Thứ năm 26/12/2024 07:34

Quảng Bình: Hoạt động xuất nhập khẩu còn nhiều hạn chế

Theo Sở Công Thương Quảng Bình, hầu hết các doanh nghiệp trong tỉnh Quảng Bình hoạt động xuất nhập khẩu với quy mô nhỏ, hạn chế về loại hình kinh doanh.
Kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Cha Lo đạt khoảng 2.221,9 triệu USD Thu hút du khách bằng những sản phẩm du lịch chuyên biệt tại Quảng Bình

Theo Sở Công Thương Quảng Bình, hiện nay tỉnh Quảng Bình có hơn 50 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, thị trường chủ yếu là các nước Đông Nam Á, có một số ít các doanh nghiệp có khả năng xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…, còn lại phần lớn được xuất khẩu theo đường tiểu ngạch hoặc xuất ủy thác qua các đơn vị trung gian với thị trường chính là Trung Quốc.

Hàng hóa chủ lực và có nhiều tiềm năng xuất khẩu của tỉnh Quảng Bình hiện nay bao gồm các mặt hàng thuỷ sản chế biến, nông sản, nhựa thông, tinh bột sắn, chế biến gỗ, xi măng, phân bón, sản phẩm may mặc, vật liệu xây dựng…. Hiện nay, một số công ty chế biến thuỷ sản đã đạt tiêu chuẩn sản phẩm an toàn thực phẩm quốc tế (HACCP) và xuất khẩu sang các thị trường yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng cao như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Theo Cục Hải quan Quảng Bình, 11 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh ước đạt 644 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 192,5 triệu USD; nhập khẩu đạt 451,5 triệu USD.

Một nhà máy chế biến Titan tại tỉnh Quảng Bình
Một nhà máy chế biến titan tại tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Thành Long

Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: Vật liệu xây dựng, dăm gỗ, gỗ chế biến, hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, hàng may mặc.

Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm: Trái cây các loại, trâu bò sống, lợn sống, gà sống, phân bón kali, gạo các loại, thiết bị nhập khẩu phục vụ đầu tư các dự án, nguyên liệu sản xuất.

Công tác kiểm tra, xác định xuất xứ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được triển khai có hiệu quả. Hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đều chấp hành nghiêm túc các quy định về xuất xứ theo pháp luật Việt Nam và quy tắc xuất xứ đã cam kết theo CPTPP và EVFTA, EVFTA. Hàng hóa nhập khẩu từ các đối tác là thành viên của các hiệp định đều được doanh nghiệp xuất trình chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa tương ứng và được hưởng ưu đãi thuế quan đúng quy định.

Tuy nhiên, theo đại diện Sở Công Thương Quảng Bình, hầu hết các doanh nghiệp trong tỉnh hoạt động xuất nhập khẩu với quy mô nhỏ, hạn chế về loại hình kinh doanh, chưa có nhiều hoạt động tiếp cận và mở rộng thị trường ra các nước trong khu vực và thế giới. Mặt khác, các doanh nghiệp chưa chủ động trong công tác xúc tiến mở rộng thị trường.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng kỹ thuật đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế về kinh tế. Vốn đầu tư phát triển hạ tầng tại các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu còn hạn hẹp. Thiếu các cơ sở dịch vụ có chất lượng tại khu cửa khẩu quốc tế Cha Lo, cửa khẩu phụ Cà Roòng - Noọng Ma.

Một khía cạnh khác được đưa ra là nhận thức của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về hội nhập kinh tế quốc tế còn hạn chế, chưa thực sự quan tâm đến tác động của hội nhập quốc tế dẫn đến chưa đầu tư đúng mức trong việc đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng lực cạnh tranh, chưa chú trọng tiếp cận các thông tin về hội nhập để xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài.

Tin khác

Phiên bản di động