Thứ sáu 25/04/2025 23:39

Thương hiệu quốc gia: Giá trị không chỉ ở những con số

Lợi ích thương hiệu quốc gia mang lại cho doanh nghiệp, sản phẩm không chỉ là con số doanh thu mà còn ở lòng tin với người tiêu dùng, tầm ảnh hưởng dài hạn.
Xây dựng thương hiệu quốc gia từ nội lực đổi mới Thương hiệu Việt sẽ tiếp tục vươn cao, vươn xa hơn Doanh nghiệp thương hiệu quốc gia kiên định giấc mơ đưa hàng Việt vươn ra thế giới

Hơn cả những con số

Trong thời đại toàn cầu hóa, thương hiệu không còn là khái niệm dành riêng cho sản phẩm – nó trở thành tài sản vô hình có giá trị lớn đối với doanh nghiệp, quốc gia.

Đặc biệt, thương hiệu quốc gia không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế qua những con số tăng trưởng xuất khẩu hay doanh thu mà còn là cách định vị vị thế, hình ảnh và niềm tin với người tiêu dùng.

Tại Lễ khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam và Diễn đàn Thương hiệu quốc gia 2025, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng nhấn mạnh, thương hiệu quốc gia là tài sản vô hình có giá trị chiến lược, phản ánh năng lực cạnh tranh tổng thể và vị thế của một quốc gia trong tiến trình hội nhập.

"Bởi ý nghĩa vô cùng quan trọng đó, trong những năm gần đây, với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ và sự đồng hành của doanh nghiệp, Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã có bước tiến ấn tượng", Thứ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ.

Nhìn vào danh sách các sản phẩm, doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2025 có thể thấy đó là những “cây cao bóng cả” có lịch sử phát triển lâu dài, tiên phong mạnh mẽ trong ứng dụng công nghệ và trách nhiệm với xã hội, cộng đồng.

Thương hiệu quốc gia: Giá trị không chỉ ở những con số
Bộ Công Thương tổ chức Khai mạc Ngày Thương hiệu Việt Nam 2025. Ảnh: Nhandan

Năm 2022, 5 sản phẩm của Công ty CP Đường Quảng Ngãi (QNS) đạt Thương hiệu quốc gia, gồm: Đường QNS, Nước khoáng Thạch Bích, Bánh kẹo Biscafun, Bia Dung Quất và Sữa đậu nành Vinasoy. Theo đại diện QNS, những năm qua, uy tín thương hiệu công ty và thương hiệu sản phẩm không ngừng được nâng lên.

Để đạt được những thành tựu trên là cả một quá trình phấn đấu của đội ngũ lãnh đạo và những người lao động trong doanh nghiệp. Trong đó bên cạnh đầu tư công nghệ mới, chủ động ứng phó với những biến động không ngừng của môi trường kinh doanh, từng bước nâng cao hiệu quả kinh doanh… thì doanh nghiệp đặc biệt đề cao phương châm ‘kinh doanh có trách nhiệm’.

Có thể thấy, thương hiệu quốc gia không chỉ là một chứng nhận mà còn là “bệ phóng mềm” cho các sản phẩm, dịch vụ vươn ra thị trường quốc tế. Giúp doanh nghiệp trong nước tiếp cận đối tác, nhà đầu tư, người tiêu dùng dễ dàng hơn. Tạo hiệu ứng lan tỏa về chất lượng, niềm tin và sự gắn kết giữa thương hiệu doanh nghiệp - thương hiệu quốc gia.

Là bệ phóng cho phát triển dài hạn

Thương hiệu quốc gia được các chuyên gia nhìn nhận là tài sản vô hình cũng vô giá. Bởi lẽ, niềm tin của người tiêu dùng toàn cầu đang ngày càng hướng về tính minh bạch, trách nhiệm xã hội và nguồn gốc sản phẩm. Người tiêu dùng tại những nước phát triển như châu Âu và Bắc Mỹ sẵn sàng trả giá cao hơn cho sản phẩm đến từ quốc gia có uy tín thương hiệu cao.

Trong bối cảnh đó, thương hiệu quốc gia đóng vai trò là “điểm tựa mềm” để doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh lành mạnh trên trường quốc tế. Đại tá, TS. Phạm Hồng Thanh - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Nam Định - Hà Nội từng cho rằng, chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà mỗi hành động kinh doanh, dù nhỏ nhất, đều để lại dấu vết. Không còn thời đại của những thương hiệu vô hình, những lựa chọn lặng lẽ mà không ai biết đến.

Rõ ràng, thương hiệu quốc gia không chỉ giúp doanh nghiệp định danh mà còn giúp giảm chi phí tiếp cận thị trường, đỡ vất vả trong khâu thuyết phục và xây dựng uy tín từ đầu. Đây là một lợi thế cạnh tranh lâu dài, khó định lượng nhưng vô cùng quan trọng.

Thương hiệu quốc gia theo đó tạo động lực cho doanh nghiệp không ngừng cải tiến, giữ gìn hình ảnh quốc gia thông qua chất lượng sản phẩm/dịch vụ. Cũng là nhân tố quan trọng góp phần hình thành hệ sinh thái kinh doanh minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Lợi ích của thương hiệu quốc gia đã được chỉ rõ, làm cách nào để đạt và giữ được “bệ phóng” này mới thực sự là điều khó.

Cách đây nhiều năm, từ khi xây dựng Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, đơn vị chủ trì đã lựa chọn “Chất lượng, Đổi mới sáng tạo và Năng lực tiên phong” là chìa khoá chính. Điều này phản ánh tư duy đi trước của đội ngũ chuyên gia cũng trở thành bản sắc của chương trình bao nhiêu năm qua.

Cho đến hôm nay, trong sự xoay vần của thế giới, đổi mới sáng tạo tiếp tục nổi lên như một yêu cầu tất yếu cho phát triển, cũng là yếu tố then chốt để tạo dựng nên thương hiệu mạnh và khác biệt trên thị trường toàn cầu.

Doanh nghiệp muốn tiên phong trên thị trường, tất yếu phải dựa trên nền tảng đổi mới, sáng tạo. Doanh nghiệp muốn duy trì chất lượng vượt trội cũng cần liên tục đổi mới công nghệ, cải tiến sản phẩm để nâng cao trải nghiệm của người tiêu dùng.

Nhìn vào những thương hiệu mạnh có thể thấy một điểm chung là không chỉ mạnh về quy mô kinh tế, tài nguyên dồi dào mà còn tập trung ở những sản phẩm có tính đột phá, đổi mới sáng tạo và luôn đưa ra những sản phẩm mới, giá trị mới để tạo dấu ấn riêng trên thị trường sản phẩm.

Chúng ta muốn xây dựng thương hiệu doanh nghiệp mạnh và thương hiệu quốc gia mạnh thì phải dựa vào đổi mới sáng tạo để làm chủ công nghệ, phát triển các sản phẩm mang bản sắc riêng của Việt Nam”, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Phó Trưởng ban Ban Thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam nêu.

Bên cạnh nỗ lực đổi mới sáng tạo, để đạt, duy trì và phát huy được tầm ảnh hưởng của thương hiệu quốc gia, các chuyên gia nhìn nhận, doanh nghiệp cần có ý thức tự xây dựng giá trị bền vững. Không thể trông chờ vào danh hiệu, cần đầu tư vào chất lượng, công nghệ, đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp.

Tự gắn kết với mục tiêu chung của đất nước, phát triển sản phẩm xanh, có trách nhiệm xã hội, phù hợp tiêu chuẩn toàn cầu. Chủ động xây dựng thương hiệu theo chuẩn quốc tế, lấy khách hàng làm trung tâm.

Năm 2024, giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 507 tỷ USD, xếp hạng 32 thế giới - tăng 1 bậc so với năm 2023. Đây là kết quả đáng tự hào, khẳng định hiệu quả của chính sách phát triển kinh tế và hội nhập sâu rộng mà Đảng và Nhà nước ta đã kiên định theo đuổi.

Tin khác

Phiên bản di động