế giới, những thương hiệu Việt vẫn vươn xa, lan toả hình ảnh một quốc gia thân thiện, có trách nhiệm, một nền kinh tế năng động đang khao khát thị trường, một điểm đến cùng thắng cho các thương hiệu thế giới.
Những con số có thể nói lên nhiều điều hơn chúng ta mong đợi. Đánh giá của Tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới – Brand Finance cho thấy thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% trong giai đoạn từ năm 2019-2023. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2023 đạt 498,13 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2022 và liên tục tăng trưởng 2 con số trong 5 năm qua, xếp thứ 33 trong top 121 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới được xếp hạng. Nên nhớ năm 2016 các con số tương ứng này chỉ là 141 tỷ USD và thứ 50.
Với Chương trình Thương hiệu quốc gia, người nông dân trên ruộng đồng, trang trại hôm nay không còn chỉ nuôi giấc mơ đơn giản là cây con của mình chỉ bán được chợ nhà mà còn nghĩ đến, hành động cho việc có thể bán được ở chợ nước ngoài. Những doanh nghiệp trong nước đang dồn tâm lực, trí tuệ cho những sản phẩm dần gắn với dấu ấn "make in Việt Nam" trong niềm mong đợi của khách hàng xa.
Giá trị kinh tế lớn lao, giá trị nhân văn sâu sắc của Chương trình Thương hiệu quốc gia là đã hội tụ sâu sắc tinh thần phát triển kinh tế, tạo động lực đích thực để chung tay tạo dựng một hình ảnh Việt Nam đầy sức hấp dẫn, đầy cạnh tranh khi cùng các nền kinh tế thế giới dấn bước vào lộ trình đi sâu tăng trưởng cũng như mở ra cánh cửa cho phát triển xanh.
Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 từ ngày 15 - 21/4/2024 |
Năm nay chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam tập trung cho một chủ đề vừa mang tính thời sự, vừa mang tính lâu dài mới đó là “Nâng tầm những giá trị cốt lõi”. Nâng tầm những giá trị cốt lõi không chỉ là việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế, mà còn là việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp, xây dựng xã hội công bằng và phát triển bền vững.
Trong thời đại của sự thay đổi nhanh chóng, cạnh tranh ngày càng gay gắt với sự hỗ trợ của công nghệ, của trí tuệ nhân tạo, những giá trị cốt lõi càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Chúng là những nguyên tắc không thể thay đổi, là kim chỉ nam cho hành động của chúng ta và là nền tảng để chúng ta xây dựng, phát triển thương hiệu của từng doanh nghiệp, từng địa phương nói riêng và cả quốc gia nói chung.
Đó cũng là nét đặc biệt mang tính khởi đầu mới cho những nỗ lực, tầm nhìn để cho những thương hiệu Việt Nam ngày càng vững chắc hơn, lan toả sâu sắc, rộng rãi hơn. Lan toả không phải để có mặt, để góp vui mà để khẳng định một giá trị Việt Nam với những bạn bè mới, thị trường mới. Chúng ta cùng bạn bè, đối tác, thị trường cùng thắng. Quyền lợi quốc gia cũng vì thế mà thêm những biên giới mới.
Việt Nam đang hướng tới mục tiêu cho 2030 với trên 1.000 sản phẩm mang thương hiệu quốc gia. Để lan toả hơn nữa những thương hiệu quốc gia của Việt Nam mà cũng là những giá trị mang tính thông điệp sâu sắc về hình ảnh Việt Nam, trong vai trò chủ công thực hiện các chiến lược thương hiệu, Bộ Công Thương đã xác định rõ các hướng đi cho thời gian tới.
Đầu tiên và có thể nói quan trọng nhất là với tư tưởng xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm là trách nhiệm chung của toàn xã hội, không phải của một bộ, ngành, địa phương hay tổ chức nào, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư, để từ đó có sự quan tâm dành nguồn lực đầu tư xứng đáng.
Trên kinh nghiệm thực tiễn thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng cần tổ chức rà soát, tổng kết, đánh giá lại tình hình triển khai các chương trình, đề án phát triển thương hiệu sản phẩm để có những cập nhật phù hợp với bối cảnh mới.
Cũng không thể thiếu đi việc nâng cao năng lực xây dựng, phát triển thương hiệu cho các chủ thể liên quan về những vấn đề cốt lõi là theo định hướng sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, có tính đổi mới, sáng tạo và năng lực tiên phong trên thị trường; sản xuất sản phẩm phải đồng đều, ổn định và có tính bền vững; kinh doanh phải có văn hóa, đạo đức và uy tín.
Kinh nghiệm cũng cho thấy đi đôi với việc tăng giá trị xuất khẩu còn cần tập trung đẩy mạnh việc hỗ trợ đăng ký, bảo hộ thương hiệu và các hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở thị trường quốc tế, trong đó tập trung vào các thị trường xuất khẩu trọng điểm. Việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm muốn vững chắc cần được thực hiện đồng thời cả ở 3 câp độ: thương hiệu quốc gia, thương hiệu vùng miền, địa phương và thương hiệu doanh nghiệp.
Xây dựng thương hiệu quốc gia cần phải làm rõ được người ngoài nhìn nhận quốc gia đó như thế nào (hình ảnh quốc gia), bản thân quốc gia đó nhìn nhận mình như thế nào (nhận diện quốc gia), và quốc gia sẽ đem lại uy tín như thế nào đối với sản phẩm và sản phẩm đem lại uy tín như thế nào đối với quốc gia. Những yếu tố trên là cốt lõi để xây dựng, phát triển và quảng bá một thương hiệu quốc gia. |