Thời gian qua, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng diễn biến phức tạp và trở thành một trong những hình thức gian lận thương mại phổ biến tại Việt Nam. Để đánh lừa người tiêu dùng, phương thức, thủ đoạn này ngày càng chuyên nghiệp, tinh vi và biến đổi liên tục.
Nhiều nhãn hiệu có tên tuổi hiện bị xâm phạm dưới các hình thức như sao chép, bắt chước kiểu dáng, mẫu mã gần giống hoặc tương tự, gây nhầm lẫn, đánh lừa người tiêu dùng và làm tổn hại đến giá trị thương hiệu của doanh nghiệp.
Là những thương hiệu hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực phụ tùng xe máy, những thương hiệu như Honda, Yamaha cũng không tránh khỏi tình trạng trên.
Ngày 17/10 vừa qua, thông tin từ Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Cục QLTT Long An, cho biết đã kiểm tra, phát hiện tám cơ sở kinh doanh phụ tùng xe máy giả nhãn hiệu Honda và Yamaha.
Trước đó, Đội QLTT số 1 tiến hành kiểm tra đột xuất tám cơ sở mua bán phụ tùng xe gắn máy trên địa bàn huyện Đức Hòa và Đức Huệ.
Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện các cơ sở này đang buôn bán các loại phụ tùng nhãn hiệu Honda, Yamaha như: Cao su sên đề môtô hai bánh, bơm xăng mô tô hai bánh, dây công tơ mét, bố thắng đĩa, yên xe…
Qua xác minh, làm việc, các chủ cơ sở này không xuất trình được hóa đơn, chứng từ để chứng minh là đại diện hoặc nhà phân phối của nhãn hiệu Honda, Yamaha. Các loại phụ tùng nhãn hiệu Honda, Yamaha đang kinh doanh là hàng hóa giả mạo.
![]() |
Nhiều phụ tùng giả mạo các thương hiệu như Honda, Yamaha,.. đang được bày bán tràn làn trên các cửa hàng trên cả nước. Ảnh: QLTT |
Cũng trong ngày 17/10, tại Bình Thuận, lực lượng QLTT tỉnh đã tiến hành kiểm tra 2 hộ kinh doanh phụ tùng và các bộ phận phụ trợ của mô tô, xe máy trên dịa bàn huyện Đức Linh và Tánh Linh.
Kết quả kiểm tra phát hiện 2 hộ kinh doanh trên vi phạm: Buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; tang vật vi phạm là 298 sản phẩm phụ tùng xe máy các loại giả mạo nhãn hiệu Honda và Yamaha gồm: 160 bộ bulong treo máy dùng cho xe máy mang nhãn hiệu Honda; 15 bộ bi văng dùng cho xe máy mang nhãn hiệu Honda; 04 cái cần đạp phanh sau xe máy mang nhãn hiệu Honda; 19 cái dây công tơ mét mang nhãn hiệu Yamaha; 90 viên pin dùng cho xe máy mang nhãn hiệu Yamaha.
Căn cứ hành vi vi phạm nêu trên, Đội trưởng Đội QLTT số 4 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 02 hộ kinh doanh trên về hành vi vi phạm hành chính buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xử phạt mỗi Hộ kinh doanh vi phạm 6 triệu đồng.
Đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc tiêu hủy đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là 298 sản phẩm phụ tùng xe máy giả mạo nhãn hiệu nêu trên. Các hộ kinh doanh vi phạm đã thực hiện nghiêm túc việc tiêu hủy các sản phẩm phụ tùng xe máy giả mạo nhãn hiệu với sự giám sát chặt chẽ của Đại diện Đội Quản lý thị trường số 4.
Còn tại Tây Ninh, trong thời gian từ ngày 16/9/2024 đến ngày 24/9/2024, Đội QLTT số 4 đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với 9 cơ sở kinh doanh phụ tùng xe gắn máy, kết quả 9 cơ sở vi phạm về hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hoá vi phạm là phụ tùng giả mạo nhãn hiệu Honda và Yamaha. Đội QLTT số 4 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 09 cơ sở trên với tổng số tiền phạt là 54 triệu đồng, buộc tiêu huỷ 328 đơn vị sản phẩm giả mạo nhãn hiệu, trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy ước tính hơn 8 triệu đồng.
Những vụ việc trên chỉ là một vài ví dụ điển hình cho tình trạng hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu các thương hiệu lớn như Honda, Yamaha… đang tràn lan trên thị trường.
Đại diện Công ty Honda Việt Nam cho biết, hàng năm có hàng chục nghìn phụ tùng giả được thu giữ, tập trung vào nhóm tính năng an toàn như má phanh, dây phanh, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của khách hàng và tuổi thọ của xe. Cùng với đó, tem, dầu nhớt, biển hiệu không đúng quy cách cấu trúc của Honda Việt Nam cũng được làm giả rất tinh vi và buôn bán trên thị trường.
Để hạn chế tình trạng trên, lực lượng Quản lý thị trường đã phối hợp cùng các thương hiệu như Honda tổ chức nhiều buổi tập huấn cách thức phân biệt hàng thật - hàng giả các sản phẩm của hãng Honda. Đây là những thông tin hữu ích, thiết thực đối với công tác kiểm tra, phát hiện hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ của các lực lượng thực thi.
![]() |
Honda Việt Nam đã phối hợp cùng lực lượng QLTT tổ chức nhiều buổi tập huấn giúp phân biệt hàng thật - hàng giả đối với các sản phẩm của Honda Việt Nam. Ảnh: Quốc Huy |
Tại các buổi tập huấn, đại diện của thương hiệu đã trao đổi, hướng dẫn một số cách nhận biết để phân biệt hàng thật - hàng giả đối với các sản phẩm của Honda Việt Nam, tập trung vào các nhóm chính gồm: Nhãn hiệu ô tô xe máy, phụ tùng, dầu nhờn, thiết kế cửa hàng, vi phạm kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu đối với một số dòng xe máy của Honda. Đồng thời, giới thiệu về quy định mới của Luật Sở hữu trí tuệ và một số vấn đề pháp lý liên quan đến xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ.
Lực lượng Quản lý thị trường cũng phối hợp cùng công ty Luật TNHH Phạm & Liên danh, đại diện pháp lý của Honda tại Việt Nam kiểm tra, xử lý nhiều vụ vi phạm, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.