Với những giá trị nổi bật toàn cầu cùng nhiều danh hiệu trong nước và quốc tế, Quảng Ninh luôn xác định Vịnh Hạ Long là báu vật thiên nhiên ban tặng, là động lực quan trọng để phát triển ngành du lịch và chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh". Bám sát tinh thần của Công ước Di sản thế giới 1972, những năm qua, Quảng Ninh luôn nỗ lực và trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện các giải pháp để quản lý, bảo vệ hiệu quả tính toàn vẹn và phát huy bền vững di sản Vịnh Hạ Long.
Nhiều chủ trương, chính sách bảo vệ di sản
Nhiều chủ trương, chính sách lớn đã được tỉnh Quảng Ninh ban hành, triển khai nhằm tăng cường các hoạt động bảo vệ di sản, như: Di dời toàn bộ cư dân các làng chài trên Vịnh Hạ Long lên đất liền sinh sống; quy định không đánh bắt thủy sản trong vùng lõi di sản; chủ trương quy hoạch nuôi trồng thủy sản ngoài khu vực di sản; giảm số lượng, tăng chất lượng, an toàn và hiệu suất khai thác tàu du lịch trên vịnh; quyết định thành lập khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan Vịnh Hạ Long. Các quy chế phối hợp liên ngành nội tỉnh và với TP. Hải Phòng được ký kết và triển khai thực hiện…
![]() |
Quảng Ninh luôn xác định Vịnh Hạ Long là báu vật thiên nhiên ban tặng, là động lực quan trọng để phát triển ngành du lịch. Ảnh: Báo Quảng Ninh |
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường nguồn lực để triển khai các hoạt động khảo sát, nghiên cứu nhằm bổ sung dữ liệu khoa học về các giá trị của di sản, là cơ sở đưa ra các giải pháp quản lý, bảo vệ. Kết quả nghiên cứu của các đề tài đã và đang được ứng dụng vào thực tiễn, như: Lập hồ sơ khoa học về các giá trị của Vịnh Hạ Long; lắp đặt biển cảnh báo và triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn cho khách du lịch tại các khu vực có nguy cơ sạt lở, đổ lở trên vịnh; phục dựng một số nét văn hóa tiêu biểu của ngư dân làng chài trên Vịnh Hạ Long, khai quật, trưng bày các di chỉ khảo cổ nhằm bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa - lịch sử và đa dạng hóa sản phẩm du lịch; thực hiện điều chỉnh hệ thống chiếu sáng trong hang động nhằm ức chế sự phát triển của thực vật; xây dựng Đề cương Kế hoạch quản lý du lịch Vịnh Hạ Long bền vững, phù hợp với sức tải đã xác định…
Nhằm giảm thiểu tác động từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên và ven bờ vịnh đến tài nguyên, môi trường di sản, nhiều chủ trương, định hướng được tỉnh đưa ra, như: Thay thế phao xốp trên các công trình nổi trên vịnh bằng các vật liệu bền vững, thân thiện môi trường; di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực vùng đệm; không cấp phép hoạt động các nhà máy có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường Vịnh Hạ Long; thực hiện lộ trình đóng cửa các mỏ than khai thác lộ thiên.
Chất thải phát sinh từ các hoạt động kinh tế - xã hội trên vịnh được tập trung quản lý, kiểm soát. Toàn bộ tàu du lịch có hệ thống xử lý nước thải lẫn dầu; các tàu du lịch đóng mới phải lắp đặt hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt bảo đảm quy chuẩn; hệ thống xử lý nước thải tại các điểm tham quan trên vịnh được đầu tư nâng cấp, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý, bảo đảm đạt tiêu chuẩn.
Nhằm lan tỏa thông điệp về một Vịnh Hạ Long xanh và huy động sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế xanh tại khu vực di sản, từ năm 2019, chương trình "Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa" được phát động, triển khai. Tiến hành phân loại rác thải tại nguồn, tái chế và sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường; xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven biển, góp phần nâng cao năng lực cho người dân, học sinh, hộ kinh doanh, cộng đồng về các kiến thức và biện pháp giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường…
Bên cạnh đó, giải pháp để quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh tế - xã hội trên Vịnh Hạ Long được tăng cường. Theo đó, các vụ vi phạm trên vịnh được tăng cường kiểm tra và xử lý kịp thời. Tiếp tục rà soát, có biện pháp xử lý các trường hợp nuôi trồng thủy sản trái phép tại khu vực bảo vệ tuyệt đối và vùng đệm, xử lý nghiêm các hành vi khai thác, sử dụng ngư cụ cấm tại khu vực giáp ranh Vịnh Hạ Long - Cát Bà.
Các tàu du lịch được quản lý theo hướng giảm số lượng, tăng chất lượng, an toàn, bảo vệ môi trường, hiệu suất khai thác và giám sát thông qua các thiết bị hiện đại như GPS, camera... Các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên vịnh được kiểm soát chặt chẽ, từng loại hình được quy định khu vực hoạt động và xây dựng phương án tổ chức quản lý…
Nâng tầm giá trị di sản Vịnh Hạ Long qua du lịch và trải nghiệm
Thời gian qua, Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp gia tăng giá trị di sản Vịnh Hạ Long thông qua phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch và nâng cao trải nghiệm của du khách.
Quảng Ninh đã hoàn thiện, nâng cấp các sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc trưng của Vịnh Hạ Long, như: Du lịch nghỉ đêm trên Vịnh; Du thuyền khám phá; Tham quan, trải nghiệm giá trị văn hóa độc đáo của cộng đồng ngư dân trên vịnh và các di tích khảo cổ; Trải nghiệm đò chèo tay, kayak; Trải nghiệm Vịnh Hạ Long từ trên cao với thủy phi cơ…
![]() |
Quảng Ninh đã hoàn thiện, nâng cấp các sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc trưng của Vịnh Hạ Long. Ảnh: Du lịch Hạ Long |
Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục duy trì và mở rộng mối quan hệ với các tổ chức quốc tế nhằm tăng cường trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Với những nỗ lực trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản theo Công ước Di sản thế giới, Vịnh Hạ Long đã và đang trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực.
Tại kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản thế giới được tổ chức tại Ả-rập Xê-út vào tháng 9/2023, Ủy ban Di sản thế giới đã ghi nhận và biểu dương Quốc gia thành viên Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh vì những nỗ lực và trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện các giải pháp hiệu quả để quản lý, bảo vệ tính toàn vẹn và bền vững khu di sản Vịnh Hạ Long phù hợp với Công ước Di sản thế giới. |