Khoai sọ nương Trạm Tấu: Từ đặc sản của đồng bào vùng cao thành sản phẩm hàng hóa Yên Bái: Phấn đấu truy xuất nguồn gốc 10 nhóm sản phẩm chủ lực vào năm 2025 |
Khoai sọ là một loại cây trồng vốn rất thân thuộc với nương, ruộng của bà con nay đã trở thành sản vật mang thương hiệu riêng của huyện vùng cao Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái.
Cây khoai sọ nương Trạm Tấu là giống khoai bản địa, được người dân trồng chủ yếu trên các triền núi đá, khí hậu ôn hòa. Đất đai ở núi rừng nơi đây có nhiều mùn, khoáng chất nên chất lượng củ khoai sọ đặc biệt thơm ngon. Thời gian trồng từ giữa tháng 3 đến hết tháng 4 khi trời bắt đầu mưa xuống đất nương đồi ẩm ướt, vụ thu hoạch từ cuối tháng 9 đến hết tháng 11 khi mùa mưa đã chấm dứt.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu cho biết: "Cây khoai sọ trồng ở địa phương là giống khoai bản địa, cây thấp, củ tròn, vỏ mỏng, da trắng, ăn dẻo, đậm thơm và có hàm lượng dinh dưỡng cao; quá trình trồng, chăm sóc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên được người tiêu dùng ưa chuộng".
Sản phẩm khoai sọ nương Trạm Tấu đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Ảnh: Báo Yên Bái |
Theo cách tính của người trồng khoai sọ thì giá bán 1 kg hiện nay dao động từ 17.000 - 20.000 đồng, năng suất đạt từ 9 - 11 tấn/ha, trừ chi phí ban đầu, mỗi héc - ta khoai sọ đem về cho họ trên 50 triệu đồng, cao hơn hẳn so với trồng lúa nương và một số cây trồng khác trên cùng diện tích.
Khoai sọ được chọn là một trong những sản phẩm đặc trưng của địa phương, từ năm 2019, huyện Trạm Tấu bắt đầu vận động đồng bào trồng khoai thành vùng hàng hóa tập trung. Ban đầu trồng 45ha ở các xã Xà Hồ, Bản Công, Bản Mù, Pá Hu, Pá Lau.
Năm 2021, huyện đã triển khai dự án xây dựng mô hình liên kết sản xuất khoai sọ với chủ trương đẩy mạnh trồng khoai sọ trên đất nương rẫy, chuyển diện tích đất đồi trồng cây hiệu quả kinh tế thấp sang trồng khoai sọ nhằm từng bước phát huy lợi thế cây trồng chủ lực của địa phương.
Để nâng tầm thương hiệu sản phẩm, huyện Trạm Tấu đã vận động người dân mở rộng diện tích; hình thành các vùng sản xuất tập trung nhằm tạo thuận lợi trong chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Đến năm 2023, toàn huyện có khoảng 600ha, sang năm 2024 tổng diện tích được nâng lên khoảng 800ha. Hiện nay đang vào giữa vụ thu hoạch, theo dự báo, năm nay đồng bào Mông trong huyện được mùa khoai sọ với năng suất bình quân đạt 14 tấn/ha, sản lượng ước đạt hơn 11.000 tấn, giá trị trên 200 tỷ đồng.
Xác định khoai sọ là một trong nhóm cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao và thu nhập bền vững cho người dân, huyện Trạm Tấu định hướng phát triển khoai sọ thành sản phẩm hàng hóa để không chỉ giảm nghèo mà còn làm giàu từ khoai sọ.
Sản phẩm khoai sọ nương Trạm Tấu đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Cùng với đó, huyện cũng chú trọng xây dựng hệ thống văn bản quản lý, sử dụng và kiểm soát chất lượng sản phẩm khoai sọ từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm…
Với năng suất ổn định 14 tấn/ha, trừ chi phí sản xuất, mỗi ha khoai sọ đem về cho nông dân trên 120 triệu đồng, tạo nguồn thu nhập cao, giúp nhiều hộ đồng bào vươn lên thoát nghèo.
Để nâng cao thu nhập từ cây khoai sọ, huyện Trạm Tấu đã chỉ đạo ngành nông nghiệp huyện phối hợp với các xã vận động nhân dân thu hoạch khoai đúng tuổi và lựa chọn những ngày thời tiết nắng ráo để thu hoạch.
Ngoài ra, chính quyền huyện tiếp tục chú trọng xúc tiến quảng bá, đưa sản phẩm khoai sọ nương Trạm Tấu vào các siêu thị lớn và sàn thương mại điện tử. Hiện sản phẩm đã có mặt tại các kệ hàng ở các siêu thị lớn ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, TP.Hồ Chí Minh, Lâm Đồng…
Các ngành chức năng địa phương cũng đang tiếp tục hỗ trợ người dân nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng chuỗi tiêu thụ, thiết kế bao bì, mẫu mã, sơ chế, bảo quản để nâng cấp sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 5 sao, hướng tới xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích.