Thành phố Huế: Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo Thành phố Huế bứt phá với hàng loạt dự án đầu tư Thành phố Huế: Kết nối du lịch ‘sống’ với làng nghề |
Chú trọng phát triển công nghiệp nông thôn bền vững
Thành phố Huế là địa phương gắn liền với tên những làng nghề, phố nghề và được biểu hiện bằng những sản phẩm thủ công truyền thống, với những nét độc đáo, tinh xảo, hoàn mỹ. Gắn với các nghề, làng nghề đó là những nghệ nhân giỏi, những người đã có công xây dựng, truyền nghề cho các thế hệ, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống cũng như việc lưu truyền các tác phẩm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị văn hóa đặc sắc.
![]() |
Nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn tại thành phố Huế được đầu tư chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì đẹp... thu hút người tiêu dùng |
Trong bối cảnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế và hội nhập quốc tế, thành phố Huế đang tập trung phát triển công nghiệp nông thôn theo hướng bền vững, hiện đại và gắn với bản sắc văn hóa địa phương. Mục tiêu là nâng cao giá trị sản phẩm, tạo việc làm ổn định và bảo vệ môi trường.
Thời gian qua, chính quyền thành phố đã triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nông thôn, đặc biệt là các cơ sở sản xuất nhỏ và vừa, thông qua nguồn vốn khuyến công. Việc đầu tư vào công nghệ mới giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Cụ thể, thông qua các vốn khuyến công trung ương và địa phương, hàng năm nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ nguồn vốn hàng tỷ đồng để đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại. Qua đó, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ như: Hợp tác xã như mây tre đan Bao La, đệm bàng Phò Trạch, hương sạch Tân Nguyên, dầu tràm Kim Vui, Công ty TNHH MTV Xây dựng La Thị, Hợp tác xã Nông nghiệp Xanh Narasa, cơ sở sản xuất mỳ lát, bánh canh khô Hồng Loan, Công ty TNHH SXTMDV Bạch Mã Herbals … Qua quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn tại thành phố Huế được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên và trên cả nước; sản phẩm OCOP đạt 3, 4 sao...
Với những hiệu quả mang lại, những năm gần đây, nhiều mô hình sản xuất quy mô vừa và nhỏ đã góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế vùng ven đô, đồng thời tạo sinh kế ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương.
Bên cạnh đó, một trong những định hướng lớn của thành phố Huế trong phát triển công nghiệp nông thôn là xây dựng các chuỗi giá trị bền vững, từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ. Tăng cường liên kết giữa các hộ sản xuất, doanh nghiệp vừa và nhỏ với các đơn vị phân phối trong và ngoài tỉnh. Trong đó rất nhiều sản phẩm như mứt gừng Kim Long, nước mắm Thủy Dương, trà sen Huế, trà cung đình Đức Phượng, rượu vang Bạch Mã … đã được chuẩn hóa bao bì, nhãn mác và đưa vào hệ thống siêu thị, sàn thương mại điện tử.
![]() |
Nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ nguồn vốn đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại mở rộng sản xuất kinh doanh |
Phát triển kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá
Trao đổi với Báo Công Thương, ông Hoàng Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Huế cho biết: Hiện nay công nghiệp nông thôn trên địa bàn thành phố đã và đang mang lại hiệu quả trên các mặt kinh tế xã hội. Thông qua hoạt động này đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, và thu hút nguồn lực trong các thành phần kinh tế để phát triển sản xuất hàng hóa ở nông thôn.
“Đồng thời, tạo ra khối lượng hàng hoá đa dạng, phong phú phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, đóng góp vào cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương. Ngoài ra, tạo công ăn việc làm, thu hút lao động nhàn rỗi và nâng cao thu nhập cho lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động khu vực nông thôn; phát triển ngành nghề tiêu thủ công nghiệp truyền thống góp phần vào việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hoá của dân tộc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới”, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Huế Hoàng Ngọc Sơn cho biết thêm.
Tuy vậy, dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng phát triển công nghiệp nông thôn ở thành phố Huế cũng đối mặt với khó khăn như quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu vốn và nhân lực trẻ. Để khắc phục, địa phương đã đề ra các giải pháp cụ thể như: hỗ trợ khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp nông thôn, tăng cường đào tạo nghề gắn với thực tiễn, phát triển các cụm công nghiệp nông thôn thân thiện với môi trường. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, quản lý chuỗi cung ứng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng đang được khuyến khích.
Thành phố Huế đặt mục tiêu đến năm 2030, có ít nhất 70% cơ sở công nghiệp nông thôn đạt tiêu chí sạch, xanh, bền vững. Đồng thời, thành phố cũng chú trọng yếu tố văn hóa trong phát triển công nghiệp nông thôn, xem đây là nét riêng để nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm Huế trên thị trường trong nước và quốc tế. |