Thứ hai 05/05/2025 10:15

Thành phố Huế: Kết nối du lịch ‘sống’ với làng nghề

Không gian trải nghiệm di sản – làng nghề – ẩm thực đầu tiên giữa lòng thành phố Huế giúp du khách “sống” cùng di sản, đồng thời tạo sinh kế cho cộng đồng.
'Hồi sinh' công viên hồ Thuỷ Tiên sau trùng tu ở Huế Thành phố Huế: Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo Thành phố Huế bứt phá với hàng loạt dự án đầu tư

Từ bảo tồn di sản đến phát triển kinh tế địa phương

Vừa qua, tại thành phố Huế đưa vào hoạt động tổ hợp trải nghiệm văn hóa - ẩm thực đặc sản Kinh Đô – Sốngcentre Huế. Đây là mô hình “tất cả trong một” đầu tiên tại trung tâm thành phố Huế, tích hợp không gian trải nghiệm làng nghề truyền thống, trình diễn văn hóa, ẩm thực và sản phẩm đặc sản địa phương.

Thành phố Huế: Kết nối du lịch ‘sống’ với làng nghề
Du khách trải nghiệm ẩm thực đặc sản Huế. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Điều đáng chú ý không chỉ là quy mô hay sự mới mẻ, mà chính là cách tổ hợp này định hình lại mối quan hệ giữa du lịch, di sản và phát triển sinh kế địa phương. Trong bối cảnh Huế đang chủ trương phát triển du lịch theo hướng “di sản mở rộng”, mô hình này được kỳ vọng sẽ góp phần định hình xu hướng du lịch trải nghiệm bền vững, giàu bản sắc.

Tổ hợp gồm ba không gian chính: khu trưng bày và bán quà tặng thủ công, khu may đo – trải nghiệm áo dài truyền thống và phố ẩm thực di sản. Mỗi khu vực đều được thiết kế để du khách không chỉ xem, mà còn tham gia, thực hành và tương tác trực tiếp với các sản phẩm văn hóa.

Tại khu áo dài, du khách có thể chứng kiến quá trình cắt may áo dài Huế, thậm chí đặt may và nhận sản phẩm trong vòng hai giờ. Ở khu chợ ẩm thực, thực khách có thể thưởng thức các món ăn truyền thống như bánh bèo, bánh lọc, chè bắp – những món ăn gắn liền với đời sống thường nhật của người Huế, đồng thời được hướng dẫn cách chế biến trực tiếp.

Còn khu vực quà tặng là nơi các sản phẩm thủ công như hoa giấy Thanh Tiên, nón lá Phủ Cam, mây tre Bao La hay sản phẩm từ thảo mộc bản địa được giới thiệu và bày bán dưới hình thức tiếp cận hiện đại – bao bì chỉnh chu, chất lượng được kiểm soát, phù hợp cho khách du lịch trong và ngoài nước.

Trao đổi với Báo Công Thương, ông Nguyễn Đức Máy - Giám đốc vận hành đặc sản Kinh Đô cho biết, đây không chỉ là trung tâm mua sắm ẩm thực – quà tặng, mà là điểm đến “tất cả trong một” để cộng đồng dừng chân, trải nghiệm di sản văn hóa. Chúng tôi mong muốn mang đến những món quà chất lượng, ẩm thực an toàn và không gian văn hóa sâu sắc.

Chuyển đổi mô hình phát triển làng nghề

Trong nhiều năm qua, Huế đã ghi nhận sự mai một đáng lo ngại ở các làng nghề truyền thống. Hiện toàn thành phố có khoảng 92 làng nghề, trong đó hơn 40 làng nghề truyền thống, phần lớn hoạt động cầm chừng, sản phẩm tiêu thụ hạn chế và thiếu kết nối thị trường.

Thành phố Huế: Kết nối du lịch ‘sống’ với làng nghề
Khu vực may đo áo dài truyền thống Huế. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Trước thực trạng đó, thành phố Huế đã phê duyệt đề án bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề gắn với du lịch giai đoạn 2021–2030, trong đó đặt mục tiêu khôi phục ít nhất 3–5 làng nghề có nguy cơ thất truyền mỗi năm và phát triển ít nhất 5 làng nghề trở thành điểm đến du lịch.

Việc xuất hiện mô hình kết nối như tổ hợp đặc sản này tạo sự phát triển căn cơ, giải bài toán gắng du lịch với phát triển nghề và làng nghề truyền thống đang được thành phố Huế định hướng. Theo đó, thay vì để các nghệ nhân sản xuất tự phát và bán lẻ tại các làng nghề xa trung tâm, mô hình tổ hợp giúp họ tiếp cận trực tiếp với thị trường du lịch, đồng thời duy trì không gian sáng tạo và giới thiệu sản phẩm trong một bối cảnh hiện đại, dễ tiếp cận hơn.

Bên cạnh đó, sự ra đời của tổ hợp không đơn thuần là một sự kiện du lịch, mà là dấu hiệu cho thấy Huế đang chuyển mình trong cách tiếp cận phát triển: từ bảo tồn tĩnh sang kích hoạt di sản sống. Không gian nơi đây không đóng khung vào quá khứ, mà tạo cơ hội cho di sản tương tác, sáng tạo và tái sinh thông qua chính người dân địa phương.

Mô hình này đang nhận được sự quan tâm từ cộng đồng và giới chuyên môn, đặc biệt trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam nói chung đang hướng tới các giá trị bền vững và gắn kết cộng đồng.

Từ những trải nghiệm “sống cùng di sản” tại trung tâm Huế, đến khả năng kết nối với các tour tuyến đến các làng nghề vùng ven, tổ hợp này được đánh giá sẽ trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị mới của ngành du lịch địa phương.

Bên cạnh đó, hiện nay tại số 15 Lê Lợi, thành phố Huế cũng tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm và trình diễn nghề truyền thống Huế. Qua đó, nhằm quảng bá văn hóa truyền thống Huế và hỗ trợ các sản phẩm truyền thống địa phương tiếp cận người tiêu dùng, du khách trong nước và quốc tế.

Bà Trần Thị Hoài Trâm - Giám đốc Sở Du lịch thành phố Huế đánh giá: Mô hình này mang lại nhiều ý nghĩa: vừa giúp quảng bá nghề truyền thống, vừa tạo thêm điểm đến cho du khách, đồng thời mở ra cơ hội sinh kế cho người dân. Sắp tới, chúng tôi sẽ khuyến khích nhân rộng mô hình này ở các khu vực có tiềm năng như làng hương Thủy Xuân, gốm Phước Tích, dệt zèng A Lưới...

Tin khác

Phiên bản di động