Thứ năm 21/11/2024 20:29

Thương hiệu Quốc gia tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp

Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã từng bước xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam thông qua các sản phẩm, hàng hóa dịch vụ chất lượng...

Chương trình Thương hiệu Quốc gia là một Chương trình xúc tiến thương mại dài hạn của Chính phủ Việt Nam được tiến hành với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu của sản phẩm (hàng hóa và dịch vụ) gắn với 3 giá trị: “Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong” nhằm mục đích: Xây dựng và quảng bá hình ảnh Việt Nam là quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ đa dạng, phong phú với chất lượng cao; nâng cao sức cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế trong quá trình hội nhập; tăng cường sự nhận biết của các nhà phân phối và người tiêu dùng trong nước và nước ngoài đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam; tăng thêm uy tín, niềm tự hào và sức hấp dẫn cho đất nước và con người Việt Nam, góp phần khuyến khích du lịch và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam…

Thương hiệu Quốc gia: Giá trị hướng đến và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp
Thương hiệu Quốc gia giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh

Số lượng các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia tăng dần qua các thời kỳ, cụ thể như sau: Năm 2008: 30 doanh nghiệp; năm 2010: 43 doanh nghiệp; năm 2012: 54 doanh nghiệp; năm 2014: 63 doanh nghiệp; năm 2016: 88 doanh nghiệp. Năm 2018 là đợt tổ chức lựa chọn lần thứ 6, đã có 97 doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận đạt Thương hiệu quốc gia; năm 2020, Hội đồng Thương hiệu Quốc gia đã công nhận 124 doanh nghiệp với tổng số 283 sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam; năm 2022 Hội đồng Thương hiệu Quốc gia đã công nhận 172 doanh nghiệp với 325 sản phẩm đủ điều kiện là những đại diện tiêu biểu cho Thương hiệu Quốc gia Việt Nam.

Thương hiệu Quốc gia: Giá trị hướng đến và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp
Sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt ngày một tạo dựng được thương hiệu trên trường quốc tế

Có thể khẳng định, với sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhiều sản phẩm thương hiệu Việt đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế. Quan trọng hơn, các doamnh nghiệp đã quan tâm nhiều hơn đến câu chuyện thương hiệu, coi đó là “chìa khóa” để cạnh tranh thành công trong kinh doanh. Rõ ràng, sự lan tỏa của câu chuyện thương hiệu trong cộng đồng doanh nghiệp đã trở nên rõ nét hơn rất nhiều so với khi mới triển khai chương trình.

Thương hiệu Quốc gia: Giá trị hướng đến và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp
Doanh nghiệp luôn hướng đến có sản phẩm được công nhận Thương hiệu Quốc gia

Là chuyên gia của Chương trình trong nhiều năm qua, PGS, TS Nguyễn Quốc Thịnh nhận định: “Chương trình Thương hiệu Quốc gia đã thật sự đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, nhất là cộng đồng doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu… Chương trình cũng góp phần tạo dựng uy tín, tăng cường nhận biết đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt, tạo sự tin cậy, ưa thích của người tiêu dùng trên khắp thế giới đối với hàng hóa, dịch vụ và nhà sản xuất Việt Nam”.

Từ những giá trị mà Chương trình hướng đến, sự đồng hành, giám sát khi đánh giá sản phẩm, dịch vụ hàng hóa các doanh nghiệp của Ban Thư ký và Hội đồng các ban chuyên gia Chương trình Thương hiệu Quốc gia được tiến hành một cách khoa học, chặt chẽ và nghiêm túc theo quy trình xét chọn, việc lựa chọn doanh nghiệp rất chặt chẽ, dựa trên Bộ tiêu chí với tính khoa học cao.

Thương hiệu Quốc gia: Giá trị hướng đến và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp
Thương hiệu Quốc gia là bảo chứng của doanh nghiệp

Nói về việc xét công nhận doanh nghiệp Thương hiệu Quốc gia, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, Tổng Thư ký Ban Thư ký Chương trình Thương hiệu Quốc gia nhấn mạnh: “Đây không phải là giải thưởng Chính phủ trao cho doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia mà việc công nhận doanh nghiệp vào danh sách này chỉ là bước khởi đầu. Khi doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận là Thương hiệu Quốc gia sẽ được Chính phủ đồng hành trong việc quảng bá sản phẩm, thương hiệu ra thị trường trong nước cũng như quốc tế. Đồng thời, các doanh nghiệp này được hỗ trợ công tác tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực về xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu nhằm tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp”.

Nói về những định hướng cơ bản của Chương trình Thương hiệu Quốc gia trong giai đoạn mới, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết: Sẽ có sự gắn kết thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp với các hoạt động thu hút đầu tư, quảng bá văn hóa, du lịch, từ đó xây dựng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam trở thành hình ảnh tích cực, hấp dẫn và thu hút đối với các nhà nhập khẩu, các du khách, nhà đầu tư… trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tin khác

Phiên bản di động