Sơn La: Người dân vùng biên Mường Lèo vươn lên thoát nghèo Sơn La: Công bố Quyết định thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch |
Vùng nguyên liệu của nhiều “ông lớn” ngành thực phẩm
Theo báo báo của ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La, năm 2023, tổng sản phẩm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn đạt 8.832 tỷ đồng, tăng 5,48% so với năm 2022.
Về diện tích cây hàng năm, hiện Sơn La có diện tích cây ăn quả và cây sơn tra đạt 84.160 ha, sản lượng đạt khoảng 456.598 tấn, sản lượng cây công nghiệp lâu năm chủ yếu đạt 94.595 tấn…
Sơn La có nhiều vùng nguyên liệu cung cấp cho các doanh nghiệp ngành thực phẩm |
Hiện địa phương có vùng nguyên liệu cung cấp cho nhiều "ông lớn" khẳng định thương hiệu trên thị trường. Như vùng nguyên liệu cung cấp cho Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (chi nhánh Sơn La) với diện tích vùng nguyên liệu là 2.057,3 ha gồm: Dứa hơn 450 ha, chanh leo 778,1 ha; ngô ngọt 496,4 ha, đậu tương rau 285,0 ha, rau chân vịt 47,7 ha… Tổng diện tích các loại cây trồng đã thực hiện trồng và ký liên kết với Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, chi nhánh Sơn La phục vụ nguyên liệu cho nhà máy năm 2023 đạt 926,9 ha. Tổng sản lượng các loại cây trồng trong vùng nguyên liệu đã thu hoạch năm 2023 đạt trên 16 nghìn tấn…
Địa phương cũng có vùng nguyên liệu cung cấp cho Công ty TNHH IC FOOD Sơn La, công ty đang tiếp tục ký hợp đồng liên kết, sản xuất thu mua 4.350 tấn nguyên liệu (hành lá 1.500 tấn; bắp cải 650 tấn, cải bẹ 700 tấn; cà rốt 350 tấn; cải ngọt 1.000, cải thảo 150 tấn) để chế biến 200 tấn thành phẩm.
Ngoài ra, Sơn La có vùng nguyên liệu cung cấp cho Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ thuộc Tập đoàn TH, niên vụ nhãn 2023 Nhà máy đã thu mua 500 tấn nhãn trên địa bàn tỉnh để chế biến.
Sơn La đang thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến nông sản |
Vùng nguyên liệu cung cấp cho Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc, tổng diện tích vùng nguyên liệu chanh leo phục vụ chế biến cho công ty là 750 ha. Công ty thu mua được trên 1.000 tấn quả tươi để phục vụ chế biến...
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch
Cùng với phát triển chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp nói chung… thời gian qua nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ được tỉnh Sơn La quan tâm phát triển và đạt một số kết quả khả quan.
Toàn tỉnh công nhận được 5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm: 1 vùng chè, 1 vùng chăn nuôi bò sữa tại huyện Mộc Châu; 2 vùng cà phê và 1 vùng na tại huyện Mai Sơn với 3.184 hộ gia đình tham gia liên kết với 7 doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn…
Ứng dụng công nghệ cao giúp Sơn La có nhiều thành công trong phát triển nông nghiệp |
Diện tích cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương đạt 2.714,1 ha, sản lượng 43.570,76 tấn/năm. Diện tích cây trồng sản xuất theo hướng hữu cơ đạt 8.217 ha; diện tích cà phê áp dụng 4C, UTZ, RA đạt 18.429,5 ha; diện tích cây trồng tưới tiết kiệm nước (nhỏ giọt, phun…) đạt trên 1.000 ha; diện tích cây trồng trong nhà lưới, nhà kính đạt 56 ha.
Cùng với đó, Sơn La hỗ trợ duy trì, phát triển 280 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn. Trong đó: 38 chuỗi rau an toàn, diện tích 318 ha, sản lượng 12.646 tấn/năm; 175 chuỗi quả an toàn (xoài, nhãn, mận, chanh leo, bơ, cam, bưởi, dâu tây, thanh long...) diện tích 4.226 ha, sản lượng 48.484 tấn/năm; 5 chuỗi cà phê diện tích 2160 ha, sản lượng 4.518 tấn/năm; 10 chuỗi chè diện tích 544 ha, sản lượng 7.535 tấn/năm; 2 chuỗi gạo diện tích 130 ha, sản lượng 1.930 tấn/năm; 4 chuỗi thịt lợn quy mô 35.000 con, sản lượng 4.350 tấn/năm; 3 chuỗi thịt gà an toàn quy mô 62.500 con, sản lượng 80 tấn/năm; 7 chuỗi mật ong an toàn với số lượng 6.854 đàn ong, sản lượng 438 tấn/năm; 21 chuỗi thủy sản nuôi 2.939 lồng bè trên lòng hồ Thủy điện Sơn La, sản lượng 1.743 tấn/năm…
Sản phẩm nông sản được cấp mã vùng trồng xuất khẩu |
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Sơn La cấp 294 mã số vùng trồng, trong đó có 1 mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt diện tích 10 ha, 293 mã số vùng trồng xuất khẩu, đang duy trì 217 mã số với diện tích 3.141,05 ha, thu hồi 76 mã số do không đáp ứng điều kiện mã số vùng trồng diện tích 1.457 ha. Trong 217 mã số vùng trồng xuất khẩu đang duy trì có: 130 mã số xuất khẩu sang Trung Quốc, 31 mã số xuất khẩu sang Hoa Kỳ, 41 mã số xuất khẩu sang Úc, 9 mã số xuất sang New Zealand, 3 mã số EU, 3 mã số sang các thị trường khác...
Xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực gắn với địa danh
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La đã tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm nông sản là tiềm năng lợi thế của tỉnh, cùng với đó là tập trung và đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực…
Nhiều loại nông sản đã dần khẳng định được giá trị trên thị trường và được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến sau khi được cấp nhãn hiệu chứng nhận, tiêu biểu như: Sản phẩm nhãn Sông Mã, bơ Mộc Châu, na Mai Sơn...
Sơn La có 27 sản phẩm được cấp bảo hộ mang địa danh của tỉnh |
Đến nay Sơn La đã có 27 sản phẩm được cấp bảo hộ nhãn hiệu mang địa danh của tỉnh trong đó: 12 sản phẩm quả, cụ thể: 1 chỉ dẫn địa lý (quả xoài tròn Yên Châu), 11 nhãn hiệu chứng nhận (cam Phù Yên; nhãn Sông Mã; táo Sơn tra Sơn La; na Mai Sơn; bơ Sơn La; chuối Yên Châu; mận Sơn La; chanh leo Sơn La, nhãn Sơn La; bơ Mộc Châu; xoài Sơn La); 5 sản phẩm chè (1 chỉ dẫn địa lý chè: Shan tuyết Mộc Châu; 2 nhãn hiệu chứng nhận: Chè Olong Mộc Châu, chè Phổng Lái; 1 nhãn hiệu tập thế: chè Tà Xùa Bắc Yên; đăng ký thành công hộ sản phẩm tại Thái Lan: Chè Shan tuyết Mộc Châu)…
Cùng với đó, có 1 nhãn hiệu chứng nhận rau an toàn Mộc Châu; 1 nhãn hiệu chứng nhận rau an toàn Vân Hồ; 2 nhãn hiệu chứng nhận lúa nếp tan Mường Và và Gạo Phù Yên; 1 chỉ dẫn địa lý cà phê; 1 nhãn hiệu tập thể sản phẩm khoai sọ Thuận Châu; 2 nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm cá (cá tầm Sơn La, cá Sông Đà Sơn La); 1 nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm chuối Yên Châu; 1 nhãn hiệu chứng nhận mía tím Sông Mã.
Các sản phẩm nông sản đã xây dựng thương hiệu, duy trì ổn định chất lượng, danh tiếng sản phẩm ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến. Việc kết nối với các thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản của Sơn La có chiều hướng phát triển tốt và mở rộng. Các doanh nghiệp, hợp tác xã đã dần chủ động trong việc duy trì phát triển và quảng bá thương hiệu sản phẩm. Nông sản Sơn La đã khẳng định thương hiệu mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ... đóng góp quan trọng tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực Tây Bắc.